Lượng mưa có giảm, nhưng nước từ thượng nguồn vẫn đổ về, huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn. Tính đến chiều ngày 17/11, tại Quảng Nam có 4 người chết và mất tích, trong đó 2 người ở Tiên Phước và hai người ở Đại Lộc.
Ngày 17/11, lượng mưa tại vùng cao Bắc Trà My đã giảm nhưng nước từ thượng nguồn vẫn cuồn cuộn đổ về. Ngầm sông Trường, sông Nước Oa trên tuyến ĐT616 nối huyện Bắc Trà My và Nam Trà My vẫn còn cao hơn 3m khiến huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn.
Cầu ngầm suối Đá Bàn xã Trà Đông bị xói lở nghiêm trọng. Huyện Bắc Trà My đã huy động lực lượng dùng rọ sắt, đá hộc khắc phục tạm để thông tuyến xuống 2 xã Trà Nú và Trà Cót.
Riêng 6 xã vùng cao Trà Tân, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ka vẫn còn bị cô lập và có hàng trăm điểm sạt lở tại các tuyến liên đường liên xã, liên thôn; nhất là ở các khu thuộc dự án thủy điện Sông Tranh II với khối lượng đất đá khổng lồ sạt xuống đường, gây ách tắc giao thông. Nhiều nhiều công trình thủy lợi, diện tích hoa màu, đất sản xuất bị xói lở, bồi lấp do nước lũ. 10 nhà dân bị đất đá sạt lở tràn vào nhà, 3 nhà bị sập hoàn toàn. Số lượng trâu bò chết tăng lên đến 55 con.
Do nước ngầm sông Trường dâng cao nên huyện miền núi Nam Trà My bị cô lập trong 5 ngày qua, giá cả các mặt hàng tại đây đã tăng từ 30 đến 50%. Mưa lớn, núi lở làm sụp đổ gần 10 nhà dân và làm hư hỏng các cơ quan công sở như viện kiểm sát nhân dân, trạm xăng dầu, nhà cộng đồng tránh lũ. Nước trên các sông suối dâng cao gây ra lũ quét cuốn trôi nhiều thiết bị máy móc đang thi công tại các công trình và bồi lấp hơn 25 ha ruộng lúa 2 vụ. Tổng thiệt hại gần 10 tỉ đồng.
Từ chiều ngày 16/11 đến sáng ngày 17/11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập tại nhiều địa phương của huyện Điện Bàn. Trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua thôn Trung Phú (xã Điện Minh) nước lũ đã tràn qua có đoạn sâu từ 0,3-0,5 mét. Đặc biệt một số xã phía Tây như Điện Phong, Điện Quang, Điện Trung, Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước và các xã vùng đông như Điện Minh, Điện Phương… nước lũ dâng cao đã gây ngập sâu phần lớn các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn, mọi hoạt động sản xuất của người dân dường như bị ngưng trệ. Cũng trong ngày hôm nay, ngành giáo dục ở huyện Điện Bàn chỉ đạo cho các trường học cho các em học sinh được nghỉ học.
Ngoài ra, 4 nhịp cầu Gò Nổi (đoạn phía đông thuộc thôn Bình An, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) bị sụt gãy, gây ách tắc giao thông cho hàng chục ngàn người dân 3 xã vùng Gò Nổi gồm Điện Quang, Điện Phong và Điện Trung của huyện Điện Bàn và thôn Bình An, thị trấn Nam Phước. Hiện tại tất cả các loại xe không thể qua lại được, người dân các xã vùng Gò Nổi chỉ dùng ghe để qua lại.
Hiện tại, chính quyền địa phương đã làm rào chắn ở hai đầu cầu không cho lưu thông. Gần chục xe ôtô, xe tải các loại chở người nơi xa và gia súc đã bị mắc lại ít nhất hàng chục ngày nữa.
Thống kê của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những ngày qua, toàn tỉnh đã có 1.200 hộ dân bị ngập, tập trung chủ yếu dọc sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Bàn Thạch (TP Tam Kỳ), trong đó tại huyện Nông Sơn có nhiều nhà ngập sâu từ 1-2m.
Đến sáng ngày 17/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán 1.582 hộ với khoảng 6.500 nhân khẩu, tập trung ở các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Điện Bàn... hình thức chủ yếu là sơ tán xen ghép tại chỗ. Công tác di dời dân cũng đang được lực lượng chức năng tiến hành khẩn trương.
Chiều ngày 17/11, UBND huyện Đại Lộc cho biết, trong 2 ngày lũ lụt vừa qua trên địa bàn huyện có 2 người chết và một người bị thương. Theo đó, vào lúc 9h30 ngày 17/11, em Trần Công Vinh (SN 1995, trú tại thôn Đại Lợi, xã Đại Nghĩa) bơi ghe đi đám tang người thân thì bị lật ghe nước cuốn trôi mất tích.
Trước đó lúc 13 giờ ngày 16/11, ông Trần Thành Cảnh (SN 1931, trú thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong), khi đang dọn lụt không may trượt thang té ngã bị chấn thương sọ não phải chuyển bệnh viện cấp cứu nhưng đã chết sau đó.
Như vậy tính đến chiều ngày 17/11, toàn tỉnh có 4 người chết và mất tích, trong đó 2 người ở Tiên Phước và hai người ở Đại Lộc.