Sau hơn 2 năm hoàn thành phân giới cắm mốc, lần đầu tiên một cuốn sách đề cập tương đối đầy đủ đến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được xuất bản.
Ngày 25/1, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) và Hội Khoa học lịch sử VN đã ra mắt cuốn sách Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Cuốn sách giới thiệu quá trình đàm phán, hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước, phân tích kết quả và ý nghĩa lịch sử của công việc này.
Theo giáo sư Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội), cuốn sách đã lần đầu tiên đề cập một cách tương đối đầy đủ, toàn diện và chính xác về đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc cả trong các giai đoạn trước đây cũng như đường biên mới được xác lập hiện nay.
Đánh giá về tác phẩm, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu cho rằng, cuốn sách đã lần đầu tiên ghi nhận nỗ lực của hai quốc gia khi hoàn thành công việc khó khăn, phức tạp kéo dài nhiều năm. Theo ông, để hoàn thành tác phẩm, các tác giả đã phải chịu rất nhiều sức ép.
"Cuốn sách như một cuốn sổ đỏ của đất nước khi mô tả chính xác đường biên sau 2 năm hoàn thành việc cắm mốc trên thực địa", ông Doãn ví von.
Ông Nguyễn Hồng Thao, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết, nhiều nước đã sang VN học tập kinh nghiệm và phương pháp giải quyết đối với vấn đề phân định biên giới, cắm mốc... Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng cũng từng khẳng định, việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với quan hệ hai nước, tạo ra cơ hội mới cho các địa phương quản lý biên giới, thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại du lịch...
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tuy chưa phải là một công trình chuyên khảo nhưng cuốn sách Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc mang tính chính thống cao. Sau khi xuất bản, Bộ sẽ gửi sách tới các thư viện nước ngoài, xuất bản ấn phẩm bằng tiếng Anh cũng như đưa lên mạng Internet toàn bộ nội dung tác phẩm.
Cuốn sách gồm 5 chương do các chuyên gia của Viện Sử học, Ủy ban Biên giới quốc gia và ĐH Quốc gia Hà Nội chấp bút. Dung lượng tác phẩm tập trung ở chương 4, 5 về quá trình đàm phán dẫn đến ký kết hiệp ước hoạch định biên giới đất liền giữa 2 nước và việc tiến hành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa. Cuốn sách còn kèm theo phụ lục gần 100 trang gồm các sơ đồ, hình ảnh và văn bản liên quan đến quá trình đàm phán, phân định, cắm mốc...
Việc biên soạn được bắt đầu từ cuối 2009 dưới sự chỉ đạo của Hội Khoa học lịch sử VN và Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông). Nhóm tác giả cũng nhiều lần khảo sát thực địa vùng biên trong quá trình viết sách. Sách xuất bản chủ yếu với mục đích phổ cập rộng rãi cho người dân với cách viết dễ hiểu.
Theo VNE.