Rộng cửa đón trí thức Việt kiềuThảo luận về dự thảo Luật Viên chức, nhiều đại biểu đồng tình: Người VN mang hai quốc tịch và định cư ở nước ngoài vẫn được tham gia đội ngũ viên chức.

Ngày 26-10, Quốc hội (QH) thảo luận về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Viên chức và Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nhiều ý kiến phát biểu về dự thảo Luật Viên chức tập trung vào việc có nên hay không nên để người VN định cư ở nước ngoài tham gia vào bộ máy viên chức và gia hạn về tuổi về hưu cho viên chức có trình độ cao.

Mở cửa đón nhân tài

Hầu hết ý kiến phát biểu đều đồng tình dự luật đề xuất để công dân VN định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, ông Ngô Đức Mạnh, nhìn nhận việc mời GS Ngô Bảo Châu về nước làm viện trưởng Viện Toán cao cấp đã thể hiện chính sách mở để những người định cư ở nước ngoài mang hai quốc tịch tham gia bộ máy viên chức. Tuy nhiên, cần mời thêm nhiều trí thức người Việt khác ở nước ngoài thì cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện và thu hút cụ thể và mạnh mẽ hơn.

 Đồng tình với việc mở cửa thu hút người VN ở nước ngoài về nước làm việc nhưng đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị quy định cụ thể: “Chỉ công dân VN mới có quyền trở thành viên chức, còn chuyện định cư ở VN hay nước thì tùy từng lĩnh vực sẽ có những điều kiện khác nhau”.

Theo nhiều ĐB, việc nới lỏng điều kiện viên chức không chỉ giúp đất nước thu hút nhân tài mà còn tránh được tình trạng “chảy máu chất xám” trong các đơn vị sự nghiệp công đang rất cần nâng cao khả năng phục vụ người dân. Để khai thác năng lực, kinh nghiệp của đội ngũ trí thức, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị luật nên quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu cho viên chức có trình độ.

 Bảo hiểm: Dồn phần thiệt cho khách hàng

Chiều cùng ngày, QH thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Việc cho ra đời luật kinh doanh bảo hiểm mới nằm trong các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mở cửa thị trường bảo hiểm. Đa số ý kiên phát biểu đều đều tán thành việc phải sửa đổi luật để đưa lĩnh vực này theo kịp xu hướng phát triển. Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng nhiều quy định của luật vẫn còn chung chung. 

Một vấn đề được các ĐB quan tâm và có ý kiến khác nhau là việc trích quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm. Một số ĐB cho rằng  quỹ được hình thành ngay trên chính doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm. Do vậy có một quỹ riêng sẽ tạo gánh nặng cho người tham gia bảo hiểm.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) lại ủng hộ việc ra đời quỹ như một cách phòng ngừa rủi ro cho người tham gia bảo hiểm bởi hiện nay trong quan hệ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm phần thiệt thòi vẫn thuộc về khách hàng. Đa số các đại biểu cũng tán thành việc cho phép hợp tác xã đủ điều kiện thành lập công ty bảo hiểm.

Hôm nay (27-10), QH thảo luận 2 dự án Luật Phòng chống mua bán người, Luật Khoáng sản.

Theo TTO.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC