Trong lá thư gửi chuyên gia tâm lý, một học sinh lớp 5 nguệch ngoạc viết: "Con và bạn kia thích nhau. Nhưng giờ thì không còn nữa. Con cảm thấy rất buồn. Mỗi khi gặp nhau là hai đứa không biết nói gì. Tình cảm của con là gì, làm sao để con quên được bạn ấy".
Đó là một trong hàng trăm lá thư mà học sinh trường tiểu học Phùng Hưng, quận 11, TP HCM, gửi cho chuyên viên tư vấn tâm lý Mỹ Linh, người phụ trách công tác tư vấn học đường của trường.
Chuyên gia Mỹ Linh cho biết, bây giờ học sinh phát triển rất nhanh. Có em từ lớp 4, lớp 5 đã có biểu hiện bước vào tuổi dậy thì, phát sinh tình cảm với bạn khác phái. Một học sinh lớp 4 từng "cầu cứu" cô Linh: "Em thích một bạn nam, nhưng có bạn nữ trong lớp cũng thích bạn ấy. Cô có thể cho em biết phải làm sao không? Em đang rất bâng khuâng...".
Thậm chí cảm giác buồn bã vì tình yêu cũng sớm hình thành trong các em này. Một học sinh lớp 5 gửi bức thư với những dòng chữ tha thiết: "Con và bạn kia thích nhau, nhưng giờ thì không còn nữa. Con cảm thấy rất buồn và không thể quên bạn ấy. Mỗi khi gặp nhau là hai đứa không biết nói gì. Mong cô giúp con. Tình cảm của con là gì, làm sao để con quên được bạn ấy...".
Với học sinh nhỏ tuổi hơn một chút, các thắc mắc thường liên quan đến chuyện gia đình. Đó thường là những em phải sống trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ hay cãi nhau, ly thân hoặc bị bạo hành, thiếu quan tâm... Khi buồn tủi, lo lắng, thậm chí rơi vào cảm giác cô đơn, các bé dễ có suy nghĩ bị mọi người ghét bỏ và khao khát được chia sẻ.
"Cô Mỹ Linh ơi! Sao ba mẹ con cứ cãi lộn hoài, rồi ba con bỏ đi 3-4 ngày không về", hay "Cô à, con cảm thấy ba con có vợ bé. Mỗi lần ba về quê là để thăm vợ của ba. Dạo này con thấy ba không còn yêu con nữa..." là những dòng chữ thường thấy trong các thắc mắc của học sinh lớp 3.
Những thắc mắc của học sinh sẽ được bỏ vào thùng thư và chỉ mình chuyên viên tư vấn tâm lý đọc. |
Theo kinh nghiệm của nữ chuyên viên tư vấn tâm lý, ở mỗi độ tuổi các em có nhu cầu tư vấn khác nhau. Cách đón tiếp, trò chuyện và khuyên giải cũng được chọn lọc cho phù hợp.
Đối với thắc mắc về gia đình, ngoài việc giải thích các vấn đề xảy ra của người lớn, an ủi và khuyên nhủ học sinh, theo cô Linh, người làm công tác tư vấn cũng nên tiếp cận, trao đổi với phụ huynh để họ biết được tâm trạng con mình. Từ đó tạo đường dây liên kết giữa cha mẹ và con cái, làm cho các thắc mắc nhanh chóng được giải tỏa.
Còn chuyện tình cảm nam nữ, theo nữ chuyên viên, đó là những rung động rất tự nhiên về tâm sinh lý, chứ không phải là biểu hiện lệch lạc. Vì thế, các em thường không muốn thổ lộ với cha mẹ.
"Tâm lý phụ huynh khi biết con mình yêu sớm thường tức giận, trách móc, la mắng con theo kiểu 'mới tý tuổi mà yêu đương'. Trong trường hợp này, chúng ta phải khéo léo giải thích, định hướng cho các em hiểu và giữ gìn, trân trọng tình cảm trong sáng đó với bạn bè", cô Linh nói.
Những bức bức thư tư vấn của học sinh luôn được chuyên viên tư vấn tâm lý giữ bí mật tên đối với giáo viên trong trường cũng như phụ huynh và bạn bè của các em. Ảnh: Chụp từ thư tư vấn của học sinh. |
Qua nhiều năm làm chuyên viên tư vấn tâm lý, Mỹ Linh nhìn nhận, việc tư vấn học đường cho học sinh, nhất là bậc tiểu học là cần thiết. Bởi, đây là giai đoạn các em còn chịu nghe lời người lớn, dễ được uốn nắn và định hướng từ đầu.
Theo VNE.