Hồi năm hai đại học, sáng nào tôi cũng phải dậy từ 6 giờ sáng, chạy xe máy ra chợ Bà Chiểu gửi, rồi lên xe buýt đi Thủ Đức học.
Hôm đó, tôi phải đi sớm hơn mọi ngày vì 7 giờ thi môn đầu tiên học kỳ ba. Vừa đi đến đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) thì đùng một phát, bánh xe xẹp lép. May quá, tôi gặp một ông cụ vá xe bên đường.
Ông cụ chầm chậm đẩy xe lên lề, lôi bánh xe ra bỏ vào nước, giơ lên cây đinh to tướng rồi lắc đầu: “Đinh nó đâm ngang chứ không đâm dọc. Không vá được cháu ạ, phải thay ruột thôi”. Nói rồi, ông lôi một cái ruột xe định thay. Thấy vậy, tôi vội hỏi với giọng ngờ vực: “Ruột gì mà không có hiệu vậy ông? Thay cho cháu Casumina với. Tuần trước thay dọc đường một loại lung tung, mới ba ngày sau là hư rồi”. Ông cụ nói hết ruột Casumina, loại này xài cũng tốt lắm nhưng nếu không yên tâm thì đợi ông chạy đi mua. Nhìn ông cụ khó nhọc trên chiếc xe đạp cũ kỹ, tôi toan gọi ông lại nhưng không mở miệng được.
Thay xong, ông cụ nói tất cả 50.000 đồng. Tôi đưa tay vào cặp lấy bóp thì hỡi ôi, tôi bỏ quên bóp ở nhà. Vừa quê vừa xấu hổ vì những hành động với cụ già, tôi nói lí rí, mặt đỏ bừng: “Ông ơi, cháu quên mang bóp rồi. Mà giờ cháu phải đi thi gấp, không về lấy tiền trả ông được. Ông cho cháu mắc nợ, trưa đi học về cháu ghé trả tiền cho ông”.
Ông cụ cười móm mém: “Cháu đi thi kẻo trễ. Mai có đi học ngang qua đây thì trả ông”. Tôi mừng húm quay xe đi, bỗng buột miệng hỏi: “Ông không sợ cháu chạy mất sao?”. Ông cụ cười: “Sống là để tin nhau, tin nhau để mà sống, cháu ạ!”. Một cảm giác hối hận cứ ray rứt trong tôi. Người tôi vừa nghi ngờ mấy phút trước giờ lại trở thành ân nhân của tôi...
Theo PL.