Anh Nguyễn Văn Vĩnh - trú phường Hương Hồ, TP Huế - nói rằng mỗi bận mưa bão là chính quyền lại đến cắm biển, giăng dây cảnh báo sạt lở trước căn nhà của anh - Ảnh: NHẬT LINH
Anh Hoàng Đình Tài - phường Hương Hồ, TP Huế - cho biết những ngày này gia đình anh sống không yên, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo sông Hương sạt lở - Ảnh: NHẬT LINH
Căn nhà của anh Hoàng Đình Tài (phường Hương Hồ, TP Huế) nằm sát sông Hương, cạnh bên là di tích chùa Thiên Mụ nổi tiếng. Tận dụng địa thế phong cảnh hữu tình, anh Tài mở một quán ăn ven sông rồi lấy đó làm kế sinh nhai qua ngày.
Nỗi lo sông sạt lở mất nhà
Khoảng cách giữa hàng quán của anh Tài ra đến bờ sông Hương trước đây gần 10m và có một hàng tre hơn 20 năm tuổi được trồng để giữ đất, chống sạt lở.
Ấy vậy mà sau trận mưa lớn hồi cuối tháng 10 vừa qua, nước sông Hương cuồn cuộn chảy đã cuốn trôi cả bụi tre già xuống nước, trực tiếp uy hiếp đến căn nhà và hàng quán của anh Tài.
"Đêm đó tôi đang ngủ trong nhà thì nghe ngoài bờ sông có tiếng như bom nổ. Chạy ra xem thì thấy cả một mảng đất và bụi tre già bị lở, trôi xuống lòng sông, hở nguyên một hàm ếch to tướng. Bây giờ nhà tôi chỉ cách sông Hương có vài mét nên mỗi bận nghe đài báo mưa to là lo lắm", anh Tài kể.
Ngược dòng sông Hương lên đến khu vực thượng nguồn, hàng chục hộ dân ở tổ dân phố Long Hồ Thượng 2 (phường Hương Hồ, TP Huế) cũng ăn ngủ không yên vì nỗi lo sạt lở.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh - trú tổ dân phố Long Hồ Thượng 2 - kể rằng mảnh đất gia đình anh đang ở trước đây rộng hơn 2.500m2, trồng toàn cây thanh trà đặc sản và cách bờ sông Hương hơn 10m.
Thế nhưng tình hình sạt lở bờ sông nghiêm trọng trong những năm gần đây khiến gia đình anh mất gần 2.000m2 đất. Bờ sông cứ ngày một lấn dần đến gần căn nhà của anh Vĩnh khiến anh buộc phải dời nhà vào sâu trong khu đất.
Mỗi bận mưa lớn, các hồ thủy điện, thủy lợi đầu nguồn sông Hương xả nước thì chính quyền lại mang dây đến rào, cắm biển cấm luôn con đường độc đạo sát sông trước nhà anh Vĩnh vì sợ sạt lở.
"Mỗi lần đài báo mưa to là nhà tôi gần như bị cô lập trong nhiều ngày, chẳng làm gì được vì chính quyền giăng dây cảnh báo sạt lở. Thế nên khi nghe dự báo mưa to là tôi lại hối hả đi mua mì tôm, gạo, mắm muối để dự trữ sẵn trong nhà, cực vô cùng", anh Vĩnh nói.
Thiếu kinh phí xây kè ở các đoạn sông sạt lở
Không chỉ sông Hương mà trên nhiều con sông khác ở Huế như sông Bồ, sông Bạch Yến…cũng đang có nhiều hộ dân sống trong cảnh lo âu vì sạt lở.
Ông Đặng Văn Hòa - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết tình hình sạt lở bờ sông, đặc biệt là ở sông Hương và sông Bồ đã diễn ra nhiều năm qua.
Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tình hình sạt lở diễn ra khá nghiêm trọng sau mỗi đợt thiên tai, ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục hộ dân trên toàn tỉnh.
Theo ông Hòa, tỉnh đã lên phương án di dời những hộ dân sống ở dọc các con sông có nguy cơ xảy ra sạt lở mỗi khi mưa bão, thiên tai ập tới.
Một đoạn sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp nhà dân ở sát sông Bạch Yến (TP Huế) - Ảnh: SƠN THÙY
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã yêu cầu các địa phương, ngành chức năng đi kiểm tra các điểm sạt lở bờ sông ở trên khu vực mình quản lý để báo cáo lại cho UBND tỉnh.
Trước mắt, sau mùa mưa bão năm nay, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên sông Hương, sông Bạch Yến… thuộc địa phận TP Huế sẽ được xử lý khẩn cấp bằng cách đắp kè bằng tre, bao cát chống sạt lở tạm thời.
Về lâu dài, ông Hòa cho biết tỉnh đã yêu cầu các địa phương lập dự án, đưa việc làm kè bê tông tại các bờ sông sạt lở vào kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn hằng năm.
"Tuy nhiên do nguồn lực còn hạn chế nên nhiều dự án xây kè chống sạt lở đoạn bờ sông đến hiện nay vẫn chưa thực hiện được", ông Hòa nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online