Sống trên kính vỡKhông người nào theo nghề đập kính, đập vỏ chai mà tay chân lành lặn. Có người đã mãi nằm lại trên đống kính vỡ.

Cách trung tâm TPHCM khoảng 20 km, trên địa phận huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, có những phận người hằng ngày mưu sinh trên những “núi” kính vỡ. Chỉ cần một thoáng bất cẩn là máu chảy.

 Đập để vá

 Giữa trưa nắng chói chang, nhìn từ xa, những bãi kính vỡ ở xã  An Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương lấp lánh sắc trắng của thủy tinh. Lầm lũi trong những bãi đổ nát ấy là những người phụ nữ, đàn ông quần áo nhếch nhác. Khi đến gần, chúng tôi chẳng nghe tiếng họ cười nói, chỉ nghe tiếng kính bị đập vỡ vang lên khô khốc.

 Tôi khiếp hồn khi chứng kiến cảnh một phụ nữ ngoài 40 tuổi  mang đôi dép nhựa mỏng manh bước soàn soạt trên “núi” kính  với những mảnh vỡ sắc nhọn hơn dao. Sau đó, chị ngồi xuống kéo những tấm kính cũ lại rồi dùng búa đập tan tành. Theo từng nhát búa của chị, dăm kính bay tung tóe.

Chị phải liên tục nheo mắt để những dăm kính không găm vào “cửa sổ tâm hồn”.  Chị là vợ anh Bảy – người đàn ông quê miền Tây, đập kính lâu năm nhất ở bãi này. “Chúng tôi cũng chẳng biết gọi nghề mình đang làm là nghề gì. Chủ thu mua kính cũ về đổ ở đây. Cả ngày, chúng tôi chỉ đập những tấm kính cũ cho vỡ nát rồi hốt chúng bỏ vào các bao tải, xong khiêng lên xe container để đưa chúng ra cảng đến những cơ sở tái chế kính ngoài Hà Nội”.

 

 Ở xã An Phú này, bên cạnh những bãi kính vỡ, gương vỡ còn có những bãi vỏ chai vỡ. Cũng như những người đập kính, “thợ đập vỏ chai” cũng chỉ được trang bị những đôi bao tay bằng vải nhưng phải liên hồi lùa hốt, nhét những đống vỏ chai sắc nhọn vào bao.

 “Một ngày, bao tay rách không biết bao nhiêu lần, nếu lấy chỉ may lại thì cũng bị miểng chai cắt đứt. Mỗi ngày đi làm, tôi phải “thủ” theo dây kẽm. Bao tay lủng chỗ nào thì lấy kẽm quấn chỗ đó lại”- ông Nguyễn Văn Bền vừa tháo chiếc bao tay sờn cũ ra vừa nói. Tôi ớn lạnh khi thấy trên bàn tay gân guốc, đen đúa của người đàn ông ngoài 50 tuổi này có dăm mảnh thủy tinh găm vào. Bên cạnh những vết thương vừa liền da có một vết cắt đang rỉ máu.

Sống trên kính vỡ_0

Kính lành, người “vỡ”

 “Máu không chảy thì không có tiền. Làm nghề này ai mà không bị kính đâm, kính cắt hả em?”- chị Bùi Thị Nô, quê ở Cà Mau, nói. Trên hai cổ tay của chị là những vết sẹo vừa liền da. “Cổ tay bên này bị kính đâm hồi tháng trước, còn cổ tay này vừa mới bị kính xẻo”- chị Nô “khoe”. Một người đàn ông gần đó chen vào: “Phụ nữ họ ngại đấy, nếu họ vén áo, vén ống quần lên thì  mới khiếp, vết cắt, vết đâm đầy người. Đây không chỉ là nghề bán máu, mà còn bán cả... nhan sắc!”.

Người có vết cắt dài nhất còn làm việc ở khu này là anh Bảy. Trong lúc anh khiêng bao tải đựng kính vỡ lên xe container thì một miếng kính nhọn hoắt đâm thủng bao, cứa thẳng vào bắp chân một đường dài bằng gang tay. “Vết cắt sâu quá, miếng thịt trên bắp chân ảnh đứt ra, lủng lẳng. Đã khâu rồi mà vẫn nhức buốt nhiều ngày”- vợ anh Bảy xót đắng nói về vết thương của chồng.

 Có người cố đeo bám với nghề đã phải ra đi vĩnh viễn. Đó là trường hợp chị Năm Hoa, quê Bến Tre. Cách đây 2 năm, khi đang leo lên “núi” kính vỡ, chị vấp phải miệng bao tải và gục ngã trên những đống thủy tinh. Hai mảnh vỡ sắc nhọn đâm thẳng vào ngực khiến tim chị ngừng đập mãi mãi.

 Những tấm kính cũ được anh Bảy, chị Nô... đập bể rồi chuyển đến một cơ sở, nhà máy nào đó để “vá” chúng lại làm nên những tấm gương nguyên vẹn cho đời. Và một điều là những tấm gương sáng ấy không bao giờ phản chiếu cho chúng ta thấy những vết thương, những cái chết của người thợ làm nên chúng.

Theo NLĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC