Màu tang trắng xóa những con đường, nhấp nhô đoàn người giữa cánh đồng lúa xanh rờm rợp. Xóm làng không còn bình yên. Đau thương tang tóc phủ trắng những đường quê sau ngày tai nạn sập mỏ đá kinh hoàng xảy ra...
"Mẹ ơi"
Con đường liên thôn Đăng Lưu - Sơn Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vốn bình yên đã phủ một màu tang trắng. Những chiếc xe tang, những con người không còn sức để đau liêu xiêu bấu víu vào nhau. Những đứa trẻ mồ côi cứ ngỡ mẹ còn đi chợ về muộn, khóc đòi quà trong xót xa.
|
Người ta ví Yên Thành bờ xôi ruộng mật, vậy mà xã Nam Thành năm trước sáu vành tang do thiên tai chưa nguôi ngoai, những đứa trẻ trong cơn mơ vẫn còn gọi mẹ, giờ đây quặn thắt những vành tang mới. |
Chúng tôi lau nước mắt, bám theo những chiếc xe tang còn mùi hương khói về xóm Phan Đăng Lưu, nơi có 7 chiếc áo quan cùng khâm liệm một ngày. Xóm làng không còn sức sống, buông chùng đau đớn.
Ông Nguyễn Duy Nhụ ngồi vật vờ bên di ảnh của 2 người con dâu, chị Phan Thị Tam và Nguyễn Thị Lộc. Buổi sáng định mệnh 1/4 đã cướp đi của gia đình ông 2 sinh mạng, để lại 6 người cháu mồ côi ôm lấy di ảnh người mẹ xấu số.
Vợ chồng chị Phan Thị Tam, anh Nguyễn Duy Long làm thuê quần quật nuôi 3 đứa con ăn học. Đầu năm, anh Long đi miền Nam, để lại người vợ ở nhà với lời dặn dò chăm sóc đàn con thơ dại. Những tảng đá vô tri Lèn Cờ đã đẩy 3 đứa trẻ nheo nhóc vào cảnh mồ côi.
Con dâu thứ 2 của ông Nhụ, chị Nguyễn Thị Lộc ra đi để lại 3 đứa con cùng người chồng không còn nước mắt, không còn sức để đau.
Nhà ông Phan Công Trị để tang cho 2 người con xấu số. Con gái ông Trị, chị Phan Thị Tam và con dâu Vũ Thị Thủy vĩnh viễn nằm xuống dưới chân núi Lèn Cờ, 5 đứa cháu cháu bám lấy chân ông đòi mẹ.
"Mẹ ơi! Mẹ ơi, sao nỡ để con mồ côi!" - tiếng thét gào của con trẻ dội lại từ phía những góc lèn. Bất cứ ai nghe được, cũng như chính mình chịu nỗi đau này...
Xóm Phan Đăng Lưu có 15 người vào chân Lèn Cờ đập đá thuê kiếm sống. 15 người đàn bà lầm lụi bán sức lao động, bán mồ hôi, và bây giờ là máu. 7 người đàn bà nằm lại dưới chân lèn. Nỗi đau chồng lên nỗi đau dưới chân núi mồ côi tang tóc!
Ông Nguyễn Thọ Phượng và bà Trần Thị Phượng xóm Sơn Thành không còn sức để gượng dậy. Nổi đau đã chà xát con tim của 2 người nông dân bất hạnh. Phía trước nhà ông bà, 2 người con là Nguyễn Thọ Hoàng và Nguyễn Thọ Vũ bị vùi lấp dưới hàng nghìn tấn đất đá.
Nguyễn Thọ Hoàng ra đi, để lại người vợ đang nằm cấp cứu ở trạm xá xã Nam Thành, đứa con gái hơn 1 tuổi khát sữa mẹ, vắng bóng cha khóc ngằn ngặt. Bé cứ ngỡ mẹ đi làm đồng về muộn, đầu con thơ trắng vành tang xé vội.
Nguyễn Thọ Vũ mới từ miền Nam trở về. Những ngày tháng lang thang đất khách vất vả kiếm sống, tình yêu của một sơn nữ đã kéo anh về dưới chân núi lèn Cờ. Vậy mà những hòn đá tưởng chừng như vô tri đã sập xuống, để lại người yêu đã làm lễ ăn hỏi bấu vào những tảng đá tìm trong vô vọng!
Bàn học của con thành bàn thờ bố
Sau khi đưa tang, dòng người dần khuất sau ngọn núi đá, chia nhỏ đi về từng con ngõ nhỏ. Chúng tôi vội tìm đến gia đình nạn nhân Chu Ngọc Mạnh (SN 1978), là lái xe chở đá ở Lèn Cờ, xã Nam Thành.
Giữa trưa, tiết trời oi bức. Trong căn nhà hướng mặt ra cánh đồng, cả sân nhà anh Mạnh kín màu trắng khăn tang. Khói hương bốc lên nghi ngút...
Tang trắng phủ kín đường quê |
Tiếp chúng tôi, anh Chu Ngọc Tuấn là người anh cả của Mạnh tâm sự: “Cả gia đình nhà tôi ai cũng làm làm nông nghiệp, nghề đá chỉ làm phụ những lúc nông nhàn. Thằng Mạnh nó mất đi để lại vợ và 4 đứa con gái ngây thơ. Đứa con đầu mới học lớp 6 và đứa út mới được 2 tuổi. Vợ nó 2 ngày ni cứ ngất lịm đi trên giường, không sao mà gượng dậy được, phải tiêm trợ sức và truyền thuốc liên tục”.
Chị Phan Thị Lan, vợ của anh Mạnh đã không biết bao nhiêu lần ngất lên, nằm xuống. Ngồi ngoài sân, tiếng chị Lan gào thét khi tiễn đưa chồng về nơi chín suối trở về nhà: “Mấy đứa con em sinh ra đứa nào cũng còn nhỏ. Răng anh bỏ mẹ con em đi rứa…? Anh ơi về với mẹ con em đi”.
4 đứa con mồ côi cha |
Anh Tuấn kể, ngòai em trai chết, mẹ anh là bà Phan Thị Hồng (62 tuổi) bị đá đè gãy chân và tay đang cấp cứu tại Bệnh viện 115 TP. Vinh, Nghệ An.
“Thằng Mạnh nó thương con lắm. Lúc nào cũng bảo ban con chịu khó học đi cho đời con đỡ vất vả, chứ như bố làm nghề đào đá là khổ. Đầu năm học nó mới mua cho con chiếc bàn học còn mới cứng với mấy chiếc ghế nhỏ để mấy chị em nó bảo ban nhau học hành. Do vội quá, chiếc bàn học của mấy đứa nhỏ lại dùng để làm bàn thờ cho bố. Tui thương mấy đứa còn nhỏ dại quá, bố nó mất mà 2 đứa út có biết chi đâu anh” - anh Tuấn kể.
Bên chiếc bàn thờ vừa lập vội, 4 đứa trẻ bồng bế nhau đứng nhìn vào di ảnh bố. Các cháu còn quá nhỏ. Ai ai nhìn vào cũng động lòng, rơm rớm nước mắt...
“Bố con đi làm xa chưa về” - đó là câu nói của cháu thứ 3. Rồi 2 chị em nheo mắt chạy lon ton giữa sân, không hề hay biết bố đã qua đời vì tai nạn thảm khốc.
|
Những đứa con nhỏ của anh Mạnh |
Con gái lớn của anh Mạnh là Chu Thị Hường (11 tuổi) khóc và nói: “Con rất buồn. Con rất thương bố, vì bố vất vả mà con chưa đền đáp được công lao thì bố đã mất. Bố rất thương con. Hồi còn ở nhà bố luôn bảo con cố gắng học giỏi để sau này khỏi phải khổ như bố mẹ. Là con gái lớn thì phải thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, chăm lo cho các em. Con mong muốn bố của con được sống trở lại”.
Từ nay, 5 mẹ con chị Lan phải chèo chống mà không có bóng dáng người đàn ông trong gia đình.
Chúng tôi đã đến. Đã đau. Đã khóc khi viết những dòng này.
Người ta ví Yên Thành bờ xôi ruộng mật, vậy mà xã Nam Thành năm trước sáu vành tang do thiên tai chưa nguôi ngoai, những đứa trẻ trong cơn mơ vẫn còn gọi mẹ, giờ đây quặn thắt những vành tang mới.
Theo VNN.