Sáng nay 11/2, lễ hội công chúa Huyền Trân đã mở màn tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế), thu hút hàng vạn du khách và người dân địa phương.
Trước đó, Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an” đã diễn ra tại thiền viện Hương Vân của Trung tâm này với sự góp mặt của hàng trăm sư, tăng, ni cầu nguyện trong đúng 1 ngày ròng. Đây là một nghi lễ quan trọng của dân tộc được tổ chức từ ngàn xưa, có ý nghĩa nguyện cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, mùa màng bội thu, nhân dân an lành, no ấm, hạnh phúc, đất nước hưng thịnh, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Huyền Trân là lễ hội lớn nhất được tổ chức thường niên dịp Tết ở Huế nhằm ghi nhớ công lao của Công chúa Huyền Trân (con gái vua Trần Nhân Tông) trong việc mở cõi đất nước khi đem từ Chămpa về cho Đại Việt 2 châu Ô – Rí (xứ Thuận Hóa và là các tỉnh Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và 1 phần Quảng Nam ngày nay).
Trong khuôn khổ lễ hội Huyền Trân còn diễn ra các hoạt động văn hóa khác như trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống Huế, rước đèn hoa đăng, các món ăn đặc sản Huế, thi vẽ tranh… Lễ hội sẽ kéo dài cho đến hết ngày Rằm nguyên tiêu (15 tháng Giêng).
Ông Ngô Hòa, PCT tỉnh TT-Huế đánh trống khai hội
những màn múa thời kỳ dân tộc Đại Việt
Lễ cầu nguyện “Quốc thái Dân an” trước đó đã diễn ra trong 1 ngày liền
Dòng người nô nức đi lễ (Ảnh: Đại Dương - Doãn Công).
Tại Thanh Hóa, những ngày này dòng người cũng tấp nập đổ về khu di tích Cửa Đạt để dâng hương cầu lộc và thưởng ngoạn cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa thượng ngàn.
Nơi bán lộc luôn thu hút rất đông người
Đây là lễ hội lớn được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ danh nhân Cầm Bá Thước và bà Chúa thượng ngàn. Khu di tích Cửa Đạt là một quần thể di tích tọa lạc trên một dải đất cao nằm bên dòng sông Chu, thuộc xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân. Nơi đây còn nổi tiếng với công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt lớn nhất nước và là nơi có nhiều phong cảnh hữu tình.
Mang lễ vật cầu may
Từ ngày mùng 1 Tết Tân Mão, mỗi ngày đền thờ Cầm Bá Thước và bà Chúa thượng ngàn thu hút hàng ngàn người về dâng hương cầu lộc. Riêng trong ngày 10/2 (tức ngày mùng 8 Tết Tân Mão), hàng ngàn người dân và du khách đã tập trung trước đền để dâng hương và cầu phúc.
Chị Nguyễn Thị Lan, một du khách từ Hà Nội về đi lễ hội đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa thượng ngàn chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên gia đình chúng tôi về Thanh Hóa đi đền dâng lễ, có thể thấy khu di tích Cửa Đạt rất đẹp và có nhiều khách du lịch ở xa về thăm. Chắc rằng những dịp nghỉ sau gia đình chúng tôi cũng chọn đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa thượng ngàn là nơi để du lịch và cầu may”.
Hàng ngàn người hành hương về khu di tích Cửa Đạt
Cầu lộc, cầu tài... (Ảnh: Cao Tuân - Duy Tuyên)
Điều đặc biệt là khách du lịch tới đây không chỉ dâng hương cầu lộc, cầu tài mà còn chọn mua những giống cây, cành lộc mang về trồng cầu may. Theo Ban quản lý khu di tích, mỗi ngày, khu di tích Cửa Đạt thu hút vài nghìn lượt khách du lịch đến dâng hương, làm lễ cầu may mắn, bình an trong năm mới. Hàng năm, lễ hội đền Cầm Bá Thước và Bà Chúa thượng ngàn diễn ra từ đầu Tết nguyên đán cho đến tháng 3 âm lịch.
Theo DT.