Láng - Hoà Lạc trong tương lai sẽ là tuyến giao thông hướng tâm trọng yếu phía Tây Hà Nội với lưu lượng dự tính có thể lên đến 250.000 - 300.000 khách/ngày. Hệ thống tàu điện một ray (Monorail) chỉ đáp ứng 1/5 - 1/10 nhu cầu này…
Monorail không có khả năng vận chuyển chủ lực
Hà Nội đang thực sự lâm vào cuộc khủng hoảng về giao thông đô thị. Bài toán chống “khủng hoảng” ùn tắc hiệu quả duy nhất lúc này là phải sử dụng loại hệ thống vận tải có thể giải toả được nhanh nhất một lượng hành khách lớn, với mức độ giải toả mỗi tuyến lên đến hàng chục vạn người vào giờ cao điểm.
So sánh với yêu cầu đó, tàu điện một ray (Monorail) lại là loại phương tiện có năng lực vận chuyển thấp, thường từ 1.000 - 6.000 hành khách/giờ, chỉ bằng 1/10 - 1/30 lượng vận chuyển của Metro (30.000 - 60.000 khách/giờ), bằng 1/3 - 1/10 năng lực của tàu điện (10.000 - 20.000 khách/giờ), thấp hơn cả ô tô buýt (5.000 - 12.000 khách/giờ)…
Là một trong những hệ thống vận tải đô thị có kết cấu đặc biệt (chạy trên 1 ray, có hệ ròng rọc dẫn hướng), monorail chỉ tạo ra năng lực vận tải nhỏ và trung bình, không thể và không có khả năng đáp ứng vai trò là hệ thống vận chuyển chủ lực cho các thành phố lớn và cực lớn như Hà Nội và TPHCM.
Monorail chỉ được sử dụng hợp lý ở những đô thị quy mô nhỏ và trung bình (20 - 50 vạn dân) và chỉ phù hợp ở những vị trí có không gian thoáng, rộng. Với những thành phố lớn trên dưới 10 triệu dân như Hà Nội chỉ có thể sử dụng sau khi đã thiết lập các hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn như tàu điện ngầm, tàu điện, xe điện bánh hơi, xe buýt…
Ngoài ra, đường sắt một ray, vì chạy trên cao (5 - 10m) nên thường gây ồn, bụi, che khuất tầm nhìn và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị. Mặt khác, do phức tạp về công nghệ, đòi hỏi tính cân bằng và ổn định của loại phương tiện một ray khi chuyển động trên cao nên việc đảm bảo an toàn khi sử dụng Monorail cũng không hề đơn giản.
Trong khi đó, ùn tắc giao thông tại một thành phố làm ra 35% GDP cả nước khó đo đếm thiệt hại. Tính riêng mỗi lượt người di chuyển chỉ chậm 30 phút, thì hàng năm, khu vực đô thị cả nước sẽ mất đi trên 6 tỷ giờ, tương đương 7 vạn lao động sống, giá trị kinh tế mất đi trên 2.000 tỷ đồng.
Riêng tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM, nếu mỗi người đi làm chậm 10 - 30 phút, năng suất lao động xã hội giảm 2,5 - 4%, tương ứng với 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm…
Phương tiện vận chuyển khối lượng lớn - đắt sắt ra miếng
Đường sắt một ray chạy qua vịnh Sedney (Australia).
Sẽ là “lợi bất cập hại” khi quá coi trọng mục tiêu kinh tế và lợi nhuận mà xem nhẹ quan điểm phục vụ trong công tác chống ùn tắc khi lựa chọn giải pháp cho hệ thống giao thông đô thị.
Monorail tuy chi phí đầu tư xây dựng có rẻ hơn các phương tiện vận tải chủ lực như Metro, tàu điện… nhưng lại không đủ năng lực và điều kiện cho mục tiêu giải quyết vấn nạn ùn tắc.
Thứ tự ưu tiên của các loại hình vận tải công cộng chủ lực thành phố để giải bài toán ùn tắc đã thành công thức trên thế giới hiện nay phải là: Tàu điện ngầm, tàu điện (mặt đất, trên cao), ô tô buýt (loại thông thường, khớp nối, loại hai tầng), xe điện bánh hơi và tàu ngoại thành.
Nhiều thành phố trên thế giới (Matxcơva, Tokyo, Wasington, Paris, New York, Praha, Kopenhagen, Stockhom…) đã xóa được nạn ùn tắc nhờ dành những nguồn tài chính lớn, mạnh dạn đầu tư xây dựng các hệ thống phương tiện đắt tiền nhưng có năng lực vận tải cao như Metro, tàu điện… cho các trục giao thông chính, đồng thời nâng cấp, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng đô thị.
Monorail ít được xây dựng trên các trục giao thông chính ở các thành phố trên thế giới, ngoại trừ việc sử dụng như loại phương tiện bổ sung phục vụ du lịch hoặc góp phần tạo cảnh quan hấp dẫn cho thành phố. Sydney monorail (Australia) đã xây dựng hệ thống như vậy với đoạn chạy qua vịnh Sydney lộng lẫy.
Đề xuất xây dựng Monorail trên trục đường Láng - Hoà Lạc, theo đó không hợp lý, vì trong tương lai, đây sẽ là tuyến giao thông hướng tâm trọng yếu phía Tây Hà Nội với lưu lượng dự tính có thể lên đến 250.000 - 300.000 khách/ngày. Hệ thống Monorail chỉ đáp ứng 1/5 - 1/10 nhu cầu này.
Hệ thống vận tải đô thị có khả năng khai thác hiệu quả nhất cho tuyến Láng - Hoà Lạc hiện nay là Tàu điện (Tram way) công suất cao nhất tới 15.000 - 20.000 khách/giờ, tương đương 200.000 - 300.000 khách/ngày với vận tốc kỹ thuật 70 - 80 km/h.Tổng chi phí xây dựng khoảng 12 - 15 triệu USD/km.
Theo Dân Trí.