"Với ưu điểm gọn, nhẹ, nhanh và an toàn tàu một ray là giải pháp tốt nhất và khả thi nhất cho giao thông đô thị Hà Nội", ông Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN nhận xét.
Tại hội thảo tàu điện một ray, giải pháp cho giao thông đô thị tại Hà Nội sáng 21/7, phần lớn ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước đều đồng tình với ưu điểm của tàu điện một ray đối với giao thông đô thị.
Dưới góc nhìn của nhà quy hoạch, kiến trúc, ông Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư VN, nhận xét tàu một ray có nhiều ưu điểm như cấu trúc gọn, di chuyển êm, không gây ồn, khả năng vận chuyển hành khách lớn. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho loại này thấp hơn tàu điện khác, có thể xây dựng ngay trên dải phân cách.
"Tàu đi trên cao, có thể uốn lượn theo từng khu vực nên không ảnh hưởng tới cảnh quan chung. Đối với giao thông Hà Nội, tàu một ray là giải pháp tốt nhất và khả thi nhất, cần được ứng dụng vào thực tế giao thông đô thị Hà Nội”, ông Đức nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, trong khi tàu điện ngầm rất tốn kém (30-40 triệu USD mỗi km), thời gian triển khai lâu, kỹ thuật cao thì tàu điện một ray có chi phí đầu tư thấp (khoảng 8 triệu USD), triển khai nhanh. “Tàu điện một ray rất thích hợp với các đô thị lớn bởi khả năng giải quyết nạn kẹt xe và hạn chế ô nhiễm môi trường”, ông Chiến nhận xét.
Ông Tee Chun Yeh, chuyên gia của Tập đoàn Scomi (Malaysia) cho biết, tàu một ray đã xuất hiện ở Malaysia từ năm 2003. Tàu chiếm diện tích đất chiều ngang khoảng 4,5 m, trong khi tàu điện hai ray chiếm từ 8 đến 10 m. Tàu một ray cũng thân thiện với môi trường, khi xây dựng không làm ảnh hưởng tới giao thông trên tuyến. Tàu có thể nối dài đến 8 toa khi cần tăng công suất chuyên chở.
Tại hội thảo, đại diện Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng VN (Vinaconex) đã giới thiệu một số mô hình tàu một ray hoạt động hiệu quả trên thế giới và khả năng ứng dụng vào Việt Nam. Tàu chạy bằng nguồn điện một chiều hoặc động cơ Hybrid nên không gây ô nhiễm môi trường. Tàu sử dụng bánh lốp chạy trên dầm bê tông nên không gây tiếng ồn. Tốc độ trung bình đạt 60-90 km mỗi giờ, một toa lớn có thể vận chuyển gần 200 người, thời gian giãn cách mỗi đoàn tàu tối thiểu 90 giây nên năng lực vận chuyển có thể đạt 40.000 lượt người một giờ.
Ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Vinaconex, cho rằng nhiều tuyến đường tại Hà Nội thích hợp xây dựng tàu điện một ray. Trong đó đại lộ Thăng Long có dải phân cách giữa và đất lưu không lớn, chi phí giải phóng mặt bằng không cao. Theo ông Phong, suất đầu tư tại dự án này có thể giảm hơn nữa bởi đã có đất sạch, sử dụng công nghệ làm đường và nhân công tại Việt Nam, các toa tàu sẽ được đóng trong nước…
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nhìn nhận hạn chế của tàu điện một ray. Ông Khuất Việt Hùng, Viện phó Quy hoạch và quản lý giao thông, cho rằng tàu một ray có công suất vận chuyển thấp hơn loại hình hai ray. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ để có thể ứng dụng trong tương lai khi dân số đô thị tăng nhanh.
Còn theo PGS. TS Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật VN, tàu điện một ray là "cũ người, nhưng mới ta”. Để đưa vào triển khai tại Việt Nam, cần phải nghiên cứu sâu hơn về giải pháp công nghệ, xây dựng, cũng như đặt tàu điện một ray vào tổng thể quy hoạch giao thông thì mới phát huy được hiệu quả.
Theo VNE.