Tây Nguyên "vật vã" trong cơn đại hạnChưa năm nào lượng nước ở các sông hồ Tây Nguyên lại sụt giảm cạn kiệt như mùa khô 2011 này. Đã có hàng chục công trình thủy điện phải đóng cửa vì thiếu nước. Đến 3/3, Gia Lai có hơn 15.000 ha cây trồng bị hạn, lớn nhất so với cùng kỳ mọi năm…

Ông Ngô Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Ia Boòng (Chư Prông, Gia Lai) mấy tuần nay đứng ngồi không yên khi liên tục nhận được tin hạn hán  trầm trọng từ các làng Klũh, Klãh, Nhat, Sơr… Hơn 48 ha lúa nước của bà con chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đã bị mất trắng do nắng hạn. Người dân các làng đồng bào nơi đây dựa vào cây lúa là chính, nắng hạn thế này thời gian tới khả năng thiếu đói rất dễ xảy ra.

Tại tỉnh Kon Tum, đến đầu tháng 3/2011, có 1.400 ha lúa, rau màu bị khô hạn, trong đó mất trắng là 310 ha. Có khoảng 2.468 ha đang thiếu nước nghiêm trọng. Thành phố Kon Tum có đến 400 ha bị hạn. Ngay một số diện tích quanh các công trình thủy lợi như 100ha khu vực thủy lợi Cà Tiên, đập Tân Điền, xã Đoàn Kết cũng bị hạn.

Lượng nước các sông suối thấp hơn mực nước các năm từ 0,4 - 1m đã khiến nhiều công trình thủy điện thiếu nước trầm trọng. Các công trình thủy điện trên sông Sê San như Ialy, Sê San 3, Sê San 4 mực nước chỉ đạt 40 - 50% so với mọi năm. Tỉnh Gia Lai đã có 7 công trình thủy điện vừa và nhỏ dừng hoạt động vì thiếu nước.

Tây Nguyên
Người dân tranh thủ đào hố gần sông để lấy nước sạch về sinh hoạt 

 

Trước tình hình hạn hán nghiêm trọng ở 8 huyện, thành phố phía Tây Gia Lai, lãnh đạo tỉnh đã cử 3 đoàn công tác về các địa phương kiểm tra. Sau khi xem xét, cac cơ quan liên ngành đã thống nhất kiến nghị UBND tỉnh đề ra giải pháp chống hạn như: Thành lập ngay các tổ điều tiết nước, hạn chế và sử dụng tối ưu nguồn nước có thể phục vụ cho nông nghiệp, sinh hoạt; Chủ động tìm nguồn nước thay thế, ưu tiên cho cây công nghiệp và cây lúa trổ đòng; Sửa chữa kịp thời các công trình thủy nông hư hỏng, hỗ trợ xăng dầu cho dân bơm tưới.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát để có chính sách hỗ trợ gạo cứu đói, giống cây trồng và phân bón cho dân. Một số vùng, diện tích nếu có thể cần chuyển đổi ngay sang cây trồng khác nhằm tạo thu nhập cho người dân.

Theo VTCNews.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC