Tê tái những phụ nữ bán hoa ngày 20/10Dưới ánh đèn cao áp mờ đỏ của đường Âu Cơ (Hà Nội), chợ hoa đêm Quảng An tấp nập người vào ra. 1h sáng, những người phụ nữ ở khu dân cư xung quanh chợ đều đã chìm vào giấc ngủ để mong chờ một ngày 20/10 đầy ý nghĩa thì đây đó trong chợ hoa này vẫn còn những người phụ nữ bán hoa khuất mình sau những gánh hoa, xe hoa trĩu nặng.

Họ là những người phụ nữ cả đời gắn bó với "nghiệp hoa" nhưng cơ may được tặng một bó hoa ngày 20/10 thì dường như chỉ là một ước mơ xa xỉ.

Lặng lẽ nghiệp buôn hoa

Chợ đêm Quảng An là chợ hoa vào loại lớn nhất miền Bắc. Hoa từ Mê Linh, Tây Tựu, Đà Lạt… tụ về đây để phân phối ra khắp các chợ của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

Vào dịp 20/10 nên chợ hoa cũng đông vui tấp nập hơn. Giá hoa trong dịp này cao hơn nên những người trồng hoa cũng hi vọng kiếm thêm chút lãi, khách lấy buôn cũng cố gắng đến thật sớm vì sợ hết hàng. Chợ nơi đây đa phần là phụ nữ. Cái thói quen dậy sớm về khuya đã tôi luyện cho họ ấy “bản lĩnh thép”.

Tê tái những phụ nữ bán hoa ngày 20/10_0

“Tôi gắn bó với chợ hoa này 12 năm rồi. Nhà tôi cách đây xa lắm. Nhưng dù nắng dù mưa hôm nào tôi cũng có mặt tại đây để lấy buôn rồi về bán lẻ.” – chị Huyền (chợ Đường Cái, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) chia sẻ.

 

Chị Huyền, thường bán hoa ở chợ Đường Cái (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết: “Tôi gắn bó với chợ hoa này 12 năm rồi. Nhà tôi cách đây xa lắm. Nhưng dù nắng dù mưa hôm nào tôi cũng có mặt tại đây để lấy buôn rồi về bán lẻ kiếm lời”.

Khoảng cách từ nhà chị đến chợ cũng hơn 20 cây số, vậy mà hôm nào chị cũng có mặt lúc 12h đêm và trở về nhà lúc 6h sáng để kịp có hoa ra chợ bán. Chị nhờ vào những chuyến xe hoa nặng trĩu này nuôi cô con gái học năm cuối Cao đẳng.

Đang buộc hoa vào xe, chị khựng lại, máu rỉ ra từ mu bàn tay. Chị quệt nhẹ vệt máu rồi chìa bàn tay chằng chịt những vết sẹo ra trước mặt: “Xây xát thế này cũng bình thường thôi em ạ, còn có cả những vết cứa chưa lành đây này. Còn đây là chỗ bị sưng do bong gân đấy. Cả tháng nay rồi mà đã khỏi đâu. Cứ bó hoa, chằng hoa, tay thì lật đi lật lại nên cũng chẳng biết bao giờ mới hết sưng nữa”. Vừa nói chị vừa xoay bàn tay rồi chỉ cho chúng tôi xem những chỗ sưng, những vết xước chưa kịp lành miệng.

Nhìn kỹ mới thấy chiếc xe máy mà chị đang đi cũng đã cũ lắm rồi, phía bên trên thì chất đầy những hoa là hoa. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò về chiếc xe, chị tâm sự: “Lúc đầu đi chở hàng thế này cũng phải học cả đấy. Chứ như các cô là đổ kềnh ra ngay. Mình là phụ nữ lại đi đêm nên phải cứng tay lái mới chở được".

"Hôm rồi, bạn tôi trên đường về do trời tối nên đâm phải con chó chạy ngang qua đường, người thì xây xát, xe cũng hỏng, còn hoa thì…” - chị bỏ lửng câu nói, kèm theo đó là cái thở dài thườn thượt.

 

Công việc buôn bán ở chợ đa phần là do các chị lo liệu, chồng của họ nhiều khi chỉ đợi xếp xe xong là chở hàng về. Nhiều khi các chị đang tất bật thương thảo với hi vọng mua được những mẻ hoa tốt mới cắt ở vườn thì các anh vẫn vô tư hì hụp những bát phở bốc hơi nghi ngút. Số khác dừng chân ở những tiệm trà đá ngồi nhâm nhi và tán chuyện trong khi đợi vợ.

“Tôi đang đợi vợ mang hoa tới rồi cùng về” – anh H. (Mai Động, Hà Nội) đang đứng trú mưa ở một lán nhỏ nói. Trong khi đó, chị N. (vợ anh) vẫn đang đội mưa ôm những bó hoa to tướng. Khi được hỏi: “Anh không ra giúp chị ấy bê hoa à?”, anh H. chỉ cười trừ rồi khéo lảng sang chuyện khác.

Không chỉ anh H., mà nhiều ông chồng khác cùng vợ đi buôn dường như đều mặc định rõ công việc này là của vợ.

Chị N. ngao ngán: “Kệ thôi em ạ. Anh ấy giúp mình thế này là tốt rồi, ít ra còn có người chở hoa cho. Nhiều người ở đây đàn bà mà toàn phải tự làm hết đấy”.

Những bông hồng trong tâm tưởng

Nếu như ngày 20/10, biết bao phụ nữ được quây quần cùng gia đình trong một bữa cơm ấm áp, được nhận những bó hoa tươi tắn, những món quà ý nghĩa thì với những người phụ nữ bán hoa ở đây, việc đón chào 20/10 chỉ đơn giản là phải đi sớm hơn để có chỗ gửi xe, vì chợ đông. Họ bao giờ cũng đón 20/10 sớm hơn... 3, 4 hôm.

Chị Văn (người trồng hoa ở Mê Linh, Hà Nội) tâm sự: “Mình bán hoa nên những ngày như thế này chắc chắn phải biết rồi, biết để còn tính toán chứ. Những ngày này bận lắm, đi sớm về khuya, thời gian ngủ thậm chí còn chẳng có. Em thử tính mà xem, trồng lúa một năm hai vụ còn trồng hoa thì làm cả năm. Giá bán những ngày thường thì chẳng đáng gì nên phải trông vào mấy ngày lễ lớn may ra bán giá cao hơn”.

Với chị Văn, 20/10 cũng chẳng khác gì Noel, Nguyên Đán. Nó cũng là một dịp để chị tăng thêm thu nhập, thêm bịch sữa, thêm bát cháo cho thằng cu ở nhà: “Nào có mong chờ được nhận hoa hoét gì trong dịp này đâu em. Làm hoa cả năm rồi, giờ nhìn hoa cũng ngán. Còn quà thì từ ngày lấy chồng đến giờ chị cũng chưa biết nó thế nào. 20/10 chỉ dành cho phụ nữ công sở, người làm Nhà nước thôi. Dân lao động như chị có ham hố gì đâu”.

Tê tái những phụ nữ bán hoa ngày 20/10_1

 

"Công việc buôn bán ở chợ đa phần là do các chị lo liệu, chồng của họ nhiều khi chỉ đợi xếp xe xong là chở hàng về"

Còn chị Hiên (50 tuổi, Tây Tựu, Hà Nội) chịu biết bao vất vả để chăm sóc những bó hoa tươi tắn cho ngày Phụ nữ Việt Nam, nhưng với chị, được chồng con tặng một bó hoa hoặc một món quà nhỏ trong ngày này là điều... không tưởng.

“Sống với nhau hơn hai chục năm, con gái lớn giờ cũng lập gia đình rồi nhưng tôi có bao giờ được tặng hoa đâu. Ngày cưới chỉ độc bộ áo dài, hoa còn chẳng có mà cầm. Mấy chục năm rồi cũng vẫn vậy, hoa còn vậy, nói gì đến quà cáp. Nhiều khi thấy những ông chồng mua hoa về tặng vợ, nghĩ cũng thấy thèm. Biết rằng nhà trồng hoa, nhưng giá như được tặng thì hoa ấy lại có ý nghĩa khác” – chị Hiên tâm sự.

Nói xong, chị sửa lại những bó hồng tỷ muội trên xe, ngượng ngùng giấu đôi bàn tay đen đúa, nứt nẻ và thô ráp, nơi kẽ móng tay là những vệt đen của đất, của phân bón hoa mà chị chưa kịp rửa.

4h sáng, trời bỗng chuyển mưa to, chị Huyền tất tả bê nốt mấy bó hoa ly chạy vội vào lán xe: “20/10 là tôi ghét lắm, hoa mua vào thì đắt mà lúc nào cũng nơm nớp lo hết hàng. Ngày này nếu đắt hàng thì cũng nhiều lãi, nhưng bận rộn lắm. Còn nếu bán ế có khi lỗ gấp vài lần những ngày thường. Tôi chỉ mong cái ngày này sớm qua thôi, chứ chẳng bao giờ mong đợi”.

Chằng xong xe, người chị khuất lấp bởi chồng hoa cao ngất ngưởng. Có lẽ chị không mong 20/10 còn bởi một lẽ khác mà ngại ngùng chưa dám nói ra: chị với chồng giờ đã không còn sống cùng nữa vì đã ly dị. Trước đây dù gì 20/10 cũng có một bữa cơm đầy đủ, giờ cả gia đình 4 người thì vắng 2!

5h sáng, chợ tàn. Mưa rải đều những giọt long lanh trên những gánh hoa về muộn. Người bán hoa hồ hởi ra về trên những chiếc xe sạch nhẵn, người lấy buôn nặng nề với núi hoa sau lưng cao ngập đầu người.

Những khóe mắt khẽ cười, nhưng chắc chắn đó không phải niềm vui vì ngày 20/10 họ sẽ được tặng hoa, tặng quà, mà đó là niềm mong mỏi một ngày mới buôn may, bán đắt.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC