"Thầy Giàu mất, tôi mất đi một chỗ dựa""Dù biết thầy ốm nặng từ nhiều tháng trước nhưng khi nghe tin thầy mất tôi rất xót xa. Thầy là cây đại thụ của khoa học xã hội, là người chiến sĩ cách mạng rất liêm khiết, đức độ”, PGS.TS Phan Xuân Biên nghẹn giọng khi nhắc đến cố Giáo sư Trần Văn Giàu.

Dù đang đi công tác xa, PGS.TS Phan Xuân Biên đã nhận được hung tin ngay từ chiều qua khiến ông không cầm được nước mắt.

“Giáo sư Giàu là thầy của thầy tôi. Là người may mắn được gần gũi Giáo sư, cảm nhận đầu tiên của tôi đó là con người lao động. Lao động nghiêm túc bằng cả tấm lòng, trí tuệ và lương tâm, trách nhiệm. Thầy mất, tôi như mất đi một chỗ dựa, một ngọn cờ…”, ông Biên nói.

GS Giàu đã được coi là biểu tượng của lớp trẻ sinh viên Sài Gòn thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhiều lần vào tù ra khám, 12 năm bị tù đày trong các nhà lao khủng khiếp như Côn Đảo, Tà Lài... nhưng lòng yêu nước vẫn rực lửa ở người thanh niên trẻ. Ông đã chỉ đạo khởi nghĩa thành công Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam với tư cách là Bí thư xứ Ủy Nam Kỳ. Nhưng rồi ông được tổ chức yêu cầu chuyển hướng sang hoạt động chuyên môn, giảng dạy và đã có một sự nghiệp đồ sộ, vẻ vang trong giáo dục, nghiên cứu.

Trong bài viết nhân dịp sinh nhật thứ 100 của Giáo sư Trần Văn Giàu, ông Biên nêu, sở dĩ thầy Giàu có được một công trình khoa học đồ sộ và có giá trị như vậy (trong điều kiện đất nước chiến tranh và 10 năm khó khăn sau giải phóng) phần lớn là do sự lao động cần mẫn, nghiêm túc, đầy trách nhiệm của một nhà chính trị chuyên nghiệp, một trí thức uyên thâm, một người con thủy chung của “Miền Nam thành đồng”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam kể rằng, có lần ông được cử đến gặp Giáo sư Giàu tại căn hộ trên đường Phan Huy Ích (Hà Nội). Gõ cửa nhiều lần, một lúc sau mới thấy cửa từ từ mở ra một khoảng chỉ vừa một người qua rồi đóng lại ngay. Trong căn phòng giấy má tứ tung, phần lớn là những đống giấy bằng bàn tay được vun lại thành từng sấp, từng đống nhỏ rải rác khắp phòng. Giáo sư Giàu lúc này đang cởi trần, mặc quần đùi. Trời nóng nhưng không mở quạt vì sợ gió làm đảo lộn các miếng giấy nhỏ. Đó chính là các tờ “fiche” do giáo sư ghi chép, cắt dán, đang được phân loại. Thời chưa có máy vi tính, đó là cách làm tư liệu nghiêm túc và hiệu quả nhất.

PGS.TS Phan Xuân Biên cũng được nghe thầy Giàu kể lại quá trình làm công trình “Giai cấp công nhân Việt Nam”. Đó là nhiều tiếng đồng hồ nóng bức ông ngồi trong núi tư liệu còn lộn xộn của Thư viện Hà Nội. Khi tìm được một cuộc bãi công hồi năm 1900, hay một lá đơn tập thể phản kháng của công nhân mỏ hồi 1897, ông bảo lòng ông khoan khoái, dễ chịu vô cùng. Tưởng chừng như mình vừa phát hiện được một lục địa nào mới trên trái đất... Mãi đến khi bước qua tuổi 100 GS mới thật sự ngưng bút, nhưng chắc chắn trong lòng ông vẫn còn nhiều trăn trở, chưa thể nghỉ ngơi.

Còn theo GS Hoàng Như Mai - người có 50 năm gắn bó với GS Trần Văn Giàu, sinh thời thầy Giàu là nhân vật đặc biệt, là nhân vật của giai thoại, lịch sử. Huyền thoại đó được tạo nên bởi nhiều người yêu mến truyền cho nhau nghe và dần dần cuộc đời thầy trở thành một giai thoại.

“Ông là người say mê hoạt động và cống hiến, dường như cả cuộc đời của ông đều vì nước vì dân. Do không có con nên tất cả ông đều dành cho học thuật và thương yêu học trò của mình”, Giáo Sư Mai nói.

Nhớ lại những kỷ niệm về người thủ trưởng của mình, GS Mai kể, ông quen thầy Giàu khi từ Trung Quốc trở về giảng dạy tại ĐH Tổng hợp (Là đại học đầu tiên của chế độ mới) những năm 1956 - 1957. Lúc đó GS Giàu làm chủ nhiệm khoa xã hội. Làm việc dưới sự chỉ huy của thầy, ông mới phát hiện ra một con người từ xưa đến nay người ta rất yêu mến và nghĩ là phóng khoáng lắm, nhưng không phải như vậy. Ngược lại, thầy Giàu rất kỷ luật, bắt giảng viên trong khoa phải làm việc đúng 8 tiếng mới được nghỉ như sinh viên.

Một điều nữa về GS Giàu mà ông không ngờ là thầy viết đẹp đến thế. Thầy viết nắn nót như một công chức thời Pháp thuộc. Dù viết một tập bản thảo lịch sử dày hay mấy câu nhắn nhủ đều viết rất cẩn thận, chỉn chu. Trái lại, GS Mai có tật viết không bao giờ đánh dấu nên nhiều lần bị thầy mắng. Hơn thế, điều làm ông rất ngạc nhiên ở một con người cách mạng vĩ đại đó lại là một người rất tình cảm, gần gũi. Anh hùng thì anh hùng, nhưng vẫn rất tình cảm.

20101217 05 02 11 0
Dù GS Giàu đã mất nhưng vẫn còn nhiều thư từ mới gửi đến ông.

GS Hoàng Như Mai kể, trong một lần ông vào Sài Gòn thỉnh giảng, còn thầy Giàu thì xin nghỉ phép vào Nam thăm quê. Có điều, thầy Giàu dặn ông không được nói với ai vì sợ người khác “đến thăm”. Lần đó, ông gặp một người ở Sài Gòn nói muốn được nhìn thấy thầy Giàu (lúc đó gọi là chú Sáu) vì bao nhiêu năm không gặp. Theo lời dặn, ông đã nói với người đó là thầy Giàu không muốn gặp ai nhưng người này bảo chỉ cần chào thầy một câu rồi sẽ đi luôn. Hôm đó, ông mời thầy Giàu đến nhà ăn cơm và người đó có tới. Khi thầy Giàu vào sân thì người này bước ra chào rồi đi luôn.

“Sau đó tôi nói lại với thầy có một người muốn gặp. Người ngày trước từng ở tù với thầy nhưng vì thầy không muốn gặp ai nên chỉ nhìn thầy rồi đi. Lúc đó tôi thấy mắt thầy dưng dưng nước”, GS Mai kể.

Hay một lần khác vào Sài Gòn thỉnh giảng, GS Mai không có tiền về quê ăn tết nên phải ở lại một mình trong khi bạn bè anh em đều đã về quê hết. Không ngờ, đúng mùng 1 tết thì thầy Giàu đến nhà gọi ông lại nhà thầy ăn tết. “Năm ngoái khi tôi còn ở Hà Nội có một mình anh đến ăn tết với tôi. Giờ anh có một mình ở trong này thì đến nhà tôi”, thầy Giàu ngỏ lời.

“Tôi cảm động quá. Những người cách mạng chú ý đến tình nghĩa không nhất thiết phải là cái gì lớn lao nhưng thiêng liêng lắm. Thầy Giàu là một người rất tình cảm nhưng không phải lúc nào cũng bộc lộ gia bên ngoài”, GS Mai bồi hồi.

Còn Tiến sĩ Phan Văn Hoàng (trường Đại học Sư phạm TP HCM, học trò của Giáo sư Giàu), thổ lộ với VnExpress.net: “Thầy ra đi ở tuổi 100. Vẫn biết đó là tuổi trường thọ, nhưng tôi vẫn cảm thấy sự ra đi của thầy là một mất mát không gì bù đắp được đối với dân tộc, đối với giới khoa học trong nước… Riêng tôi, đây là một nỗi buồn to lớn vì tôi mất đi một chỗ dựa tinh thần quý báu”.

Nói về người thầy của mình, Tiến sĩ Hoàng cho biết, ông biết đến tên tuổi GS Trần Văn Giàu lúc còn là một sinh viên đọc cuốn “Histoire du Viêt - Nam de 1940 à 1952” (Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952) của nhà sử học Pháp Philippe Devillers. Nhưng lúc đó đất nước còn tạm thời chia cắt nên ông chỉ được gặp thầy sau ngày thống nhất.

Đối với ông, thầy Giàu không chỉ là nhà sử học uyên bác mà còn là một trong những người làm nên lịch sử. Những cống hiến của GS Giàu cho Tổ quốc nói chung và cho Nam Bộ nói riêng là vô cùng to lớn. Thầy Giàu chỉ ra cho ông những điều chưa được sách vở ghi chép. “Cứ mỗi lần được trò chuyện với thầy, tôi đều học hỏi được nhiều điều. Được trở thành một học trò của thầy, là một vinh dự to lớn đối với tôi”, Tiến sĩ Hoàng chia sẻ.

Ông Hoàng cũng cho biết, in đậm trong tâm trí các học trò là hình ảnh người thầy ngồi viết nắn nót từng chữ, rất đều đặn. Có lần ông Hoàng gợi ý nhờ một thư ký ghi lại những suy nghĩ của GS Giàu, song GS nói: “Có tự tay viết ra thì ý nghĩ mới chịu xuất hiện trong đầu.”

“Tôi thương nhất là nụ cười của thầy. Nụ cười chân thật, hiền hòa của một đạt nhân…”, Tiến sĩ Hoàng ngậm ngùi.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC