Thế giới ngầm chợ đêmThức thâu đêm vắt kiệt sức để nhận được chút tiền công ít ỏi nhưng những người kéo hàng ở chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức - TPHCM còn phải chịu sự đè nén của giới đầu gấu bảo kê.

20 giờ, chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức - TPHCM bắt đầu tấp nập. Hàng trăm chuyến xe chở đầy hoa quả, trái cây nhộn nhịp ra vào. Đông đảo người hành nghề chuyển hàng thuê cho các chủ vựa, chủ hàng cũng chuẩn bị vào cuộc mưu sinh.

Phải biết ăn chia

Để lại CMND, thuê chiếc xe kéo với giá 7.000 đồng/đêm, tôi thận trọng rảo một vòng quanh khu chợ đầu mối. Nhiều “đồng nghiệp” nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên, ái ngại.

Phần đông những người này đều vào nghề kéo hàng ở chợ đêm đã khá lâu, khoảng 2 năm, sớm nhất cũng 5 tháng. “Tụi tôi vẫn bị xem là lính mới, chỉ dám ngồi một chỗ chờ chủ hàng, chủ vựa tới thuê, đâu có liều mạng đi loanh quanh như ông” -  một thanh niên còn khá trẻ ngồi bên chiếc xe kéo ngoắc tôi lại, hạ giọng nói. Thấy tôi vẫn quyết kéo xe đi, nhiều người liền lên tiếng can ngăn, dặn dò.

Vừa kéo xe đến khu chợ A thử tìm mối chuyển hàng, tôi bắt gặp hàng chục ánh mắt của đồng nghiệp nhìn mình dò xét. Một gã đứng dậy, hất hàm: “Ê, lính mới hả?”. Tôi thanh minh: “Em là người nhà của anh Quyển, chủ vựa trái cây, chờ đưa hàng ra”. Một gã khác nói bâng quơ: “Ở đây không có hàng cho lính mới tụi mày đâu” rồi độp thẳng: “Mày làm cho ai, đã ăn chia với ai chưa?”.

Sang khu B của chợ đêm, tôi cũng gặp một nhóm đang dựng xe chờ hàng. Biết tôi mới chân ướt chân ráo vào nghề, một gã có khuôn mặt bặm trợn đến dằn mặt: “Muốn làm ở đây thì phải chịu ăn chia đấy nhé! Hàng đã có bọn này lo, mày chỉ có nhiệm vụ bốc hàng lên xe rồi cùng anh em kéo ra giao cho chủ. Tiền công tụi này thu, cuối buổi chia 50-50”. Tôi dọ hỏi: “Vậy mỗi đêm kiếm được bao nhiêu?”. Gã trợn mắt: “Làm giỏi thì 50.000 – 60.000 đồng. Chưa gì đã tính!”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết gã đàn ông này tên Q., hiện nắm trong tay khoảng 20 người kéo xe. Một đệ tử của Q. khuyên tôi: “Ông làm cho anh Q. đi. Lính mới như ông mà không có người bảo kê thì có đi rã chân cũng chẳng ai thuê kéo hàng đâu. Trước hay sau khu chợ này đều vậy cả”.

Thấy tôi có vẻ do dự, anh ta chỉ vẽ: “Nếu không muốn làm chỗ anh Q. thì tui giới thiệu ông qua một người khác, chuyên nhận vận chuyển rau quả ở phía sau chợ. Tui chỉ lấy 30.000 đồng uống cà phê thôi, còn qua đó ăn chia ra sao thì ông tự thương lượng với người ta nhé. Ở đây, làm cho ai cũng vậy thôi. Có người đứng ra lo, ông kéo hàng gặp chuyện gì thì đã có đàn anh bảo kê. Nếu ông làm tự do thì sẽ bị kiếm chuyện hoài, thậm chí bị đánh dằn mặt”.

Không chịu nhận làm chỗ Q., tôi tiếp tục kéo xe đi. Mãi đến gần sáng, tôi cũng chẳng được ai gọi kéo hàng. Một người đàn ông đứng tuổi thấy tôi cứ kéo xe qua lại liền gọi tới hỏi chuyện. Ông chân tình: “Muốn có việc làm ngay thì phải chấp nhận ăn chia cho đám đàn anh thôi. Còn không, cậu ráng chờ tới gần sáng, khi họ về nghỉ rồi hãy làm. Nếu không có ai bảo kê thì cậu phải ráng cẩn thận. Ví như trên đường kéo xe, chỉ cần cậu nhìn gã nào đó là đã bị xếp vào tội “nhìn đểu”, bị ăn đòn như chơi!”.

Người đàn ông tốt bụng này cho biết trước đây, khi mới lơ ngơ vào nghề, do không biết “luật”, khi đang kéo một chuyến hàng hoa quả nặng hàng trăm ký, ông đã bị một “đại ca” dằn mặt bằng cách cho đàn em kéo xe chen lấn, cố tình xô đẩy cho xe ông ngã. Hoa quả bị dập nát, ông bị chủ hàng đền gần 500.000 đồng. “Tôi phải cong lưng kéo xe không công cả tháng trời mới đủ trả nợ. Từ đó, tôi không dám làm riêng mà phải nhờ một “đàn anh” bảo kê”.

Ba loại “lính”

Thoạt tiên, khi mới thâm nhập nghề kéo xe ở chợ Nông sản Thủ Đức, tôi cứ nghĩ đơn giản chỉ cần tốn tiền thuê xe và bỏ sức kéo hàng là có thể hành nghề. Vậy nhưng, mọi chuyện không đơn giản. Điền, người mới vào nghề khoảng 6 tháng, ngạc nhiên: “Ông cứ tưởng gồng mình kéo chuyến xe hàng trăm ký hàng là lấy được tiền à?! Trước tiên, ông phải biết “luật địa bàn” đã rồi hãy tính”.

Dưới ánh đèn vàng vọt trong đêm khuya, dọc hai bên đường vào chợ Nông sản Thủ Đức, hàng trăm người kéo xe đang ngồi chờ hàng. “Tụi này là lính tự do mới vào nghề nên phải chờ đến gần sáng mới được đi kiếm mối vòng quanh chợ” - Điền tâm sự.

Điền cho biết ở khu chợ đêm này, giờ giấc được phân chia cụ thể bằng luật lệ bất thành văn: Từ 20 giờ đến 24 giờ là thời gian hàng từ các địa phương vào chợ và chỉ có người do Công ty TNHH Quản lý – Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức quản lý mới được phép nhận chuyển. Từ 22 giờ đến 3 giờ, lúc hàng từ vựa chuyển ra mối đi các tỉnh – thành, lính tự do lâu năm đã thiết lập địa bàn hoặc có đàn anh bảo kê giành quyền đảm nhận. Sau 3 giờ là thời gian hoạt động của dân đẩy xe không ai bảo kê và người mới vào nghề như tôi.

“Từ 22 giờ đến 3 giờ, tiền công kéo xe được chủ hàng, chủ vựa trả hào phóng hơn. Nhiều chủ hàng ở tỉnh thấy anh em cực nhọc cũng cho thêm nên làm giấc này dễ kiếm tiền hơn. Sau 3 giờ, hàng chủ yếu ở các vựa ven chợ chuyển ra cho những mối bán lẻ ở một số chợ nhỏ tại TPHCM nên tiền công cũng ít, giỏi lắm chỉ kiếm được 30.000 đồng/đêm/người.

Dân kéo xe tự do ở đây cũng có thể làm “lậu”, kéo những món hàng nhỏ với tiền công chỉ 2.000 đồng - 3.000 đồng/chuyến. Dù vậy, phải cẩn thận, chỉ nên nhận chuyển hàng cho các vựa xa; hàng giữa chợ đã có người bảo kê, phải tuyệt đối tránh” - Bùi Hữu Nam, sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM, người có thâm niên hơn 2 năm đẩy xe, dặn dò.

Thấy tôi vẫn chưa thông, Nam giải thích: “Lính mới như ông chỉ được phép kéo những chuyến hàng lặt vặt với giá cao nhất 5.000 đồng/chuyến, nếu nhận hàng ngon ăn thì coi chừng bị no đòn đấy. Vào đây thì phải sống bằng luật rừng, đúng hay sai cũng đừng cãi lại, nếu không chỉ tổ thiệt thân”!

Tìm hiểu thêm, tôi được biết những tay đầu gấu bảo kê cho dân kéo xe để “hút máu” họ bằng cách ăn chia chút tiền công ít ỏi chỉ là một phần trong thế giới ngầm ở chợ Nông sản Thủ Đức.

Theo NLĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC