Giả mù và cầm xấp vé số trên tay nhưng chỉ rời con hẻm trọ là cất ngay xấp vé số và chìa nón xin ăn.

Phía sau những người tàn tật ăn xin là những tay chăn dắt, chuyên “liếm mồ hôi” trên lưng người khuyết tật thật và giả. Nhiều tuần liền, PV đã bám theo những người ăn xin chuyên nghiệp và chứng kiến cả một “quy trình công nghệ” đánh vào lòng thương hại của người khác để moi tiền.

Theo chân người khuyết tật ăn xin: Thật và giả_0
Người đàn ông giả mù lọ mọ xin ăn quanh chợ Nghĩa Hòa (quận Tân Bình). (Ảnh: TN - TH.)

Gần 6 giờ sáng một ngày cuối tháng 10-2009, một ông khoảng 60 tuổi ăn mặc bèo nhèo, cầm gậy lọ mọ đi ra từ con hẻm nhỏ cạnh nhà số 606/69 đường Ba Tháng Hai, phường 14, quận 10, TP.HCM. Ông ta dò dẫm từng bước như thể bị mù, tay cầm vài tờ vé số đưa ra phía trước.

Giả mù đi xin

Người đàn ông đi chưa đầy 5 m, một thanh niên điều khiển xe Honda trờ tới. Ông ta nhìn quanh, nhanh chóng đội mũ bảo hiểm rồi ngồi gọn trên xe. Chiếc xe lao trên đường Lý Thường Kiệt, hướng về ngã tư Bảy Hiền. Đến trước cổng nhà thờ xứ Vinh Sơn (đường Nghĩa Phát, quận Tân Bình), người đàn ông xuống xe, ngồi bệt dưới đất, những tấm vé số không còn trên tay. Chẳng nói chẳng rằng, người điều khiển xe Honda bỏ đi. Hơn 20 phút sau, hành trình ăn xin của người đàn ông giả mù bắt đầu.

Theo chân người khuyết tật ăn xin: Thật và giả_1
Sau khi xin ăn, người đàn ông giả mù về lối nhỏ 606/69 đường Ba Tháng Hai. (Ảnh: TN - TH)

Mắt nhắm nghiền cùng chiếc nón trên tay, người đàn ông lò dò từng bước trên đường Nghĩa Phát hướng về chợ Nghĩa Hòa. Vừa đi ông ta vừa mở miệng xin tiền, chốc lát giả vờ va vào một người. Có người cho tiền, ông ta hé mở đôi mắt xem mệnh giá mỗi giấy bạc, từng đồng xu. Thương cho hoàn cảnh “tật nguyền” của ông, nhiều người sẵn lòng cho 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng. Khi tiền trong nón khá nhiều, ông ta kín đáo cho vào túi vải đeo trước ngực.

Càng đến gần chợ Nghĩa Hòa, người càng đông thì số tiền người đàn ông xin được càng nhiều. Ông ta tiếp tục dò dẫm vào chợ, chìa nón xin tiền. Đến quầy bán hủ tíu, người đàn ông ngồi xuống, gọi một tô. Động tác nhặt rau thơm, lấy chai nước mắm... của ông ta thật chính xác. Ăn xong, trả tiền hẳn hòi, ông ta tiếp tục đóng vai người mù lòa, chìa nón xin ăn.

Khoảng 10 giờ, chợ thưa người, ông giả mù lò dò ra đầu đường, tự đón xe ôm đi tiếp qua nhiều địa điểm để xin ăn. Gần 12 giờ, ông trở về con hẻm 606 đường Ba Tháng Hai để về chỗ trọ. Vẫn dò dẫm đi tới cùng vài tờ vé số quơ quơ trên tay nhưng không mời mọc người mua. Điều này cho thấy ông ta ngụy trang để những người hàng xóm tin rằng ông ta đi bán vé số.

Nhà cửa khang trang vẫn đi ăn mày

8 giờ ngày 4-11, một bà khoảng 45 tuổi, cụt hai chân đang ngồi xin ăn ở góc đường Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp). Bà ta gần như phơi nắng suốt buổi để đánh vào lòng thương hại của người đi đường.

Theo chân người khuyết tật ăn xin: Thật và giả_2
Người con trai chở bà Phụng về nhà sau buổi xin ăn. 

Gần 12 giờ trưa, một thanh niên trạc 18 tuổi đi xe gắn máy biển số 61T1-2303 xuất hiện cách bà ăn xin khoảng 20 m, dòm ngó chung quanh. Ngay lúc này, bà ăn xin thu gọn hành trang, mang chân giả vào rồi đi chậm về phía người thanh niên. Quan sát thêm một lượt, người thanh niên chạy thẳng tới bà ăn xin rồi chở bà ta về hướng chợ Gò Vấp.

PV bám theo sau, lần lượt qua địa phận quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn (TP.HCM) rồi đến huyện Thuận An (Bình Dương). Trên đường đi, người thanh niên dừng lại nhiều lần mua thức ăn hoặc giả vờ sửa xe để “nghía” những người đi sau.

Đến huyện Tân Uyên (Bình Dương), người thanh niên cho xe đi vào con đường nhỏ hẹp, lầy lội rồi lủi vào một căn nhà.

Trong vai người tìm mua đất để lập trang trại, chúng tôi dò hỏi và biết người đàn bà ăn xin tên Phụng, còn người thanh niên là con của bà ta, tên Nhàn. Vị trí chúng tôi đang đứng là Khu điều trị phong Bến Sắn (thuộc Sở Y tế TP.HCM) và bà Phụng là bệnh nhân nơi đây.

Bác sĩ Võ Đức Huy, Phó Giám đốc Khu điều trị phong Bến Sắn, cho biết theo quy định, bệnh nhân không được tự tiện đi xin ăn vì đã được cơ quan và các tổ chức từ thiện chăm lo đầy đủ. “Con của bệnh nhân cũng được tạo mọi điều kiện để đến trường” - bác sĩ Huy cho biết.

Theo bác sĩ Huy, cơ quan đã yêu cầu bà Phụng làm cam kết không trốn trại ra ngoài xin ăn nhưng bà ta chưa thực hiện. Trong khi đó, người con trai tên Nhàn được giới thiệu học tập tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình (Thủ Đức) nhưng lại bỏ về, sống bám vào số tiền xin được của bà Phụng.

Cũng như bao bệnh nhân khác, bà Phụng được cấp một ngôi nhà rộng rãi, khang trang. Bước vào nhà bà Phụng, chúng tôi ghi nhận có đủ mọi vật dụng sinh hoạt gia đình như tivi, tủ lạnh, máy nghe nhạc, xe gắn máy... So với những người chung quanh thì cuộc sống cả nhà bà Phụng dư dả hơn. Theo bà Phụng, mỗi sáng bà đón xe buýt tới góc đường Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Kiệm để xin ăn, đến trưa thì con rước về. “Mỗi ngày tôi xin được hơn 200.000 đồng. Trừ chi phí còn dư chút đỉnh để mua đồ đạc trong nhà” - bà Phụng cho biết.

Theo Pháp Luật.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC