Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng vừa báo cáo HĐND thành phố kết quả thi hành án dân sự năm 2023, trong đó có những vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ và Phạm Công Danh.
Trong năm, công tác thi hành án của cơ quan này đạt kết quả thấp, không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Lý do, địa phương vẫn tồn tại một số vụ có giá trị lớn, khó thi hành án.
Trong đó, vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ và các cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng từ bản án của TAND Cấp cao tại Hà Nội và bản án của TAND TP Hà Nội được tuyên trong năm 2020. Các cựu lãnh đạo liên quan gồm: ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND thành phố; ông Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng một số người khác.
Ở vụ việc này, các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho UBND TP Đà Nẵng số tiền hơn 4.192 tỉ đồng và lãi chậm thi hành án, để sung quỹ nhà nước. Số tài sản phải xử lý trong vụ này gồm 28 bất động sản.
Vụ thứ hai liên quan đến Phạm Công Danh - Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh với giá trị phải thi hành là 3.946 tỉ đồng theo bản án của TAND TP HCM và TAND Cấp cao tại TP HCM được tuyên ở giai đoạn năm 2016 - 2017. Tài sản thế chấp trong vụ việc này là 10 lô đất trong khu phức hợp sân vận động Chi Lăng - quận Hải Châu.
Sân vận động Chi Lăng là tài sản thi hành án trong vụ Phạm Công Danh
Hiện tại, việc xử lý tài sản ở khu phức hợp sân vận động Chi Lăng còn nhiều vướng mắc. Trước đó, năm 2019, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho hay khu phức hợp sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì thời hạn sử dụng đất là có thời hạn.
Trong khi đó, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại sân Chi Lăng được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất. Theo quy định, TP Đà Nẵng phải thu hồi những giấy chứng nhận này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định.
Ngoài ra, sân Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết nên người nhận chuyển nhượng cũng không thể sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch. Điều này dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thực hiện được.
Ngoài 2 vụ án trên, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng còn gặp khó ở 3 vụ vụ án khác với tổng giá trị phải thi hành án là hơn 1.249 tỉ đồng.
Theo Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, điểm chung của các vụ án trên là số tiền thi hành án lớn nhưng tài sản liên quan còn vướng mắc về cơ sở pháp lý, chưa thể xử lý được.
Ngoài ra, các tài sản phải thi hành còn vướng mắc về hiện trạng, chủ trương chính sách của Trung ương và địa phương nên chưa có phương án xử lý đảm bảo.
Lý do nữa mà Cục Thi hành án dân sự nêu là biên chế của cơ quan này ngày càng giảm. Trong khi đó, chỉ tiêu được giao năm sau cao hơn năm trước, số vụ việc thụ lý mới tăng đột biến, khối lượng công việc nhiều và ngày càng phức tạp.
Năm 2023, cơ quan này được giao thu lý 2.599 vụ việc, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm 2022. Việc thi hành án các vụ án kinh tế, tham nhũng gây khó khăn, áp lực đối với đội ngũ chấp hành viên, công chức thi hành án.
Báo Người Lao Động