Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam sẽ bùng nổ trong 5 năm tới nếu giới đầu tư định vị đúng tiềm năng và có chiến lược phát triển thị trường phù hợp.
Ông nhận định như thế nào về sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản du lịch Việt Nam hiện nay?
Đầu tư vào bất động sản đang tăng mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây với những đổi mới trong lĩnh vực đất đai. Lĩnh vực bất động sản đang là lĩnh vực đứng thứ hai trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 300 dự án, tổng vốn đăng ký 33,9 tỷ USD, chiếm 20,6% số dự án và 16,3% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Trong số đó, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến dự án bất động sản du lịch.
Năm 2008 được xem là cột mốc quan trọng của ngành bất động sản du lịch với nhiều dự án lớn như khu phức hợp du lịch Hồ Tràm do tập đoàn Asiana Coast Development(Canada) đầu tư 4,23 tỷ USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước đó địa phương này cũng cấp phép cho Good Choices(Mỹ) đầu tư 1,3 tỷ USD xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực. Hay như dự án khu du lịch Bãi Dài của công ty TNHH Starbay Holdings Ltd tại Phú Quốc với 1,648 tỷ USD. Rõ ràng, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam rất lớn.
Việc chưa tạo ra những dự án bất động sản du lịch mang tầm quốc tế có phải do chúng ta chưa khai thác hết lợi thế về du lịch?
Các quốc gia có biển đều rất quan tâm và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Biển nước ta trong lành là điều kiện lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp.
Ngành du lịch của các quốc gia trong khu vực đều có đóng lớn cho GDP và là nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Nếu khai thác hiệu quả ưu thế của 3260km bờ biển, 125 bãi biển lớn nhỏ, cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều di tích văn hoá có giá trị, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một thị trường bất động sản du lịch mang tầm quốc tế.
Nhưng đầu tư vào loại hình này không chỉ có bất động sản du lịch biển?
Về lâu dài còn nhiều tiềm năng du lịch vẫn chưa được đầu tư thoả đáng ở các khu vực khác như đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, du lịch miền núi, du lịch Tây nguyên. Tất cả những vị trí trên đều có tiềm năng xây dựng những khu du lịch nổi tiếng.
Vậy còn thiếu những yếu tố nào để thúc đẩy sự phát triển của bất động sản du lịch, theo ông?
Đó là sự phát triển đồng bộ. Nhà nước cần đẩy mạnh việc thiết lập một cơ chế chính sách gọn nhẹ, cải cách, xoá bỏ thủ tục hành chính rườm rà và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư. Cũng cần có một chiến lược phát triển lâu dài thị trường bất động sản du lịch. Vấn đề hạ tầng, phương tiện giao thông cần phải được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Việt Nam đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch như hệ thống giao thông, nhà ga...
Thưa ông, tại sao nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước khi tham gia vào thị trường này có ưu thế lớn là nắm giữ trong tay quỹ đất khổng lồ nhưng vấn chịu "lép vế" trước nhà đầu tư nước ngoài?
Đúng là doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào thị trường này có một thuận lợi lớn mà doanh nghiệp nước ngoài không có. Đó là họ nắm giữ quyền sử dụng đất lớn. Hầu hết những khu vực đắc địa có thể khai thác bất động sản du lịch dọc bờ biển Việt Nam đều nằm trong tay các doanh nghiệp trong nước, bây giờ thì họ đã đẩy giá lên rất cao. Doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép nhưng không có đất triển khai và lại rất khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên nguồn lực lớn đó chúng ta chưa biến thành lợi thế, cách quản lý tiếp cận lại không hợp lý. Nhiều chủ đầu tư không có chiến lược đầu tư dài hơi chỉ trông chờ vào giá đất lên cao rồi bán luôn cho khối đầu tư nước ngoài kiếm lời. Chính vì vậy chúng tôi thấy doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề đó.
Việc thành lập Chi hội Bất động sản du lịch Việt Nam liệu có góp tiếng nói mới cho thị trường, thưa ông?
Chính vì vậy chúng tôi cần ngồi lại với nhau để khuyến nghị Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách cho các doanh nghiệp hoạt động. Để trở thành thị trường quốc tế, thu hút các nhà đầu tư du lịch thì cần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như giá đất cao, thủ tụ hành chính, thực trạng về cơ sở hạ tầng.
Cụ thể kế hoạch hành động của Chi hội ra sao, thưa ông?
Trước hết, phải xác định được năng lực của các doanh nghiệp đến đâu, có bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đóng góp vào GDP bao nhiêu phần trăm, nhu cầu trong giai đoạn tới ra sao, có những rào cản gì về mặt chính sách ngăn sự phát triển của khối này... tất cả những câu hỏi đó càng cần phải trả lời sớm thì mới có thể tìm ra được một chiến lược cụ thể phát triển thị trường này.n
Ngày 29/8 tới chúng tôi sẽ họp Ban chấp hành tại Tuần Châu, và vào tháng 10 chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị về bất động sản du lịch. Chúng tôi sẽ sớm bắt tay ngay vào việc. Chúng tôi cũng hi vọng, sang năm tới số hội viên đăng ký chính thức sẽ tăng lên khoảng 300 hội viên.
Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài, trước mắt là các đối tác của Hoa Kỳ, Nhật bản hay khu vực Châu Âu. Đây là những nơi có tiềm năng về bất động sản du lịch, chúng tôi sẽ hợp tác theo hình thức học hỏi kinh nghiệm và nhờ họ hỗ trợ những dự án cụ thể.
Chi hội cũng có tiếng nói tư vấn giúp khách hàng thẩm định được giá cả và chất lượng của dự án. Ví dụ tư vấn rằng dự án có chất lượng như thế thì giá cả chỉ nên như thế thôi.
Theo ông, doanh nghiệp bất động sản du lịch Việt Nam cần làm gì để đón đầu sự bùng nổ của thị trường?
Theo tôi thì trong vài năm tới, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp sẽ phải nâng cấp tính cạnh tranh của những dự án đã hoàn thành. Còn những dự án sắp khai sinh thì cần phải liên kết với nhau thì mới có thể tạo ra những dự án có "tầm" được.
Theo VnEconomy.