Thiếu điện: Trách nhiệm thuộc về chính phủNgày 2/7, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2010, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện nghiêm trọng vừa qua.

Ông Nguyễn Xuân Phúc giải thích: “Năm nay nắng nóng, hạn hán kéo dài nên ảnh hưởng lớn tới sản xuất điện trong khi nhu cầu tăng rất mạnh. Kết quả, dù sản lượng điện có tăng nhưng vẫn thiếu. Điều hành, quản lý cũng có vấn đề, dự án chậm tiến độ cũng là khuyết điểm. EVN đã có văn bản gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng nhận các khuyết điểm này. Ngoài ra, như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã nói, trách nhiệm còn thuộc về Chính phủ, Bộ Công thương...”.

Cũng tại cuộc họp báo này, việc yêu cầu tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin cũng được đề cập đến. Trả lời hàng loạt câu hỏi của các nhà báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, cho biết: “Không có  chuyện Chính phủ ưu ái Vinashin. Vinashin cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, đều phải hoạt động theo đúng các quy định pháp luật". Cũng theo ông Phạm Viết Muôn, để xảy ra tình trạng hiện nay ở Vinashin, có nhiều nguyên nhân, ngoài yếu tố bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, có việc tập đoàn này đầu tư dàn trải trong khi quản lý còn hạn chế, yếu kém.

Ông Phạm Viết Muôn nói thêm: “Thủ tướng đã yêu cầu Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc và thủ trưởng các đơn vị thành viên thuộc Vinashin tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng. Trường hợp phát hiện sai phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Tổng tài sản của Vinashin hiện có hơn 90.000 tỷ đồng trong khi dư nợ khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong quá trình tái cơ cấu, nợ của Vinashin sẽ chuyển sang các tập đoàn, doanh nghiệp nhận chuyển giao các đơn vị thành viên từ Vinashin (tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng).

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dự báo: “Tái cơ cấu Vinashin nhằm giúp tình hình tốt lên. Bài học ở đây rất lớn, các bộ, ngành liên quan đã thiếu sự kiểm tra, giám sát với tập đoàn này. Vinashin mua tàu về tới cảng mà có bộ, ngành còn chưa biết. Những lỗ hổng này cần được chấn chỉnh kịp thời ngay trong giai đoạn tới...”.

Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2010, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, tăng trưởng GDP đạt mục tiêu, giá cả tháng 6 chỉ tăng 0,22%, xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm trong khi dịch vụ tăng nhanh. Không chỉ vậy, sản xuất công nghiệp – nông nghiệp tiếp tục tăng cao, các lĩnh vực khác như phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, an sinh xã hội... cũng có nhiều tiến bộ.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và kiềm chế lạm phát từ 7-8% chắc chắn sẽ đạt được”. Mặc dù vậy, Thủ tướng đánh giá nền kinh tế vẫn còn một số tồn tại như nhập siêu và lãi suất vẫn ở mức cao, đặc biệt là tình trạng thiếu điện trong thời gian vừa qua. Thủ tướng chỉ đạo, cần tiếp tục kiên trì các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt quan tâm kiểm soát kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ giá cả, tiếp tục hạ lãi suất ngân hàng, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất...


 Theo VTC News.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC