Thiếu sân chơi, giới trẻ làm gì?Nhiều bạn trẻ đã lao vào những sân chơi "không biên giới", nhiều tác hại khó lường đã xảy ra.

Không phải hiển nhiên mà các quán nhậu, tiệm net... mọc lên như nấm bởi thực tế nó đáp ứng nhu cầu của rất đông thanh thiếu niên.

Từ những môi trường này, nhiều bạn trẻ đã biến mình thành một người khác để lại nhiều hệ lụy cho xã hội và gia đình.

Tìm đến sân chơi “không biên giới”

Những ngày lân la quanh các quán nhậu, billiards, tiệm net..., chúng tôi nhận thấy giới trẻ tìm đến những nơi này với nhiều lý do: Giải trí, kết bạn, giết thời gian và không ít người cho rằng ở nơi này họ được tự do thể hiện mình, được văng tục, được phì phèo thuốc lá, tự do trò chuyện.

Trong thế giới ảo của game online, họ mặc sức tung hoành, được làm đại ca, bang chủ, giết người để thống lĩnh thế giới của riêng mình.

Em N.N.T, học sinh Trường THCS Lương Định Của, quận 2-TPHCM, bày tỏ: “Em thích chơi game lắm! Nhiều khi bỏ học vào tiệm chơi cả ngày. Ở đó, em được làm bang chủ, thống lĩnh cả những người lớn tuổi hơn. Chỉ có trong game, em mới được gọi là thủ lĩnh và được mọi người nể nang”.

Hùng Nhật, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cũng thú nhận: “Ngoài đời, mình là một người bình thường nhưng trong game, mình có sức mạnh phi thường, tự nhiên thấy thích thú”.

N.V.Tr (25 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn-TPHCM) tâm sự: “Gò bó trong môi trường học hành, gia đình riết cũng chán. Ra khỏi nhà tìm nơi giải trí đúng nghĩa khó quá. Đến quán nhậu, mọi thứ dường như không còn khoảng cách. Khuya đến chạy xe đi lòng vòng cùng nhóm bạn, không cần ý tứ, suy nghĩ gì nhiều...!”.

TS Đỗ Hạnh Nga, Giám đốc Trung tâm Tham vấn – Thực hành công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết: Một nhu cầu rất quan trọng của giới trẻ là được giao tiếp với bạn bè và được tham gia các hoạt động xã hội.

Nói cách khác, thanh thiếu niên không thể phát triển và hình thành nhân cách của bản thân nếu không được tham gia các hoạt động xã hội.

Thực trạng hiện nay là những sân chơi để thanh thiếu niên rèn luyện thể chất và kỹ năng sống đang rất thiếu và ngày càng bị biến tướng.

Nhiều tác hại khó lường

Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng một phần do thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng bởi những trò chơi không lành mạnh, thiếu những sân chơi đúng nghĩa để thu hút họ.

N.T.V (29 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) thật thà kể lại những ngày tháng sống vô bổ của mình: Vì cha mẹ không quan tâm, lại không học hành, suốt ngày, V. chỉ biết tụ tập băng nhóm, bạn bè hết rủ nhau đến vũ trường, quán nhậu rồi lao vào game online. Từ một cô bé ngoan hiền, V. trở nên đanh đá, biết “gài bẫy” đàn ông mỗi khi cần tiền.

“Em không trách cha mẹ nhưng giá như bạn trẻ chúng em có một sân chơi, như CLB đàn hát, khiêu vũ, hội họa thì đâu phải vùi đầu vào những thứ vô bổ...” - V. chua xót nói.

Là người gắn bó nhiều năm với những thanh thiếu niên cơ nhỡ, chị Nguyễn Thị Thu Hương (ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) trăn trở: Với những em chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành, điều các em thực sự cần không chỉ là sự quan tâm đơn thuần của cha mẹ, thầy cô mà còn là những nhu cầu được vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng. Nếu không có sân chơi lành mạnh, các em sẽ tự tìm đến môi trường xấu.

Thiếu sân chơi thực thụ, những bài học quan trọng cho giới trẻ trong kỹ năng thực hành xã hội, học cách bình tĩnh, kiềm chế bản thân, học cách vượt qua thất bại và quan trọng nhất là học cách hiểu người khác cũng đang bị bỏ ngỏ -một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong giới trẻ ngày càng gia tăng.

Trong tình cảnh đó, mặc dù còn khan hiếm nhưng rất may hiện vẫn có những sân chơi thu hút khá đông bạn trẻ tìm đến, đang cần sự chung tay góp sức của nhiều người để có sức lan tỏa.

Theo NLĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC