Thoi đưa lách cách "Sừng Trời"Vừa mới nắng như đổ lửa ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), nhưng khi vượt qua mấy vòng cua tay áo trên quốc lộ 32, lên đến đỉnh đèo Khau Phạ, hơi lạnh thấu xương trong mây phủ mịt mù khiến tay lái tôi chao nghiêng. Bên kia Sừng Trời, đó là ngút ngàn Mù Cang Chải.

Ngàn mây Mù Cang Chải

Trên đỉnh đèo Khau Phạ - nơi được coi là nóc nhà của tỉnh Yên Bái, với độ cao hơn 1.500m bốn mùa mây phủ dày đặc, chàng trai người Thái Lương Văn Sùng, nói tiếng Hà Nội mượt như dân thủ đô giải thích: Khau Phạ tiếng bọn em nghĩa là Sừng Trời anh ạ. Tiếng Mông người ta gọi con đèo này là Đớ Chua - đỉnh núi lộng gió.

Tôi mở Google ngay trên điện thoại di động, có tới hơn 20 ngàn kết quả cho địa danh Khau Phạ. Wikipedia giải thích rằng, đó là chiếc sừng nhô lên tận trời xanh.

Thoi đưa lách cách

Phóng tầm mắt xuống thị trấn Mù Cang Chải, chỉ thấy lô nhô những nóc nhà trong bảng lảng khói sương. Ruộng bậc thang danh bất hư truyền mùa này chỉ còn trơ đất, nhưng nét hùng vĩ vẫn lồ lộ trên những thung lũng trải dài triền miên.

Cao Phạ, La Pán Tẩn, Tú Lệ, Nậm Có, Chế Cu Nha… giờ đã là báu vật không chỉ của miền Tây Bắc. Đi bộ, nhưng bước chân thoăn thoắt nên Lương Văn Sùng tới Mù Cang Chải chẳng sau tôi là mấy.

Thị trấn Mù Cang Chải nằm lọt thỏm giữa trùng trùng rừng núi. Ngày nắng cũng như mưa, bốn mùa mây che phủ khiến du khách qua Mù Cang Chải có cảm giác như bước qua thị trấn ngàn mây.

Trường mầm non Mù Cang Chải chênh vênh bên suối Nậm Mơ, lưng dựa vào vách núi, sáng rực cả một góc trời bởi mùa hoa ban trắng rừng. Cô giáo trẻ Phạm Thị Thanh Hằng dạy ở đây được 3 năm, quê tận Tiền Hải (Thái Bình). Học xong tình nguyện lên cắm bản nơi rừng núi, đến bây giờ Mù Cang Chải như là quê hương thứ 2 của cô.

“Học trò ở đây người Kinh, người Mông và người Thái đủ cả. Các em ngoan và học giỏi lắm” – Hằng tâm sự.

Sáng sớm, tôi xuống chợ thị trấn Mù Cang Chải. Chẳng phải ngày lễ, nhưng bà con người Mông, người Thái từ trên núi đổ xuống tấp nập. Những cô gái Mông xinh xẻo trắng trẻo trong trang phục váy áo thổ cẩm sặc sỡ, thơ thẩn dọc đường.

Vàng Du Liên – cô gái Mông có cái tên như người Tàu cười bẽn lẽn trước ống kính. Du Liên thẹn thùng nói tiếng Kinh lơ lớ, đại ý bảo rằng, cái bộ váy thổ cẩm này đây, chính là sản phẩm của người Thái. Rồi cô chỉ về bên kia suối Nậm Mơ. Xa xa, từng làn khói trắng của một vài ngôi nhà sàn bốc lên.

“Đấy, quần áo em đang mặc là của người Thái Kim Nọi dệt anh ạ” – Du Liên cười khúc khích. Tôi bắt đầu đi tìm gốc tích của bộ váy người Mông trên Mù Cang Chải…

Cuộc đời bên khung cửi

Ông Lương Văn Dương bế đứa cháu nhỏ trắng trẻo dẫn tôi lên tận nhà sàn, lôi ra cả hũ rượu trắng thơm lừng, tẩn mẫn kể tôi nghe câu chuyện dệt thổ cẩm của bản Thái Kim Nọi. Đã 65 tuổi, nhưng ông Dương cũng chẳng nhớ nghề dệt thổ cẩm của dân làng có từ bao giờ.

“Cái làng này có từ lâu lắm rồi, dễ đến gần trăm năm, từ khi có làng là có nghề dệt thổ cẩm. Đàn bà ở bản này ai cũng biết dệt, cứ khoảng 13 tuổi là tự động ngồi vào khung cửi. Như bà vợ tôi đấy, trên 60 tuổi rồi nhưng một ngày không dệt chừng dăm tiếng đồng hồ là trong người khó chịu lắm”.

Giữa trưa nắng, bà Nùng Thị Cói – vợ ông Dương đang xe chỉ. Từng sợi chỉ nhiều màu sắc lấp lóe quay đều theo bánh xe. Bà Cói cho hay, sau khi xe chỉ xong mới đưa vào khung để dệt. Từ sợi chỉ cho ra tấm vải xem chừng lắm công phu. Bàn tay nghệ nhân bản Thái Kim Nọi phải thật tài hoa và nhanh nhẹn.

“Bà con Thái Kim Nọi ở đây chủ yếu nhập sợi chỉ từ người Mông, sau đó dệt, đem bán lại thổ cẩm cho họ. Nhưng tôi tự xe chỉ, nhuộm màu nên chất lượng và màu sắc đẹp hơn” – Bà Cói tâm sự.

Tôi theo bước ông Dương đi sâu vào trong bản Thái Kim Nọi. Nắng chiều xiên xuống bản ở lưng chừng núi, hoang sơ như một bức tranh. Địa chỉ mà ông Dương muốn tôi phải tận thấy là nhà sàn của bà Ló Thị Ngôi, kèm theo câu quảng cáo: Đây là nghệ nhân dệt thổ cẩm đẹp nhất bản.

Bà Ló Thị Ngôi đang ngồi trong khung cửi, cuộn vải dày lên theo từng tiếng thoi lách cách. “Một ngày chỉ dệt được chừng 4 – 5 sải tay thôi cậu ạ. Bây giờ già rồi chẳng thể ngồi được cả ngày. Đau lưng lắm”.

Ông Dương nói rằng hồi trẻ, bà Ngôi là người con gái đẹp nhất bản. Chẳng những vậy, đôi tay dệt vải cũng thoăn thoắt khéo léo nên không những trai bản mà cả người Kinh tận Tú Lệ, Nghĩa Lộ hay cả Hà Nội cũng dập dìu vào thăm. Riêng điều này chẳng cần ông Dương quảng cáo, nhìn bàn tay di chuyển như múa trên khung cửi của bà Ngôi, cũng đủ hiểu gần 50 năm qua, bà Ngôi đã dệt chừng nào sải vải.

Bà Ngôi kể, năm 10 tuổi, mẹ bà đã hướng dẫn con gái ngồi vào khung cửi, chẳng cần dạy dỗ, tập tành gì, chỉ sau vài tháng, bà đã nhuần nhuyễn từng động tác đưa thoi. Từ khi biết dệt vải đến nay đã 50 năm, bà Ngôi ngày ngày cần mẫn, nuôi sống cả gia đình bằng khung cửi.

Thoi đưa lách cách

Chỉ tay vào chiếc khung, bà Ngôi tâm sự: “Nó đã gắn bó với tôi gần hết cuộc đời. Đó là gỗ pơmu, dù mưa nắng bão bùng gì đi nữa cũng không thể nào hỏng được. Nhờ nó mà 5 đứa con tôi được ăn học đàng hoàng, rồi cả chuyện dựng vợ gả chồng nữa”.

Nhà bà Ngôi chỉ có được vài khoảnh ruộng lúa, năm được vài vụ nên cả nhà từ đó đến này sống nhờ vào nghề dệt vải. Ngày tôi đến, cụ ông Nông Văn Phích đang ốm cũng lồm cồm xuống cầu thang, móm mém kể: “Tiêu chuẩn chọn vợ của trai bản Thái Kim Nọi từ trước đến nay vẫn phải là biết dệt vải. Vợ tôi hồi xưa đẹp nhất bản, dệt khéo tay nên lắm lúc, trai bản chúng tôi đánh nhau đến tóe máu để chiếm được vợ”.

Bà Ngôi lườm ông Phích, cả hai cùng cười, tiếng cười trong trẻo của tuổi già lan trong mây mịt mùng Mù Cang Chải. Không dễ gì đời người có được những khoảnh khắc yên bình lạ lẫm như vậy.

Rồi bà Ngôi khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến kỳ lạc khác khi bà kể rằng, ước ao lớn nhất đời người của bà là xuống Hà Nội chơi một lần cho biết phố xá xe cộ thủ đô.

Ông Phích tắt tiếng cười, cúi đầu như người có lỗi: “Cả đời bà ấy chưa bước qua đèo Khau Phạ bao giờ. Tiếng là người Mù Cang Chải, nhưng hầu như bà ấy chỉ gắn bó với chiếc khung cửi nên không biết, ngoài kia phố xá đổi thay thế nào”.

Bà Ngôi bần thần dừng tay, nói nhỏ: “Tôi chỉ thích dệt vải, mỗi ngày thấy cuộn vải dày thêm, rồi nghe tiếng thoi đưa lách cách râm ran trong bản là tôi thấy vui. Hơn một năm nay tôi chưa ra khỏi bản”.

Có lẽ, bà Ngôi không biết rằng, ở ngoài kia, thị trấn Mù Cang Chải đang ùn ùn bê tông xi măng cốt sắt, khói bụi mịt mù ngổn ngang xe cơ giới lại qua.

Thoi đưa lách cách

Tôi bước qua ngôi nhà sàn bên cạnh, cách nhà bà Ngôi chỉ một con đường. Bên này bà Ngôi cần mẫn dệt vải, bên kia, cô bé Hà Thị Hiên cũng đang cười chúm chím bên khung cửi. Bà Ngôi với theo: Đó, thấy thế là tôi vui. Cô bé Hiên mới 16 tuổi, đang học cấp ba trường huyện. Lẫm chẫm ngồi khung cửi từ năm 11 tuổi, đến nay thâm niên dệt của Hiên đã hơn 5 năm. Một buổi học, một buổi ở nhà dệt vải.

Hiên cười: Con gái ở bản ai cũng biết dệt, không thì sau này khó mà lấy chồng lắm. Em chỉ mơ ước dệt được những tấm vải đều và mượt như bà Ngôi.

Ngoài dệt vải, Hiên cũng có ước mơ như bà Ngôi, đó là xuống Hà Nội, nhưng không phải để chơi mà là học đại học. “Em quyết sau này thi đỗ đại học, phải học thì mới thay đổi cuộc đời, anh ạ”.

Rồi Hiên cũng tỏ nỗi niềm: “Nhưng sau này có làm gì đi nữa, em cũng sẽ dành một ngày vài tiếng dệt vải, không làm ngày thì làm đêm. Mê rồi anh ạ”.

Thế nhưng bản Thái Kim Nọi không phải ai cũng đam mê như Hiên. Bà Ngôi buồn bã: “Dệt nhanh lắm cũng mỗi ngày được 5 sải, mỗi sải bán cho người Mông với giá 5 ngàn. Con gái Thái Kim Nọi giờ ít người theo nghề truyền thống này lắm cậu ạ. Chúng nó ra khỏi bản, đi bán cà phê, làm nhà hàng hết. Buồn lắm”.

Tôi bịn rịn dứt Mù Cang Chải lên đường đi Lai Châu mà tiếng thoi lách cách cùng ánh mắt buồn rười rượi của bà Ngôi vẫn vấn vít mãi. Mai này, rồi có còn chăng những cuộc đời bên khung cửi?

 Theo Tiền Phong.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC