Thừa Thiên - Huế: Chủ vườn mai "méo mặt" lo hoa không nở kịp Tết Những đợt rét kéo dài đã làm cho chủ các vườn mai lớn ở nhiều “vựa” mai Huế như phường Thủy Dương, đường Nguyễn Chí Thanh lo âu, không biết mai có kịp nở đón Tết, trong khi vẫn còn lạnh tăng cường.

Nhặt lá sớm vẫn không "thoát" giá lạnh

200 gốc hoàng mai - loại mai Huế chính gốc - tại vườn ông Lê Viết Đô, tổ 16 phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, vẫn chưa có cây nào hé búp. Trước đợt lạnh vừa rồi, Huế có khoảng 10 ngày nắng hơi gắt nên nhà đã trảy hết búp vào khoảng 20 tháng 11 âm lịch. Đến nay, trời ngày càng rét đậm làm mai không nở.
 
“Nhiều khách chơi mai quen và mối bỏ hoa mai bán chợ hoa Xuân mấy năm trước khi nào cũng mua vài chậu chơi, họ về đây mới hôm qua, thấy cây mai “buồn” quá vì không có lấy một cái hoa nên đã bỏ đi tìm chỗ khác. Những năm trước, trung bình Tết về nhà bán hơn 100 triệu tiền mai, tết ni không biết có bán được cây mô không?” - anh Lê Huy Hoàng, con trai ông Đô, buồn bã nói. 

Ở vựa mai với hơn 300 cây mai cảnh thế đẹp với toàn mai Huế của ông Lê Quý Huề cũng đang diễn ra tình trạng tương tự khi chỉ có khoảng dưới 20% chậu mai là có khả năng nở hoa đúng Tết với tiết trời lạnh như “cắt da cắt thịt”.

“Nếu đến 20 tháng chạp trời ấm lên thì có thể 80% vườn mai tui có thể bán được vì chỉ cần 10 ngày từ lúc hoa mai bóc vỏ lụa ra là nở đẹp được. Chừ chỉ biết ngồi cầu trời. Vì vườn hoa rộng quá nên không thể nào tác động bằng các biện pháp “thúc” mai nở nhanh được. Chưa có năm nào mà lạnh lại kéo dài như năm ni” - ông Huề cho biết. 
 
Thừa Thiên - Huế: Chủ vườn mai  
Phần lớn mai búp đều rất nhỏ, khả năng vỏ lụa bóc ra là rất hiếm hoi, trừ khi có nắng.

Nhiều nhà dân xung quanh phường Thủy Dương, người chơi vài chậu cho có không khí, nhiều hơn thì vài chục chậu mai kiểng Huế cũng đang buồn rầu vì Tết đã gần đến rồi mà không khí Tết chẳng thấy đâu, minh chứng qua những thân mai đen sì không có nổi một bông hoa.

Tại các vườn mai ở đường Nguyễn Chí Thanh, TP Huế, người trồng mai cũng đang “méo mặt” vì đã trảy lá sớm nhưng rồi cuối cùng mai cũng “chây ỳ” không nở hoa vì lạnh quá; một số cây có chớm nở bông được khoảng nửa cây do rét quá làm bông héo ngay từ trong nụ.
 
Thừa Thiên - Huế: Chủ vườn mai  
Những cây có hoa thì hoa chết vì rét và phần hoa trong búp cũng chết theo

Đủ cách chống lạnh cho mai

Còn nước còn tát, người trồng mai và buôn mai đang có những biện pháp thích hợp đề phòng trước tình trạng này. Ở nhà ông Huề, một số cây đã được che dù tạm hay bao cành hoa bằng những bì nylon để tạo độ ấm. Dự tính ông sẽ chăng thêm một ít bạt trên những cây mai đẹp để có hoa đúng Tết. 

“Tuy nhiên, tui lo nhất vẫn là các chậu mai của khách. Đến tết mà họ không có hoa chơi là mình cũng thấy trong lòng có lỗi. Cho nên ưu tiên gì thì cũng dành phần lớn công chăm sóc cho mấy cây mai này để giữ chữ tín” – ông Huề nói.

Phương án đưa mai vào nhà chăm cũng đã được lên kế hoạch. Nhà ông Đô dự tính nếu rét quá sẽ đưa khoảng dưới 10 cây mai vào nhà và chiếu điện sáng, giữ gió kín cho cây khỏi “rét” - “làm vậy mai sẽ nở đúng nhưng hết Tết rồi lúc đưa ra vườn, thân cành và lá sẽ khô làm cây xấu. Cực chẳng đã nếu có khách đặt mua mai có hoa chúng tôi mới làm vậy” - anh Hoàng tâm sự. 

Thừa Thiên - Huế: Chủ vườn mai

Còn tại vườn cây cảnh Mai Viên của chị Lê Thị Chư, đường Nguyễn Chí Thanh, trong số 400 gốc mai, chị đã chuyển vào miền Nam 100 gốc. “Số này đưa vào đó cho ấm để nở hoa, khoảng 23 Tết chở ra đây là hoa nở đẹp, nhà sẽ có cây chưng trên chợ hoa tết bán. Số còn lại, tôi cho rảy phân Lâm Thao trên gốc, xong bịt lại bằng nylon để giữ cho ấm gốc cây. Gốc ấm sẽ kích thích hoa nở” - chị Chư chia sẻ kinh nghiệm.
 
Theo đại đa số người chơi mai, nếu rét kéo dài đến Tết thì dù có chăm đến mấy cũng không tránh khỏi bị lỗ vì cây sẽ không tài nào ra hoa kịp. Một số hộ đã chuyển sang kinh doanh các cây khác như sanh, lộc vừng hay hoa từ Đà Lạt nhập về để “gỡ gạc” cho một mùa hoa mai Tết nhiều khả năng “trắng tay”.

Theo Dân trí.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC