Áp lực thi cử, đỗ ĐH khiến nhiều bậc phụ huynh ép con dùng các loại thuốc tăng cường trí nhớ theo lời rỉ tai hoặc quảng cáo vô tội vạ của các cửa hàng thuốc.
Uống vào nhớ từng con số?
Trong vai sĩ tử đi tìm mua thuốc tăng cường trí nhớ, chúng tôi lạc vào “mê hồn trận” thuốc từ rẻ tiền tới cao cấp, được giới thiệu là hỗ trợ ghi nhớ, làm cho trí óc tỉnh táo, cải thiện tuần hoàn máu, bổ não, đặc biệt là học nhanh thuộc bài.
Tại TP HCM, tới các hiệu thuốc trên đường Nguyễn Văn Lạc (quận Bình Thạnh), hỏi mua thuốc “giúp học bài mau nhớ”, người bán nhanh nhẹn đưa ra thuốc Tanakan (4.000 đồng mỗi viên). Theo quảng cáo của người bán, loại thuốc này được sản xuất từ Pháp, có công năng kỳ diệu: tăng trí nhớ, giúp học bài nhanh thuộc. Thấy chúng tôi nghi ngại vì trên nhãn thuốc có ghi “Tanakan điều trị các chứng suy giảm trí năng bệnh lý của người lớn tuổi”, người bán thuốc vẫn trả lời tỉnh queo “ai uống cũng tác dụng như nhau, từ trẻ tới già”.
Tại một hiệu thuốc ở quận Phú Nhuận, chúng tôi chứng kiến người bán giới thiệu cho nhóm học sinh về thuốc Vovan dưỡng não dạng sủi: dùng thuốc dạng sủi sẽ “nhanh thuộc bài hơn”, vì nó hòa tan, có tác dụng trực tiếp (?). Thậm chí, người bán hàng còn nói chắc nịch: “Mấy tháng trước có một nhân viên kế toán hỏi mua thuốc để chữa bệnh hay quên. Sau một vài tháng dùng thuốc, cô này quay lại mua tiếp và khoe sau khi uống thuốc thì nhớ… từng con số”. Nghe chủ thuốc quảng cáo, nhóm học sinh này không ngần ngại góp tiền mua mỗi em hai tuýp.
Hiệu thuốc trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) còn chào mời dùng thuốc “tăng trí nhớ” bằng emphetamine, một loại thuốc để trị bệnh parkinson và có thể gây nghiện. Nếu sĩ tử ít tiền, chủ cửa hàng giới thiệu uống các loại thông thường cũng có tác dụng tăng trí nhớ như: ginkgo biloba, được làm từ thảo dược (2.500 đồng mỗi viên), B1, B6, B12, Hoạt huyết dưỡng não, nhân sâm, segin – gingseng…
Tại Hà Nội, việc mua thuốc bổ thần kinh tại các “phố thuốc” Ngọc Khánh, Láng Hạ… cũng tấp nập không kém. Chủ một của hàng thuốc ở phố Láng Hạ cho biết: “Trước đây, có khi vài ba ngày, thậm chí vài tuần mới có một người hỏi mua thuốc thuốc bổ thần kinh cho con. Đến thời điểm gần kề ngày thi tốt nghiệp PTTH và đại học, mỗi ngày có gần chục phụ huynh hỏi mua”. Bán chạy nhất là loại thuốc bổ thần kinh được sản xuất từ nước ngoài như tanakan 118.000 đồng một hộp; duxil 120.000 đồng; nootropyl 57.000 đồng.
Nhiều tác dụng phụ nguy hiểm
Mới đây, một học sinh tại quận ngoại thành TP HCM phải nhập viện với các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, không ăn uống được do dùng thuốc Amphetamine để tăng trí nhớ. Bác sĩ Dương Đình Phúc, Phó chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Quân đội 354, cho biết, không có loại thuốc nào có thể giúp học sinh thông minh và có trí nhớ tốt hơn. Chỉ một vài loại có tác dụng hỗ trợ học sinh trong thời gian ôn thi căng thẳng nhưng hiệu quả rất nhỏ. Trí nhớ của mỗi người được quyết định bởi hai yếu tố gene và rèn luyện, học tập tích lũy lâu dài, chứ không phải cứ dùng thuốc bổ trong một thời gian là cải thiện trí nhớ.
Bác sĩ Phúc cảnh báo, việc phụ huynh tùy tiện cho con dùng thuốc bổ thần kinh vô tội vạ, không có đơn của bác sĩ sẽ có tác dụng ngược, gây nhanh quên, buồn ngủ. Nguy hiểm hơn, nếu dùng thuốc bổ thần kinh lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận, cơ thể suy kiệt…
Bác sĩ Phúc khẳng định, trong thời kỳ ôn thi, biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, căng thẳng của sĩ tử là dấu hiệu của áp lực học hành quá căng thẳng. Cách tốt nhất là giảm áp lực, bố trí thời gian nghỉ ngơi phù hợp và tăng cường chế độ dinh dưỡng. Giấc ngủ có vai trò cực kỳ quan trọng vì đây là lúc các tế bào thần kinh thải độc ra khỏi cơ thể. Sĩ tử phải có giấc ngủ sâu và không được ngủ dưới 6 giờ mỗi ngày. Quá trình bổ sung đạm, vitamin, chất khoáng tốt nhất là bằng thực phẩm, đặc biệt nên ăn nhiều rau xanh vì trong rau xanh có nhiều vitamin và chất khoáng.
Chỉ khi thực hiện các bước kể trên mà sĩ tử vẫn thấy mệt mỏi thì mới phải đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh. “Các bậc phụ huynh tuyệt đối không sử dụng đơn thuốc của người khác theo kiểu “rỉ tai, truyền miệng” hoặc tự ý ra cửa hàng thuốc mua thuốc về cho con uống”, bác sĩ Phúc lưu ý.
Theo ĐV.