Nhìn bức hình chụp biểu ngữ với dòng chữ “Welcome to the home of Miss World 2010”, và “Sorry for any inconvenience caused”(*), tôi cứ ngỡ đang ở trên đất nước nào đó sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức, kiểu như Mỹ, Anh ở phương Tây hay gần hơn như Ấn Độ, Singapore ở châu Á.
Nhưng đây là biểu ngữ được căng ở cù lao Thới Sơn thuộc tỉnh Tiền Giang, một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, phía Nam đất nước mình!
Người dân ở cù lao đang bàn tán xôn xao chuyện họ có thể nhìn thấy các cô gái đẹp đến từ mọi nơi trên thế giới, chắc cũng quan tâm chuyện gì đang diễn ra gần nơi họ ở. Cuộc sống quen thuộc của họ chắc sẽ bị đảo lộn đáng kể. Họ có cần phải học tiếng Anh để hiểu câu xin lỗi chưa biết là dành cho ai?
Các hoa hậu, quan khách, du khách thì còn cả năm nữa mới đặt chân đến. Trong khi người dân ở cù lao chắc cũng cần được xin lỗi nếu giấc ngủ trưa hay nghỉ ngơi ban đêm bị những tiếng ồn xây dựng, xe cộ làm phiền, nhưng bao nhiêu người sẽ hiểu được ngôn ngữ ấy?
Chúng ta đang kêu gọi giữ gìn truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc. Những chuyến đi công tác nước ngoài cho tôi một cảm nhận là hiếm nơi nào trên thế giới mà chuyện “tiếng Anh hóa” mọi thứ một cách không cần thiết diễn ra lan tràn như ở VN.
Tiếng Việt không đủ để thể hiện thông điệp này hay sao? |
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tôi có cảm giác như đang ngao du đâu đó ở trời Âu đất Mỹ, với những biển tên cửa hiệu toàn tiếng Anh. Ngay cả những sản phẩm làm ra cho người VN mua thì những hướng dẫn sử dụng cũng bằng tiếng Anh. Ai sẽ hiểu đây? Không loại trừ tâm lý “sính ngoại”, “làm cho ra vẻ sang trọng” mà nảy sinh hiện tượng đó. Nhưng tỉ lệ hơn 75% dân số VN là nông dân có khiến những người đưa ra thông điệp suy nghĩ?
Chẳng lẽ những nhà sản xuất đang thực hiện chiến dịch kêu gọi người VN quan tâm tới hàng VN, dùng hàng VN lại bỏ qua hàng triệu khách hàng tiềm năng của mình bằng cách chỉ đưa ra thông điệp mà một lượng khách hàng rất nhỏ có thể hiểu được?
Rõ ràng, cần phải học hỏi cái hay, cái tốt của nước ngoài để thích nghi với sự phát triển chung của nhân loại. Tiếng Anh là một cây cầu tốt để ta làm điều đó. Chúng ta không bài ngoại, nhưng cho rằng mọi thứ đều cần có giới hạn của nó mới là điều đúng đắn.
Sử dụng ngoại ngữ một cách tùy tiện cho từ “giảm giá” (ảnh chụp trên đường Hai Bà Trưng, TP.HCM). (Ảnh: Gia Tiến) |
Việc tiếng Anh được sử dụng lan tràn, không hợp quy định pháp luật (phải sử dụng song ngữ, cỡ chữ tiếng nước ngoài nhỏ hơn tiếng Việt) trên các biểu ngữ, khẩu hiệu dù đang hướng tới những người dân nói tiếng Việt có phải là sự xâm thực văn hóa hay không? Cứu tiếng Việt khỏi những cách sử dụng tùy tiện đã được đề cập, nhưng chuyện “cứu” tiếng Việt đang bị tiếng Anh đẩy lùi một cách công khai khỏi cuộc sống của những người Việt có lẽ cũng cần thiết không kém.
Đến Hi Lạp, tôi nhớ mãi về những chiếc taxi chở khách, rất nhiều xe không dùng từ taxi tiếng Anh trên biển treo trên xe mà là từ taxi bằng tiếng Hi Lạp. Nom thú vị, ngộ nghĩnh và cũng rất dễ hiểu. Ở một đất nước châu Âu có tỉ lệ sử dụng tiếng Anh rất cao, một từ thông dụng như vậy lại không hề “Anh hóa”. Đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ cho thấy sự tự hào của người Hi Lạp về tài sản văn hóa của họ.
Tên, thông điệp và cả địa chỉ cửa hàng đều bằng tiếng Anh. (Ảnh: Gia Tiến) |
Ảnh chụp tại cổng vào khu di tích Đền Đô (Bắc Ninh) thờ tám vị vua triều Lý. Tấm biển chào mừng là một sự pha trộn kỳ lạ tiếng Anh và tiếng Pháp. (Ảnh: Trung Dân) |
Khi chính người bản xứ không biết yêu quý, nâng niu, gìn giữ những giá trị của mình làm sao những người từ nơi xa lạ đến lại trân trọng những giá trị đó? Tiếng Việt càng là một giá trị cần được người Việt trân trọng, gìn giữ.
Theo Tuổi trẻ.