Dòng xe ùn tắc trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, hướng từ cầu Ba Son về đường Điện Biên Phủ, quận 1, tối 9/1. Ảnh: Đình Văn
Chiều 9/1, dòng xe ùn ứ kéo dài trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, hướng về giao lộ Phạm Văn Đồng. Nhiều xe máy len lỏi trong dòng ôtô, nhích từng chút. Đèn đỏ tại giao lộ này dài khoảng 110 giây, trong khi đèn xanh chỉ 25 giây. Nhiều người không dám rẽ phải ra đường Phạm Văn Đồng về cầu Bình Lợi như trước, khiến ùn ứ thêm căng thẳng. Có tài xế phải chờ 3-4 chu kỳ đèn để qua đoạn đường dài chừng 300 m tại đây.
Len lỏi trong dòng xe đông đúc, chị Thanh Hương, 35 tuổi, cho biết mỗi buổi chiều phải đi từ quận 1 về đường Ung Văn Khiêm, đón con học ở đường Nguyễn Xí rồi về nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Trước đó, chị hay chạy sát làn đường bên phải rồi rẽ phải vào đường Phạm Văn Đồng dù có đèn đỏ. Nhưng khi biết thông tin không được rẽ phải ở đèn đỏ khi không có biển cho phép rẽ, cùng với mức phạt tăng cao từ khi Nghị định 168 có hiệu lực ngày 1/1, chị đã thay đổi thói quen, chỉ rẽ phải khi có đèn xanh.
Dòng xe đông đúc, kéo dài trên đường Nguyễn Xí đổ ra đại lộ Phạm Văn Đồng, chiều 9/1. Ảnh: Đình Văn
"Tôi thấy việc rẽ từ đường Nguyễn Xí ra Phạm Văn Đồng ít gây xung đột giao thông và giúp dòng xe được thoát nhanh hơn. Tuy nhiên, quy định mới với tăng cao mức phạt thì không ai dám rẽ, dẫn đến ùn tắc nhiều hơn", chị Hương nói và cho rằng cơ quan chức năng nên xem xét cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tất cả các giao lộ, chỉ hạn chế ở những nơi mất an toàn và gắn biển cấm. Theo chị, xe máy rẽ phải khi đèn đỏ không ảnh hưởng nhiều giao thông, chỉ cần chú ý nhường đường, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Tương tự, nhiều nơi khác ở nội đô thành phố như quận 1, 3, 5, quanh sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, đường cửa ngõ... gần đây cũng hay ùn tắc, đặc biệt là đoạn qua các giao lộ. Trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, dòng xe nối đuôi nhau kéo dài dừng chờ đèn đỏ ở các giao lộ, nhiều người bật xi-nhan nhưng không dám rẽ phải. Khi đến chu kỳ đèn xanh, lượng xe kẹt lại không kịp giải toả khiến ùn ứ liên tục xảy ra. Ùn tắc cũng xảy ra ở những tuyến trước đây thông thoáng.
Thượng tá Lê Văn Hải, Phó phòng CSGT, Công an TP HCM, cho biết dịp cuối năm, ngoài lượng xe bình thường, mật độ phương tiện đông đúc hơn do nhu cầu mua sắm, chở hàng hoá tăng cao, dẫn đến tình hình giao thông một số nơi căng thẳng hơn. Đồng thời, sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, các vi phạm có mức phạt cao đã tác động lớn đến ý thức của người đi đường, hạn chế tình trạng leo lề, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông...
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đặc thù các đường ở thành phố có mật độ xe rất lớn, một số thời điểm xe tập trung đông, chờ đèn đỏ kéo dài. Do đó, đơn vị phối hợp các bên liên quan khảo sát và kiến nghị Sở Giao thông Vận tải tổ chức giao thông phù hợp, bao gồm gắn biển cho xe rẽ phải khi đèn đỏ để giảm ùn tắc.
Cũng theo đại diện Phòng CSGT, lưu lượng xe ở thành phố liên tục tăng nhanh theo từng năm, hạ tầng nhiều nơi chưa đủ đáp ứng, trong khi thời gian qua nhiều người thói quen lấn làn, vượt đèn, "lấp chỗ trống" gây ùn tắc, mất an toàn. Do đó, quy định mới áp dụng góp phần cải thiện thói quen người đi đường, văn hoá giao thông cũng sẽ thay đổi.
Ông dẫn chứng hôm người dân đổ ra đường mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam gần đây, nhiều người chấp hành đèn đỏ, không dám chạy lạng lách, khác biệt rất nhiều so với những lần trước. "Điều này cho thấy ý thức đi đường đã cải thiện rõ rệt", ông Hải nói.
Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, quy định xử phạt hành vi rẽ phải khi đèn đỏ mà không có hiệu lệnh hay biển báo đã có từ lâu chứ không phải mới có. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nhất là người đi bộ. Tuy nhiên, do mật độ xe ở TP HCM rất lớn, hạ tầng chưa đủ đáp ứng, nhiều người đã hình thành thói quen rẽ phải khi đèn đỏ.
"Khi áp dụng xử lý nghiêm theo quy định thì có gì đó lạ và sốc nhẹ đối với người đi đường", ông Lợi nói, thêm rằng nếu tuân thủ việc đi đúng làn đường, tốc độ, chấp hành đèn tín hiệu sẽ tạo ra môi trường giao thông văn minh, dòng xe trên đường vẫn đảm bảo. Việc này khi thực hiện đồng thời với điều chỉnh, tổ chức giao thông phù hợp sẽ giúp người dân thuận tiện đi lại và trật tự hơn.
Đánh giá tình hình giao thông trên địa bàn những ngày gần đây từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM nhận xét ý thức người đi đường được nâng cao hơn trước. Trong đó, tình trạng không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông như vượt đèn đỏ, rẽ phải khi đèn đỏ... đã hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, với mật độ xe ở thành phố rất lớn, trong khi nhiều đường hẹp, chưa đủ đáp ứng đến tình trạng xe dừng chờ kéo dài.
Do đó, ngoài việc điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông linh động theo thực tế, Sở Giao thông Vận tải cho biết đang rà soát để xem xét lắp đặt bổ sung các đèn tín hiệu giao thông cho phép một số loại xe được phép rẽ phải, trái (đèn hiển thị mũi tên màu xanh) tại một số giao lộ thuộc địa bàn quản lý. Giải pháp này sẽ góp phần hạn chế tình trạng ùn ứ.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, cơ quan này hiện quản lý gần 1.100 chốt đèn tín hiệu giao thông, trong đó 843 chốt tín hiệu hoạt động độc lập với thời lượng đèn thiết lập theo nhiều khung thời gian khác nhau trong ngày. Ngoài ra, khoảng 227 chốt ở các nút giao lớn được kết nối với trung tâm điều khiển. Hệ thống này luôn có người theo dõi, từ đó điều chỉnh thời lượng phù hợp từng thời điểm lưu lượng xe.
Dòng xe ùn tắc trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, chiều 9/1. Ảnh: Quỳnh Trần
Ngoài ra, để giảm ùn ứ giao thông, Sở Giao thông Vận tải đang thí điểm công nghệ Al trong hoạt động của đèn tín hiệu tại một số nút giao trọng điểm, như: Hàng Xanh, ngã năm Đài liệt sỹ, giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Gia Trí; điều khiển giao thông tự động cho trục Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ.
"Thời gian tới, Sở xem xét mở rộng ứng dụng công nghệ Al trong điều khiển đèn giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm thành phố và những địa điểm thường xuyên ùn tắc giao thông", đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết.
Trước đó, phương án lắp biển báo cho xe rẽ phải hoặc đi thẳng khi đèn đỏ cũng được TP HCM áp dụng ở một số giao lộ, dựa trên đặc thù về lưu lượng xe, các hướng rẽ qua nút giao nhằm hạn chế ùn tắc. Việc áp dụng chủ yếu cho xe máy.
TP HCM đang có hơn 10 triệu dân cùng mật độ giao thông xếp đầu cả nước. Thống kê đến cuối năm 2024, thành phố quản lý hơn 9,5 triệu xe các loại, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 8,5 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai từ nơi khác. Trong khi đó, mật độ đường giao thông ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 2,44 km mỗi km2, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10-13 km mỗi km2 khiến nhiều đường trở nên quá tải.
Đình Văn - Gia Minh
Nguồn: VNEXPRESS.NET