Thực tế, các cơ sở kinh doanh nhạy cảm có "chủ trương ngầm" cho nhân viên sử dụng phương thức mại dâm để kéo khách. Người cầm đầu đường dây có nhiều thủ đoạn lách luật để qua mặt cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của TPHCM về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn, tệ nạn này đang có dấu hiệu phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Nạn mại dâm tại TPHCM có sự xuất hiện của một số đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam góp vốn thành lập nhà hàng, khách sạn, karaoke, vũ trường... chuyên phục vụ cho người nước ngoài nhưng thực chất là hoạt động mại dâm trá hình.

Một thực trạng trong quản lý, xử lý tệ nạn này được TPHCM đưa ra là hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Bên cạnh đó, đối tượng hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, có nhiều hình thức lợi dụng kẽ hở của pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng.

1 Tphcm Cac Duong Day Mai Dam Dang Lach Luat Ra Sao

Trong năm 2022, TPHCM đã xử phạt 22 tỷ đồng với gần 1.400 cơ sở kinh doanh vi phạm lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội (Ảnh: Công an cung cấp).

Thủ đoạn đầu tiên được nhận diện là đối tượng chủ mưu cầm đầu (chủ cơ sở) không trực tiếp lộ diện mà thuê người quản lý, điều hành tổ chức đường dây mại dâm. Với chiêu trò này, khi các đường dây bị phát hiện, kẻ chủ mưu thường không có mặt tại cơ sở hoặc nếu có cũng không thừa nhận việc chứa chấp, môi giới mại dâm mà đổ lỗi cho người quản lý, nhân viên tự ý hoạt động.

UBND TPHCM cũng nêu rõ, trong thực tế, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đều có "chủ trương ngầm" hoặc cố ý khuyến khích, thậm chí "bật đèn xanh" cho nhân viên sử dụng phương thức mại dâm để lôi kéo khách, tăng thu nhập. Cơ quan chức năng rất khó xử lý các đối tượng này nếu không chứng minh được việc ăn chia trong hoạt động mại dâm, khiêu dâm, kích dục.

Ngoài ra, đối tượng tổ chức, môi giới mại dâm không trực tiếp ăn chia tiền bán dâm mà biến tướng thành nhiều khoản phí khác như cho vay, giới thiệu việc làm, nộp phạt do vắng mặt, tặng quà, mời đi du lịch... Việc che đậy hành vi chứa mại dâm và môi giới mại dâm gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Chính quyền thành phố nhìn nhận, quy định pháp luật hiện hành trong quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội đã lộ rõ nhiều nhược điểm, thiếu thực tế và kém hiệu quả. Một số vấn đề còn thiếu văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất xử lý hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính nên khi kiểm tra, phát hiện, các cơ quan còn khó khăn, lúng túng, thậm chí không xử lý được.

"Đây sẽ là những kẽ hở mà đối tượng mại dâm tiếp tục lợi dụng để hoạt động trong thời gian tới", UBND TPHCM chỉ rõ.

UBND TPHCM vừa báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả công tác phòng, chống mại dâm năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Cùng với sự phát triển kinh tế - văn hóa, các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, thiếu lành mạnh cũng phát triển với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Đặc biệt trong đó, UBND TPHCM nêu rõ, các loại hình mại dâm lợi dụng không gian mạng để hoạt động có xu hướng ngày càng gia tăng. Nổi lên hiện nay là việc các đối tượng sử dụng nhóm kín, diễn đàn kín để hoạt động.

Trong năm 2022, TPHCM đã phát hiện 1.554 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội. Gần 1.400 cơ sở đã bị phạt hành chính với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Các cơ quan chức năng cũng phối hợp công an các quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức 467 lượt truy quét mại dâm nơi công cộng, phát hiện 17 trường hợp bán dâm; triệt phá 107 vụ tại các cơ sở kinh doanh, phát hiện 251 người vi phạm, trong đó có 2 người dưới 18 tuổi.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC