Trời tối đen như mực, mưa như trút, nước sông cuồn cuộn dâng cao vượt báo động 2 rồi báo động 3,… hàng nghìn người dân Vũ Quang, Hương Sơn (Hà Tĩnh) trắng đêm vật lộn với nước lũ.
Ngày 16/10, khi đập thủy lợi Khe Mơ (xã Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã vỡ, gần một triệu mét khối nước của đập chảy hết, người dân nghĩ rằng nước sông sẽ không lên cao thêm. Nhiều người lục đục kéo về nhà dọn dẹp.
Tuy nhiên, đến khoảng 19h, nước sông Ngàn Phố đột ngột dâng cao, các xã của huyện Hương Sơn bị chia cắt, một số bị ngập chìm. Chỉ một giờ sau, toàn huyện chỉ còn lại 2 xã Sơn Hà, Sơn Tân và thị trấn Phố Châu là chưa bị ngập.
Lũ bất ngờ dâng cao khiến người dân trở tay không kịp, để mặc cho nhà cửa, tài sản bị nước dìm trong nhà, người dân các xã Sơn Hàm, Sơn Long, Sơn Thịnh, Sơn Bằng… hốt hoảng chạy lũ. Nhiều người dân chạy lên đường Hồ Chí Minh, dựng lán trại tạm, sau đó dắt trâu bò lên tránh lũ.
Đang hì hục dựng chiếc lán tạm trên đoạn Nầm (đường Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Thị Mai ở xã Sơn Long hoảng hốt nói qua hơi thở mệt nhọc: "Lũ lên đột ngột quá, chúng tôi trở tay không kịp. Lúa gạo, đồ đạc đều đã được gia đình đưa lên gác xép, nhưng nước ngập tới nóc, đành chịu. Mấy đứa con của tui gửi ở nhà anh em không ngập, cả làng tui đêm nay không ngủ, ai cũng lo chạy lũ, nhà lút nóc thì chạy sang nhà khác, nhà bị ngập thì chạy lên gác xép..."
Cùng cảnh ngộ như chị Mai, bà Nguyễn Thị Hà và hàng trăm hộ dân khác của xã Sơn Bằng cũng phải khuân đồ đạc từ chiều. Đến 12h đêm, trời mưa như trút, bà và cô con gái dắt mấy con bò của gia đình lên đường Hồ Chí Minh. "Chưa năm mô lụt như năm ni. Nhà tui ở trên cao mà vẫn ngập tới nóc, dân xã tui chạy lên đường mòn tránh lũ cả rồi", bà Hà nói trong lo sợ.
Chị Mai đã đưa được bò đến nơi an toàn nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng vì nước lũ.
Không chỉ lo di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, người dân Hương Sơn còn canh cánh nỗi lo vỡ đê. Đoạn đê bao ngăn lũ ở xã Sơn Long, nước đã tràn qua mặt đê, hơn 1.200 hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng nươm nướp lo sợ.
Đến 12h đêm, về cơ bản, người dân đã chạy lũ an toàn nhưng đồ đạc, thóc gạo và những tài sản có giá trị của hàng trăm hộ dân đều bị nước lũ nhấn chìm.
Tại huyện miền núi Vũ Quang, đợt lũ cách đây 1 tuần chưa kết thúc thì người dân phải đối mặt với trận lũ mới. 17h ngày 16/10, toàn bộ 12 xã của Vũ Quang đều ngập, nhiều xã bị chia cắt, hơn 3.000 nhà dân ngập chìm trong nước. Một số trụ sở ủy ban xã như Hương Thọ, Hương Minh, Đức Liên, Ân Phú,… nước ngập đến hơn một mét, người dân phải tá túc trên tầng 2 để tránh lũ.
Trước tình trạng nước lũ dâng cao, người dân Vũ Quang đã di tản khỏi những khu vực nguy hiểm như bờ sông, sườn núi. Dọc đường Hồ Chí Minh, trong bóng đêm đen kịt, trời mưa như trút, tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng gọi nhau ý ới chuyển đồ, tiếng trâu bò, lợn gà kêu lồng lộn,… đâu đâu cũng thấy cảnh người dân Vũ Quang chạy lũ.
Đến 23h đêm 16/10, khi công tác di dời dân cư đã được hoàn thành thì điện thoại của ông Phạm Quốc Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quang nhận được tiếng kêu cứu khẩn cấp của những hộ dân buôn bán ở xã Đức Bồng. Đây là những hộ dân sống bên đường cái, chủ quan vì nghĩ rằng nước sẽ không đến nơi, lại tiếc của, không muốn rời nhà tránh lũ nên khi nước dâng bất ngờ thì trở tay không kịp.
Lực lượng quân đội được điều đến trong đêm để cứu dân ở xã Đức Bồng.
Ngay lập tức, phương án ứng cứu được triển khai, hai chiếc thuyền cao tốc của bộ chỉ huy quân sự huyện cùng những chiến sĩ quân đội kinh nghiệm nhất được huy động để đến Đức Bồng để vừa vận động, vừa giúp người dân di chuyển. Hai chiếc xuồng cao tốc luồn lách như con thoi ứng cứu. Đến 1h sáng 17/10, những người dân bị ngập của xã Đức Bồng được đưa đến nơi an toàn.
Đến sáng nay, trời vẫn mưa không dứt, nước các sông đều đã vượt báo động 3, riêng tại Hòa Duyệt vượt đến gần 2 mét, hơn 2.000 hộ dân Vũ Quang đã được sơ tán nhưng nước vẫn cuồn cuộn dâng, đỉnh lũ đã vượt mức lịch sử năm 2002, hàng chục ngàn người dân vẫn nươm nướp lo sợ...
Theo thống kê sơ bộ, đến sáng 17/10, tại Hà Tĩnh có 143 xã của 12 huyện, thành thị bị ngập. Tỉnh này đã di dời hơn 6.000 dân. Trong nước lũ, ông Nguyễn Văn Sự ở xã Thuận Thiên, huyện Can Lộc bị nước cuốn trôi, vẫn chưa tìm thấy xác.
Theo VnExpress.