Một luật sư bình luận với BBC rằng vụ khách hàng của Eximbank mất 245 tỷ đồng "không có lý do gì phải chờ phán quyết của tòa thì mới bồi thường."

Tranh cãi vụ mất 245 tỷ ở Eximbank - 0

Eximbank thông báo họ "đang gặp gỡ và làm việc với khách hàng để sớm tìm giải pháp phù hợp" về vụ việc này

Vụ bà Chu Thị Bình, khách hàng mất 245 tỷ đồng sau khi gửi tiền tiết kiện tại ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa ngã ngũ về giải pháp bồi thường thiệt hại sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên bế tắc.

Phía ngân hàng được ghi nhận đòi "chờ phán quyết của tòa thì mới bồi thường" trong lúc bà Bình "không muốn ra tòa mà đòi trả tiền ngay."

Bà Bình được ghi nhận là khách VIP, gửi tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tại Eximbank trong các năm 2014-2016 và phát hiện 245 tỷ đồng trong số này "bốc hơi" hồi năm ngoái.

Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn Cơ quan cảnh sát điều tra cho hay, ông Lê Nguyễn Hưng, cựu phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh "đã lập chứng từ giả mạo, chiếm đoạt số tiền hơn 245 tỷ đồng liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Bình sau đó nghỉ việc, bỏ trốn."

Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt hôm 8/3, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: "Theo tôi, về mặt pháp lý thì không có lý do gì phải chờ phán quyết của tòa thì Eximbank mới trả."

"Vì rõ ràng, khách hàng vẫn đang nắm giữ sổ tiết kiệm chưa tất toán thì đương nhiên có giá trị pháp lý để rút tiền."

"Còn việc tiền trong tài khoản của khách hàng tự dưng bị mất đó là chuyện của ngân hàng."

"Ngân hàng quản lý yếu kém dẫn đến mất tiền của khách hàng thì ngân hàng chứ không phải kẻ chiếm đoạt tiền chịu trách nhiệm trước khách hàng."

"Khách hàng gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải gửi tiền cho cá nhân cán bộ ngân hàng. Trong trường hợp này người bị hại là ngân hàng chứ không phải là khách hàng."

Tranh cãi vụ mất 245 tỷ ở Eximbank - 1

Vụ việc đang gây chú ý

'Tỉnh táo'

Luật sư Sơn cho biết thêm: "Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong tình huống như thế, khách hàng cần phải tỉnh táo để không bị cuốn vào một vụ án hình sự không lối thoát như thế."

"Khách hàng chỉ cần căn cứ vào hợp đồng mở và sử dụng tài khoản, thẻ tiết kiệm mà yêu cầu ngân hàng trả tiền gốc, lãi và bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc chậm trả đó."

"Nếu ngân hàng không thanh toán thì khởi kiện một vụ án kinh tế để yêu cầu ngân hàng trả tiền lãi, tiền gốc và bồi thường thiệt hại."

"Trong quá trình khởi kiện, khách hàng có thể yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ngân hàng phải trả cho mình trước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà ngân hàng đang giữ để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra."

"Trong trường hợp ngân hàng cố tình đưa vấn đề hình sự vào nhằm kéo dài thời hạn xét xử vụ án thì khách hàng có thể yêu cầu tòa án tách phần hình sự để giải quyết sau. Bởi việc giải quyết vấn hình sự không ảnh hưởng đến vấn đề dân sự."

Cũng trong hôm 8/3, Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh công khai văn bản công bố thông tin do ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank viết: "Về đề nghị của bà Bình, Eximbank đang gặp gỡ và làm việc với khách hàng để sớm tìm giải pháp phù hợp, hợp tác với Cơ quan Cảnh sảnh sát điều tra - Bộ Công an trong suốt quá trình điều tra và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, báo cáo Ngân hàng Nhà nước."

"Eximbank sẽ công bố thông tin khi có phán quyết có hiệu lực pháp luật của cơ quan tố tụng," văn bản của ngân hàng này viết.

Nguồn: BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC