Trẻ ốm nằm hành lang, bà đẻ chờ... nước sạch_0

“Đau đẻ chờ sáng trăng”, đó là câu tục ngữ dùng để chỉ việc sinh nở của phụ nữ là không thể trì hoãn, như hoa đến kỳ hoa mãn khai. Ấy vậy mà ở Hà Nội đang có chuyện cười ra nước mắt, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ phải ngừng nhận bệnh nhân vì thiếu nước sạch.

TS.

Nguyễn Duy Ánh- Giám đốc Bệnh viện cho biết, từ cuối tuần trước đến ngày 30/9, suốt 4 - 5 ngày nay, bệnh viện bị mất nước, kể cả nguồn nước sạch dự trữ phục vụ cho hoạt động chuyên môn cũng hết. Bệnh viện đã phải mua các xe stec nước nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu, đành phải từ chối bệnh nhân mổ sinh.

Thế là đường ống nước sông Đà lại có thêm một “chiến tích” mới, ngoài việc làm cho người khỏe lao đao, nay danh sách nạn nhân lại có thêm cả người ốm của các Bệnh viện 198, Bệnh viện Thận và Bệnh viện Phụ sản.

Thật là chua xót cái cảnh mất nước không chừa một ai, bác sĩ, bệnh nhân thay vì tập trung cứu chữa thì nay còn phập phồng lo toan chuyện nước sạch. Các xe tiêm được mang đi vận chuyển nước, người nhà đi xách nước phục vụ bệnh nhân, bác sĩ cũng phải lăn ra đi hứng nước. Những hình ảnh ấn tượng này chắc chỉ có trong thời chiến, khi bom đạn mù trời.

Đó là chuyện cùa Hà Nội. Còn ở TP Hồ Chí Minh, báo chí cho biết tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ đến khám bệnh gần đây tăng kỷ lục. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều khoa ngay cả hành lang cũng không còn chỗ cho bệnh nhi nằm. 

Người nhà tranh nhau từng vuông diện tích hành lang, trải chiếu dưới, căng chiếu trên để che nắng cho bệnh nhi nằm. Trong phòng bệnh, trẻ nằm chật như nêm. Quang cảnh cũng y như bệnh viện dã chiến thời bom rơi đạn lửa.

Trẻ ốm nằm hành lang, bà đẻ chờ... nước sạch_1  

Những nhu cầu thiết yếu về nước nôi, chữa bệnh của người dân 2 thành phố lớn nhất nước đang như thế đấy. Đọc báo mà thấy xót lòng. Vì đâu đến mức sản phụ phải...nhịn đẻ vì thiếu nước sạch? Vì sao đến mùa dịch bệnh, trẻ em ốm đau thì chỗ nằm ngoài hành lang cũng không có?

Tất cả chỉ do sự yếu kém trong việc quản lý các nguồn lực xã hội. Những công trình hàng trăm tỷ xây rồi bỏ hoang như nhà hát ở huyện Đan Phượng (Hà Nội), những cây cầu xây xong có 2 hộ đi ở Hà Tĩnh, cầu vừa làm xong đã sập ở Long An... Giá như tiền thuế của dân không bị rơi rụng vào những cái “lỗ hà lỗ hổng” ấy, dân có khổ đến mức này không?

Đường ống nước sông Đà trị giá tới 1.500 tỷ đồng, đưa vào sử dụng chưa tới 3 năm đã vỡ tới 15 lần, đến mức người dân chán ngán không buồn đếm nữa. Chỉ một công trình sai lầm đó thôi, nhưng mức độ ảnh hưởng của nó đến xã hội thì không biết đến đâu mà kể. Các bệnh nhân ở hàng loạt bệnh viện bị ảnh hưởng ấy, nói dại nhỡ có mệnh hệ gì, gia đình họ có quyền khởi kiện không? Mà biết kiện ai, chả nhẽ đi kiện cái đường ống vô tri vô giác?

Lại nhớ đến chuyện mạng xã hội đang xôn xao với phát ngôn của ông Giám đốc Sở GTVT TP HCM giải thích báo cáo của Ban an toàn giao thông TP.HCM cho biết: Trên địa bàn thành phố không xảy ra ùn tắc hơn 30 phút mà chỉ có 18 vụ... ùn ứ.

“Ùn tắc” trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là “ùn ứ”, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được.

Học theo cái tiêu chí lạc quan để phân loại “ùn tắc” và “ùn ứ” này của các cán bộ, người dân có lẽ cũng nên vui vẻ hơn. Vì tuy phải nằm hành lang nhưng bệnh nhi vẫn còn được nằm trong bệnh viện. Tuy rằng tắc đầu ra, không được đẻ ở viện phụ sản vì thiếu nước sạch nhưng em bé vẫn nhúc nhích, “ùn ứ” trong bụng mẹ.

Vì thế mà vẫn không sao (?!).  

  • Mi An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC