Cuối cùng thì chẳng ai biết nguồn gốc biệt phủ trên khu đất rộng hơn 13.000 mét vuông ở TP Yên Bái của cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái - ông Phạm Sỹ Quý - từ đâu mà có.
Chỉ biết chắc một điều, nó không thể được xây bằng tiền nuôi lợn, buôn chổi đót, bán lá chít - như chủ nhân đã từng lý giải.
Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ nói không có thẩm quyền truy nguyên tài sản của ông Quý và cũng không kiến nghị điều tra vì chưa thấy có dấu hiệu tội phạm.
Vậy chẳng lẽ tất cả các cơ quan chức năng đưa mắt nhìn nhau, chẳng ai có chức năng và nhiệm vụ làm rõ chuyện này cả hay sao?
Nghĩa là, cán bộ - công chức - viên chức kê khai tài sản bao nhiêu thì hay bấy nhiêu; có thanh - kiểm tra thì cũng chỉ đánh giá được trung thực hay không trung thực; còn tài sản đó chân chính hay bất chính thì chịu?
Cái điều muôn dân muốn biết thì lại không ai giúp được họ có thông tin. Thế thì các ban, các bệ lập ra thật nhiều để làm gì cho tốn ngân sách nhà nước, cho tốn sức dân nuôi?
Những ngày qua, chúng ta còn nghe thêm một chuyện bức xúc khác:
Giáo viên mầm non Trương Thị Lan (Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) "ngã khuỵu" khi nhận thông báo mức lương hưu sau 37 năm cống hiến cho ngành là 1,3 triệu đồng.
Theo lời kể của hiệu trưởng thì nhiều giáo viên nhà trường thấy vậy cũng chỉ biết ôm nhau mà khóc, mà động viên nhau.
Các cơ quan liên quan đã lên tiếng giải thích bằng cách đưa ra quy định và phép toán, theo đó mức lương hưu cô Lan hưởng là hoàn toàn đúng với mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng.
Không riêng Hà Tĩnh với hơn 200 giáo viên mầm non đang hưởng lương hưu đì đẹt, hiện cả nước có hàng ngàn trường hợp cũng như thế.
Ai cũng bảo đúng quy định, đúng luật... nhưng thử nghĩ xem: Họ sống ra sao với từng ấy thu nhập sau hàng chục năm trời vắt kiệt sức cho giáo dục, cho tương lai đất nước? Giả sử mỗi người có 1-2 con đang ăn học thì lấy gì nuôi, đóng học phí vốn ngày càng tăng chứ không giảm?
Bảo hiểm xã hội là phải lo được cho người ta khi hưu trí, về già, mất sức lao động; còn không thì chả có ý nghĩa gì mấy. Đó là chưa nói đến chuyện cách tính khá vô lý khi không bù trượt giá trong hàng chục năm trời.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói ông "rất trăn trở" về trường hợp cô Lan và sẽ đề xuất đưa lương hưu giáo viên vào Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới. Như vậy là đủ thấy Luật Giáo dục đã thiếu sâu sát với... giáo dục như thế nào!
Sẽ còn "trăn trở", còn "đau" nhiều lắm nếu sắp tới đây hàng trăm, hàng ngàn giáo viên "văng" ra khỏi biên chế theo dự tính sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chắc chắn, nhiều "người đưa đò" sẽ "ngã khuỵu" và "nằm lăn ra đất" như cô giáo Trương Thị Lan vì bế tắc trước cuộc sống.
Chính sách là do con người làm ra, yêu cầu của nó là công bằng và phù hợp thực tế. Sự tiến bộ của chính sách không chỉ thể hiện ở độ đúng đắn mà còn là tính nhân văn cao cả.
Lương hưu giáo viên mầm non - nghề rất cực nhọc - ở mức cực thấp là chuyện cũ, hầu như các ban, ngành hữu quan đều biết xưa nay rồi. Biết nhưng có thấu cảm không, có hành động không?
Nói chung, ý chí con người quyết định tất cả. Ví dụ như tinh giản biên chế, nói hoài mà làm không được là do thiếu quyết tâm, sợ đụng chạm hoặc chẳng muốn làm, miệng nói không đi đôi với tay làm.
Cũng như vậy, tăng lương hưu giáo viên mầm non hay làm rõ nguồn gốc tài sản khủng của cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái là những chuyện khả thi. Có thể làm được nhưng vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi!
Nguồn: HOÀI PHƯƠNG
Báo Người Lao Động