Triệu người dạo chơi trong "Đêm Hồ Gươm lung linh"Người dân Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế nô nức đổ về khu vực Bờ Hồ từ 4h chiều, dạo chơi phố cổ và chờ xem lễ hội ánh sáng, trình diễn áo dài ba miền trong chương trình nghệ thuật tối khai mạc Đại lễ nghìn năm.

Chiều 1/10, trên các con đường đổ về quận Hoàn Kiếm ngân vang những bài hát về Hà Nội. Khác với những lo lắng trước đó, đường phố sạch sẽ, thoáng đãng và có rất nhiều cảnh sát giao thông, các tình nguyện viên tham gia giữ gìn trật tự. Ngày khai mạc đại lễ đúng dịp cuối tuần nên mọi người có cơ hội dạo chơi từ sớm. Không chỉ nam thanh nữ tú mà cả các cụ ông, cụ bà, du khách đều tập trung về các khu vực Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn để chụp ảnh. “Bình thường tôi vẫn đi qua đây hằng ngày nhưng không hiểu sao hôm nay tự nhiên lại thấy Nhà hát Lớn đẹp lạ” - Hoàng Lan, cô sinh viên 19 tuổi mê mải tạo dáng cho bạn trai chụp ảnh, cười rạng rỡ. Không ít đôi vợ chồng già nắm tay nhau đi ngắm cảnh, đợi xe điện có hình rồng trên nóc tới để đi dạo quanh khu phố cổ.

Số lượng ghế đá đặt quanh Bờ Hồ đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn không thấm vào đâu so với lượng người đổ về trung tâm thành phố. Những chỗ có thể ngồi đều được mọi người tận dụng, dù là viền đá bãi cỏ, thanh sắt chắn vườn hoa hay bậc thềm Hồ Gươm. Từng đoàn người tràn xuống đường đi như trảy hội. Những điểm trông xe quanh phố Đinh Lễ - Cầu Gỗ tăng giá từ 30 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng nhưng vẫn không còn chỗ cho khách. Nhiều người đánh liều dựng xe trên vỉa hè khiến đội cảnh sát cơ động khá vất vả mới có thể yêu cầu dời đi. Đoàn người cũng tràn cả vào khu vực trình diễn thời trang hai bên cầu Thê Húc khiến Ban tổ chức không thể trải được chiếu dù giờ diễn sắp đến gần. Cuối cùng, lực lượng an ninh đành ứng phó bằng cách chăng dây thừng để người dân đứng ngoài xem, tránh chen lấn xô đẩy.

Triệu người dạo chơi trong

Do quá đông khán giả, Ban tổ chức "Đêm Hồ Gươm lung linh" phải căng dây làm rào chắn.

Nhạc công đường phố Tạ Trí Hải có mặt tại Bờ Hồ từ buổi chiều. Nghệ sĩ gốc Hà Nội cho biết, ông từ TP HCM trở về để tham gia đại lễ. Mấy hôm nay, ông vẫn rong ruổi quanh Bờ Hồ chơi nhạc ngẫu hứng, thỉnh thoảng mời người xem cùng hát cho vui. Khi Tạ Trí Hải đang say sưa chơi một bản nhạc về Hà Nội bằng cây đàn violon trước cổng đền Ngọc Sơn cho rất nhiều khán giả trẻ, nhân viên an ninh yêu cầu ông di chuyển địa điểm biểu diễn vì không gian gần đền Ngọc Sơn bị cấm qua lại để chuẩn bị cho đêm khai mạc. Chuyển qua bãi cỏ gần đó, nhưng chưa chơi xong bản “Trống cơm”, ông lại bị mời đi lần nữa vì “không được tụ tập quá đông người trong dịp này”. Người nghệ sĩ đường phố vẫn không nản lòng, đi tiếp nửa vòng Hồ Gươm tìm chỗ thoáng đãng hơn để tiếp tục chơi nhạc.

Triệu người dạo chơi trong

NSƯT Lê Mai trong hình ảnh một người phụ nữ Hà Nội truyền thống tại sân khấu trình diễn Áo dài ba miền.

18h30, một cơn mưa rào ập xuống khiến mọi người đều hốt hoảng. Những người cẩn thận mang theo ô ngồi dọc bên Bờ Hồ, trong khi số còn lại tìm chỗ trú dưới các gốc cây lớn. Sân khấu và ghế ngồi khu vực tượng đài Thái Tổ Lý Công Uẩn và chiếu trải sàn catwalk trình diễn thời trang khu vực đền Ngọc Sơn đều ướt sũng. Rất may cơn mưa chỉ kéo dài 20 phút. Nhiều người dân trầm trồ mừng rỡ: “Đúng là được trời thương”.

19h, đường Tràng Tiền ngăn xe chỉ dành cho người đi bộ. Hàng nghìn người chen vai đi dọc con đường quanh Hồ Gươm thơ mộng, mang máy ảnh cá nhân, điện thoại ra quay phim chụp ảnh. Cụ bà Nguyễn Thị Hoa, 90 tuổi, ở Ô chợ Dừa được con gái đẩy đi trên xe lăn say sưa ngắm không khí tưng bừng của Hồ Gươm. “Ở lứa tuổi của tôi không nhiều người được chứng kiến ngày trọng đại này. Đây quả là một niềm hạnh phúc rất lớn với những con người sinh ra và gắn bó cả cuộc đời mình với mảnh đất ngàn năm văn hiến này” - cụ móm mém tâm sự. Người đẹp Vũ Thu Hà, top 10 Hoa hậu Việt Nam, cũng hãnh diện vì mình là con gái Hà Nội. “Tôi vinh dự là một trong số những người mẫu được tham gia lễ hội “Đêm Hồ Gươm lung linh”. Tôi cảm thấy đã đóng góp chút gì cho lễ hội thiêng liêng này. Tôi tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, được thể hiện lòng yêu Hà Nội của mình với bạn bè bốn phương” - cô chia sẻ.

Không chỉ có người Hà Nội mới hào hứng với đại lễ mà người dân cả nước đều hãnh diện được có mặt trong không khí lịch sử này. Hương Giang - Hoa hậu đẹp nhất châu Á - cho biết, không phải con gái gốc Hà Nội nhưng cô vô cùng háo hức. “Tôi cho rằng, trong những ngày này không chỉ người thủ đô mà tất cả nhân dân Việt Nam đều hướng về Hà Nội. Tôi đã diễn rất nhiều chương trình văn hóa nhưng có mặt trong “Đêm Hồ Gươm lung linh” là điều rất đặc biệt. Tôi đi xích lô từ khu phố cổ ra đây, không khí trên đường phố thật nhộn nhịp, cảm giác như ngày tết vậy. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời” - người đẹp cười đầy hào hứng.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Mai cũng không phải là một người con Tràng An, nhưng lớn lên ở Hà Nội và từng tham gia rất nhiều bộ phim về phụ nữ Hà Nội. “Theo tôi, Hà Nội với Hải Phòng quê tôi hay những vùng miền khác có thể có khoảng cách về cây số nhưng con người thì thì không xa cách. Hà Nội ở trong trái tim cả nước. Tôi lấy Trần Tiến - một người Hà Nội gốc, sinh trưởng ở phố Quán Thánh. Tôi giáo dục ba cô con gái với đúng những phẩm chất của người phụ nữ Hà Nội” - bà hãnh diện khoe. Một niềm tự hào nữa của bà là được đóng cảnh kết thúc trong “Nếp nhà” - bộ phim đang chiếu mừng nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Trong phim, bà vào vai một bà Việt kiều ở Pháp về dự Đại lễ. “Khi có người bạn hỏi: “Tôi không ngờ gặp bà ở đây”, nhân vật của tôi đáp: “Nếu những ngày trọng đại này mà tôi không có mặt thì tôi chết không nhắm mắt. Nó giống hệt như tâm trạng của tôi bây giờ” - Lê Mai cười mà trên mắt ngân ngấn nước.

Triệu người dạo chơi trong

Anh Herbert Mickan (áo đỏ) cùng 3 người bạn đến từ Hannover, Đức.

Giữa những người dân Việt Nam đang nô nức trong không khí chào đón ngày trọng đại của dân tộc, các vị khách du lịch cũng háo hức không kém. Anh Herbert Mickan (Hannover, Đức) cùng nhóm bạn thích nhiếp ảnh dạo chơi ở bờ hồ Hoàn Kiếm khi xung quanh hồ đã bắt đầu lên đèn. Anh dừng lại mua một chiếc băng đô màu đỏ có dòng chữ “Tôi yêu Hà Nội”. Herbert cho biết, anh cùng nhóm bạn đến Việt Nam vì được biết đây là dịp “sinh nhật Hà Nội 1000 tuổi”. “Vô cùng thú vị” - nhóm nhiếp ảnh đến từ Đức nhận xét khi ngắm cảnh Hồ Gươm lung linh ánh đèn.

“Rất đông! Đông không thể tưởng tượng được! Tôi từng ở đây vào các ngày cuối tuần nhưng chưa bao giờ thấy nhiều người như thế này”, chị Fatima Lourdes đến từ Tây Ban Nha nhận xét. Chị cùng cả gia đình gồm chồng Andrés và hai con gái Maria, Silvia cùng đến Hà Nội. Cô con gái nhỏ Silvia đã 4 tuổi nhưng vẫn thích ngồi xe nôi để bố đẩy đi dạo xung quanh Bờ Hồ.

Rất nhiều người nước ngoài, trong đó không ít gia đình với đầy đủ thành viên, cùng nhau sang Việt Nam, dạo chơi ngắm cảnh Hà Nội tối khai mạc đại lễ nghìn năm. Sau đó, họ còn kế hoạch thăm thú nhiều địa danh khác ở Việt Nam, anh Mickan và các bạn muốn đi Huế, còn gia đình chị Lourdes định đi Hội An, Đà Nẵng.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc bày tỏ cảm xúc về ngày khai mạc khi đang đợi xem truyền hình trực tiếp “Đêm Hồ Gươm lung linh” tại nhà riêng: “Đúng là trời chiều lòng người, dự báo thời tiết là sẽ có mưa nơi này nơi kia, nhưng ở Hà Nội chỉ mưa nhỏ lúc 5h sáng như thể để rửa đền rửa chùa, rửa sạch tượng Lý Công Uẩn để chào mừng đại lễ. Sáng khai mạc phải nói là tuyệt vời”. Đánh giá tổng quan ngày đầu tiên của đại lễ, ông Phúc tự hào: “Tôi nghĩ mình đã đúng”. Trước đây, nhà Hà Nội học từng nói, đại lễ sẽ là dịp đánh thức phần đẹp nhất trong tâm hồn con người để họ tự điều chỉnh sao cho xứng với tổ tiên. Ông nhận xét, đường Hà Nội hôm nay đông nhưng không có va chạm xe cộ, không có gì không đẹp mắt xảy ra, mọi người cư xử thân thiện với nhau. Nguyễn Vinh Phúc hình dung, khoảng 100 năm nữa, tức là khi chúng ta kỷ niệm 1100 năm Hà Nội, dấu ấn của sự kiện 1000 năm hôm nay hẳn vẫn còn nguyên.

Theo VnExpress.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC