Hai máy xúc đang tham gia xây dựng ở đảo Ba Bình vào tháng 3 năm 2016 - Sam Yeh/AFP
Tờ Thanh Niên loan tin trên trong ngày 12/2 dẫn nguồn từ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát nội dung bản tin trên trong ngày 8/2/2023.
Tờ South China Morning Post ngày 11/2 cho biết thêm các siêu thị trên được đặt tại các căn cứ quân sự trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa.
Siêu thị đầu tiên được khai trương vào cuối năm 2020 trên đá Chữ Thập, cho phép các binh sĩ Trung Quốc đóng trú phi pháp ở đó mua nhu yếu phẩm hằng ngày, thay vì chờ tàu tiếp tế mỗi tháng. Siêu thị trên đá Chữ Thập còn có góc đọc sách, quán cà phê, phòng giặt ủi và phòng karaoke, theo PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Hôm 20/12/2022, hãng thông tấn Bloomberg đưa tin Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trên các thực thể theo tên gọi của Việt Nam là Đá Ba Đầu, An Nhơn, Tri Lễ và Đá Én Đất ở quần đảo Trường Sa vốn đang tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines và Đài Loan.
Thạc sỹ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, cùng ngày nói với RFA rằng cùng với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây từ nhiều năm trước, Bắc Kinh sẽ sử dụng các đảo mới này để đe doạ Việt Nam, và cả Philippines. Nhà nghiên cứu này dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động hung hăng để khẳng định chủ quyền phi pháp của mình ở Trường Sa và Biển Đông trong thời gian tới.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng bảy thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp trong quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo phi pháp. Đến năm 2015, Bắc Kinh nói đã ngừng hoạt động bồi đắp đất ở Biển Đông, nhưng theo tin từ the South China Morning Post, Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố những thực thể đó bằng các căn cứ quân sự tiên tiến cũng như hệ thống tên lửa, radar, đường băng và máy bay chiến đấu.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cũng xác nhận, Trung Quốc đã phát triển ít nhất bảy đảo nhân tạo ở Biển Đông với tổng diện tích 1.295 ha kể từ năm 2013, Việt Nam cũng phát triển nhưng chưa đến 20% của số này.
Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc John C. Aquilino cho biết vào tháng 3/2022 rằng ba trong số đó - Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi và Chữ Thập - dường như được quân sự hóa hoàn toàn và được trang bị hệ thống tên lửa cũng như máy bay chiến đấu.
Hôm 25/10/2022, nhiếp ảnh gia Ezra Acayan của Getty Image đã tiếp cận được các chuyến bay gần một số đảo đá mà Trung Quốc đã cải tạo và biến thành các căn cứ quân sự có các trạm radar, đường băng và các cơ sở pháo binh. Những bức ảnh được chụp vào ngày 25/10 vừa qua cho thấy một khía cạnh khác của các đảo nhân tạo của Trung Quốc - những nơi hầu như từ trước đến nay chỉ được biết đến qua ảnh vệ tinh.
Các bức ảnh của Getty cung cấp thông tin chi tiết về các cơ sở của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trên các bãi đá Vành Khăn, Ga-ven, Subi, Châu Viên, Chữ Thập và Tư Nghĩa - sáu trong số 15 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng.
Nguồn: RFA