Trung thu mỗi thời mỗi khác và ăm ắp, sum suê hơn theo năm tháng. Dẫu vậy, Trung thu năm nào vẫn có ánh trăng ấy, tròn trịa, hồn nhiên, tỏa sáng bao niềm vui thơ dại.
Em thân yêu!
Hẳn là suốt một tháng qua em vẫn mong đợi từng ngày Trung thu tới. Nghe mẹ kể, em vẫn thường kiễng chân, nghển cổ trước quyển lịch, đếm xem còn bao nhiêu tờ lịch nữa mới tới tờ 15/8 âm. Em vẫn nũng nịu: “Chị nhớ mua đèn lồng và bánh nướng cho em”.
Em vẫn tối tối cùng bọn trẻ trong xóm ríu ran tập múa tập hát, kì cạch làm con sư tử cho đêm rằm. Các em xúm xít quanh đống khung tre, hồ dán, phẩm màu. Các em ồn ã cãi nhau “cái bờm sư tử còn ngắn”, “cái đầu phải to hơn chứ!”, “chỗ này phết giấy màu vàng hay đỏ?”,… Các em quệt phẩm lên người nhau, trêu đùa ồn ã một góc sân nhà ta, khuôn mặt lem nhem đầy vẻ háo hức.
Mẹ kể có lần đang tập múa lân trời chợt đổ mưa. Mưa thấm ướt lỗ chỗ trên đầu con sư tử chưa khô keo dán.Cái bờm nó ướt, đầu thủng một lỗ. Vậy là em khóc. Em thương con sư tử, em lo đêm rằm thiếu ánh trăng. Trong giấc mơ hàng đêm của em, chị biết, vẫn có bóng ông trăng tròn, vàng tươi, lung linh mỉm cười ngoài cửa sổ.
Em thân,
Chẳng phải riêng em đâu, chị cũng có niềm mong ước, sự háo hức và nỗi lo lắng ấy. Tuổi hai mươi, chị vẫn tìm về thời bé dại của mình trong ánh trăng rằm của các em.
Chị thấy mình hồi cấp I, cấp II, khi còn ở nhà, vẫn nằng nặc đòi ông chặt tre, vót dùng để “cháu làm một cái đèn thật to, to hơn cái đèn của thằng Huy, thằng Đạt”. Chị vẫn lén đổ xà phòng ra bát, để trộm của mẹ cái hộp đựng, vẫn cắt cắt xẻ xẻ nó thành cái đèn lồng mỗi dịp trung thu.
Chị vẫn cặm cụi bóc từng hạt bưởi, xâu từng chuổi dài, phơi khô để đốt đêm rằm. Chị vẫn cùng lũ bạn hì hụi ngồi chế mấy cái mặt nạ từ những mảnh bìa, vẫn tha tấm khăn, bộ quần áo nâu của ông ra cải trang thành chú Cuội trước gương.
Chị vẫn thấp thỏm hết chạy ra ngõ lại chạy vào sân, ngóng bà đi chợ về vào những trưa 15/8 âm lịch, để rồi reo lên khi bà mang về một quả dừa, hay một gói cốm thơm giòn. Kể cũng lạ, ngày nào bà cũng đi chợ, cũng mua quà, nhưng dường như những thức quà Trung thu luôn có một phong vị riêng.
Trung thu mỗi thời mỗi khác nhưng sự háo hức ngày Rằm tháng Tám luôn còn nguyên ở các bé.
Chị vẫn nhớ những chiều hôm rằm, trước khi đi làm đồng, bà dặn: “Khi nào nghe tiếng kẻng thì ra ngoài đình nhận bánh đấy!”. Chị vẫn nhớ trên mảnh sân đình, trẻ con cầm đủ các loại đèn (chủ yếu là tự tạo) lăng xăng chạy nhảy. Trong đình, bác trưởng xóm cầm loa, cất giọng rè rè, gọi tên từng đứa vào lấy quà trung thu. Chỉ là cái bánh nướng với vài ba cái kẹo nhưng sao thật thích.
Chị vẫn mơ một mâm cỗ sum suê, có bánh dẻo, bánh nướng nhân mỡ, nhân lạc thơm ngậy, có gói cốm xanh ủ trong lá sen, có tấm bánh đa kẹp dừa vừa bùi lại vừa giòn. (Bây giờ thì chẳng cần mơ điều ấy nữa phải không em?).
Chị cũng hí hoáy viết ước mơ của mình lên giấy, thả xuống cái bè chuối tự tạo, thầm hi vọng cái bè sẽ trôi từ con sông trong làng tới sông Ngân. Từ sông Ngân ước mơ của chị sẽ được vị thần nào đó đưa đến cung trăng, như bà vẫn bảo
Cũng có năm mưa lũ, cái ngõ nhà mình ngập nước qua đầu gối, vầng trăng gặp nước ỉu xìu, nhợt nhạt, lấp mình trong mây đen. Chị thả cái bè ước mơ đầu ngõ, lòng phấp phỏng lo không có trăng sáng chỉ đường, mơ ước trôi lạc góc nào chăng!
Đã hơn năm năm, chị bước qua thời “thơ dại”. Còn hơn năm năm, em được tận hưởng Trung thu dành cho lứa tuổi mình. Trung thu mỗi thời, mỗi nơi mỗi khác, và càng ăm ắp, sum suê hơn theo năm tháng.
Dẫu vậy, trung thu năm nào vẫn có ánh trăng ấy, tròn trịa, hồn nhiên, tỏa sáng bao niềm vui. Tuổi thơ chị, rồi tuổi thơ em đều lặn vào trong vầng trăng cổ tích ấy. Tuổi thơ không mất đi, tuổi thơ sẽ lớn lên trong ánh trăng tròn.
Theo Dân trí.