Trung thu về trên phố Hàng Mã Có lẽ ít có con phố nào ở Hà Nội mà mỗi dịp trung thu về lại tấp nập và náo nhiệt như phố Hàng Mã. Không chỉ nhộn nhịp kẻ bán người mua, cả con phố dường như sáng rực lên bởi những món đồ chơi nhiều màu sắc.

Đến phố Hàng Mã vào những ngày cận kề tết Trung thu, tình trạng ứ nghẹt người xe diễn ra liên tục. Khung cảnh nhộn nhịp ở đây chẳng khác gì những phiên chợ quê trong những ngày giáp tết âm lịch.

Những năm gần đây, trên phố có sự xuất hiện ngày càng nhiều của những đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên những món đồ trung thu đậm “chất” Việt Nam cũng được bày bán khá phổ biến. Từ những chiếc mặt nạ giấy bồi vẽ mặt chú ỉn hiền lành, mặt ông địa, đầu sư tử, còi quay, đèn gù… đến những căn nhà treo toàn đèn lồng Việt Nam, đèn kéo quân đủ loại to nhỏ, đèn ông sao rực rỡ sắc màu. Hòa lẫn trong dòng người tấp nập là tiếng trống tung tung cắc vang lên từ một cửa hàng bán trống.

Đã từ nhiều thế hệ, phố Hàng Mã là điểm đến của cả trẻ em và người lớn vào mỗi dịp Trung thu. Đây là dịp để trẻ em được sở hữu những món đồ chơi còn người lớp có dịp hồi tưởng về những kỷ niệm ngày ấu thơ. Âm thanh rộn rã của tiếng trống bỏi, trống da, tàu thủy sắt, sắc màu rực rỡ của đèn ông sao, ông sư, đầu lân… đã trở thành ký ức tuổi thơ quen thuộc của đa số người Hà Nội. 

Lịch sử bán hàng mã và đồ chơi đã xuất hiện từ lâu đời trên phố Hàng Mã. Ngày xưa đây là đất thuộc thôn cũ Vĩnh Hanh và Yên Phú, hai thôn xưa cách nhau bằng con sông Tô Lịch, sông đã bị lấp nên hai đoạn phố ở hai bên bờ đối diện tưởng như liền với nhau. Thời Pháp, đặt một tên chung là Rue du Cuivre (Hàng Đồng). Dân ở phố này có một số gia đình người làng Tân Khai dọn đến mở cửa hàng bán giấy và đồ mã nhỏ, đó là đồ hàng giấy để trang trí (hoa giấy, đèn giấy các kiểu...) và đồ mã để cúng lễ (mũ thổ thần, mũ ông Táo, vàng giấy...). 
 
Trung thu về trên phố Hàng Mã _0
Phố hàng mã xưa

Ngoài những mòn đồ rực rỡ sắc màu, Hàng Mã còn nổi tiếng với kiến trúc nhà đặc trưng cho phố cổ Hà Nội. Bao gồm nhà hình ống và nhà chồng diêm. Nhà hình ống với chiều dài, bề rộng có hạn, nhưng người dân đã khéo léo kết hợp không gian ở, thờ phụng, nghỉ ngơi, sản xuất với việc buôn bán. Nhà chồng diêm là loại nhà hai tầng không hoàn toàn với gác xép có cửa giả hoặc cửa cỡ nhỏ, hoặc cửa tròn mở ra phố. Loại nhà này ngoài mái ngói nghiêng xuống mặt phố còn có mái tranh vẩy thêm ra hè.

Mỗi dịp tết nguyên đán, phố Hàng Mã còn thu hút giới đồ cổ và du khách đến với phiên đồ cổ duy nhất trong năm từ 20 tới tận trưa ngày 30 Tết. Theo nhiều người, chợ đã có từ cách đây hơn mười năm và thực sự đông đúc bắt đầu từ ngày 24 Tết Âm lịch, sau lễ ông Công ông Táo. Những món đồ ít cũng xấp xỉ 100.000 đồng, nhiều thì tới vài chục triệu, nhưng cũng chỉ bày đều trên mặt đất, thân thiện và phong trần.
 
Trung thu về trên phố Hàng Mã _1
Rực rỡ đủ loại đồ chơi
 
Hàng Mã gần chợ Đồng Xuân, nối 1 đầu với phố Hàng Đường nổi tiếng với món ô mai và chạy dài đến tận đường Phùng Hưng đã tạo nên một trong những con phố buôn bán nhộn nhịp điển hình của Hà Nội xưa và nay. Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết, con phố này thực sự trở thành con phố của những âm thanh, sắc màu, ánh sáng dân gian và mang đậm dấu ấn tâm linh của người phương Đông.

Theo dantri.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC