Vụ việc ồn ào liên quan đến thương hiệu Phở Thìn những ngày qua đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau được đưa ra: Người thì cho rằng giá như Phở Thìn Lò Đúc cứ chỉ là một quán phở gia đình rồi phát triển thành thương hiệu giống như Phở Thìn Bờ Hồ thì tốt hơn, người thì cổ vũ việc nhượng quyền như hiện tại.
Một trong những vấn đề đặt ra là nhượng quyền ngành phở dễ hay khó? Vì sao tại Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, một số thương hiệu gia đình phát triển đến giai đoạn nào đó thì lại đối mặt với các khủng hoảng, rủi ro khác nhau. Thương hiệu gia đình kiểu Phở Thìn hay bất cứ một mô hình kinh doanh phở nào khác, khi chuyển sang mô hình nhượng quyền, có phải cứ đóng khung như các mô hình mẫu nước ngoài là sẽ thành công?
Trong ngành kinh doanh phở, từng có câu chuyện nhượng quyền đình đám liên quan tới thương hiệu Phở 24. Mô hình này thành công ở không ít tỉnh thành nhưng đến Hà Nội thì lại không thành công thì lý do là gì? Cũng tương tự, vì sao với Phở Thìn, sau khi câu chuyện từ nhóm nhận nhượng quyền xuất hiện và nhận là "truyền nhân" thì lại gây nên nhiều tranh cãi? Vì sao mô hình nhượng quyền đối với ngành hàng ăn truyền thống như phở lại khó phát triển bền vững?
ChatToday số 1/3 sẽ là những góc nhìn của khách mời Nguyễn Thành Trung, một nhà báo có thâm niên viết về mảng kinh doanh và có kinh nghiệm trong tư vấn truyền thông, về câu chuyện trên.
Khách mời ChatToday nêu góc nhìn về nhượng quyền phở và lý do Phở 24 thất bại tại Hà Nội (Video: Phạm Tiến).
Theo anh, điều mà nhà sáng lập Lý Quí Trung đã rất thành công với Phở 24 là kết hợp được giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Bên cạnh việc giữ được đặc trưng của món phở là nước dùng, các quán Phở 24 cố gắng địa phương hóa khi đến các vùng miền kèm theo đó là nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên chuỗi này lại thất bại khi ra tới Hà Nội bởi người dân Thủ đô có tính bảo thủ rất cao, rất trung thành trong việc ăn uống, đặc biệt là ăn phở, ví dụ nước dùng Phở 24 chưa thể xử lý được như Phở Thìn.
ChatToday là talkshow với các nhân vật liên quan tới những vấn đề về kinh tế. Sản phẩm này do các thành viên Ban Kinh tế, Báo điện tử Dân trí lên ý tưởng và triển khai thực hiện.
Xuất hiện trên Dân trí và các nền tảng mạng xã hội của báo vào 9h ngày 1 và 16 hàng tháng, ChatToday đem đến những câu chuyện của nhân vật khách mời hoặc các góc nhìn, quan điểm của họ về một chủ đề kinh tế đang được bạn đọc quan tâm.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí