Chị phải đi giúp việc cho nhà người, anh làm phu hồ kiếm tiền nuôi con nhưng vợ chồng anh Tạ Đức Ngọc (thôn 5, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) đã tự nguyện hiến 1,1ha đất vườn đồi đang trồng keo, cây ăn quả... của mình cho xã xây trường học.
Hiện anh Ngọc đang làm phụ xây ở Bình Dương với tiền công 80.000 đồng/ngày. Chị Hường vợ anh đang làm giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội với lương tháng 1,5 triệu đồng. Anh Ngọc tâm sự: “Do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi mới học đến lớp 5, vợ tôi học đến lớp 9 thì phải nghỉ học để ở nhà giúp đỡ gia đình. Cũng do không được ăn học đến nơi đến chốn nên vợ chồng tôi không thể xin được việc làm ổn định, suốt đời phải đi làm thuê. Nhiều đêm tôi không ngủ được khi nghĩ đến cảnh bọn trẻ phải ở nhà tự chăm sóc nhau mà không có bàn tay chăm sóc, vỗ về yêu thương của cha mẹ...
Đứa con gái lớn nhà tôi sinh năm 1990 cũng phải nghỉ học giữa chừng vì chúng tôi không đủ tiền nuôi con ăn học. Hiện nó đã lấy chồng và 2 vợ chồng nó cũng đang phải đi làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh.
Vợ chồng tôi chỉ trông mong vào đứa con gái út, hy vọng sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội sẽ có công việc ổn định, thoát khỏi cái nghèo khó mà chúng tôi phải nếm trải suốt mấy chục năm nay vì thất học...”.
Nhưng anh Ngọc cho biết, khi biết xã Yên Phú định xây trường tiểu học mới mà quỹ đất dự phòng không còn, tiền đền bù giải phóng mặt bằng lại không có, vợ chồng anh đã quyết định hiến 1,1 ha đất của gia đình cho xã xây trường học. Anh tâm niệm, xây dựng trường tiểu học ở đây, bọn trẻ đi học đỡ vất vả hơn bởi hiện nay trường tiểu học cách làng tới 3 km, trẻ nhỏ đi học rất vất vả.
Nói về quyết định hiến đất, chị Hường hoàn toàn ủng hộ: “Tôi đang làm thuê ở Hà Nội thì nghe chồng tôi gọi điện thông báo về việc hiến đất xây dựng trường học. Tôi đã xin nghỉ về nhà để cùng chồng bàn bạc. Và chỉ sau vài ngày, gia đình tôi đã quyết định hiến tặng hoàn toàn 1,1 ha đất đồi đã trồng keo, cây ăn quả... để nhà nước xây dựng trường học. Hiện diện tích đất của gia đình tôi chỉ còn hơn 1.000m2”.
Anh Phạm Quang Khoa, cán bộ địa chính xã Yên Phú, không giấu được niềm vui: “Ban đầu khi đến vận động anh chị, tôi thực sự không hy vọng sẽ có kết quả bởi diện tích đất quá lớn mà anh chị lại là hộ nghèo. Khi chị gọi điện thông báo lại là anh chị đồng ý hiến 1,1 ha đất mà không kèm theo điều kiện gì tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Sau đó, anh chị còn thúc giục chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hồ sơ chuyển nhượng đất để còn phải đi làm xa. Sau khi bàn giao đất đai xong, anh chị đóng cửa nhà, khăn gói lên đường đi làm thuê với tâm trạng vui vẻ”.
Cảm phục trước tấm lòng hào hiệp của vợ chồng anh Ngọc, 10 hộ gia đình khác trong thôn 5 (xã Yên Phú) lúc đầu chỉ đồng ý cho xã mở đường vào trường học nếu được đền bù giải phóng mặt bằng, cũng đã thay đổi ý định tự nguyện hiến đất cho xã. Tất cả thống nhất, đường mở rộng vào khu vực của nhà nào, nhà đó tự nguyện hiến đất. Hộ mất nhiều thì hàng nghìn mét vuông, hộ ít cũng vài chục mét vuông.
Hiện đơn vị thi công đang thực hiện san ủi mặt bằng để chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng Trường tiểu học Yên Hương. Ông Trần Đức Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Phú vui mừng cho biết: “Yên Phú là xã miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã hiện còn 300 hộ nghèo, nếu gia đình anh Ngọc không tự nguyện hiến 1,1 ha đất thì xã chúng tôi không biết bao giờ mới có đất để xây trường học, vì quỹ đất dự phòng của xã không còn mà kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân thì lại không có.
Vợ chồng anh Ngọc đang là tấm gương sáng của địa phương về việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Theo TTXVN.