Báo cáo kết quả khảo sát nghèo đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2009 (UPS-09) được công bố chiều ngày 15/12/2010 tại Hà Nội, đã đưa ra một phương pháp đánh giá mới và toàn diện về tình trạng nghèo tại khu vực đô thị.
UPS-09 dựa trên kết quả điều tra đa chiều về đặc điểm dân số đô thị, tiếp cận giáo dục, sử dụng dịch vụ y tế, thực trạng việc làm, thu nhập và chi tiêu, nhà ở, sử dụng tài sản lâu bền của hộ gia đình…
Nếu xét trên khía cạnh kinh tế (thu nhập), Hà Nội có tỷ lệ nghèo cao hơn TPHCM (4,6% so với 2,1%). Theo số liệu của UPS-09, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội là 2,321 triệu đồng, so với 2,445 triệu đồng ở TP HCM.
Tuy nhiên, nếu xét trên các khía cạnh xã hội đa chiều, Hà Nội lại có tỷ lệ nghèo thấp hơn TPHCM.
Kết quả điều tra của UPS-09 cho thấy, tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS ở Hà Nội là 90,2%, ở TPHCM là 74,1%. Tỷ lệ biết chữ của người dân Hà Nội cao hơn người dân TPHCM (98% so với 95,8%).
Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ dân số Hà Nội có bảo hiểm y tế là 71,8% so với 57,1% của TPHCM. Chi y tế và chăm sóc sức khỏe bình quân 1 người của Hà Nội trong năm 2009 là hơn 1 triệu đồng, TPHCM là gần 900 nghìn đồng. Tỷ lệ lao động của Hà Nội chưa qua đào tạo là hơn 50%, ở TPHCM là hơn 70%.
Về hiện trạng nhà ở, có tới 30,7% số hộ gia đình ở TPHCM có diện tích nhà ở dưới 7m2/nhân khẩu, tỷ lệ này ở Hà Nội là gần 26%. Tại Hà Nội, có hơn 70% dân số được sử dụng nước máy riêng, trong khi đó ở TPHCM là hơn 52%.
Dân di cư chiếm phần lớn tỷ lệ người nghèo
Diện tích nhà ở của dân thường trú là hơn 20m2/người so với hơn 8m2/người dân di cư, đặc biệt 1/3 dân di cư sống trong kiều kiện chật hẹp dưới 4m2/người.
Tỷ lệ lao động di cư chưa qua đào tạo là hơn 76,2%, so với lao động có hộ khẩu là gần 60%.
Có tới hơn 66% dân thường trú có thẻ bảo hiểm y tế, trong khi tỷ lệ này là hơn 43% ở nhóm di cư.
Sự chênh lệch còn được thể hiện rõ trong tiếp cận giáo dục. Tỷ lệ đi học của dân di cư ở các nhóm tuổi đều thấp hơn dân thường trú. Hầu hết trẻ em ở nhóm tuổi 5-9 thường trú đều đến trường (99%), tỷ lệ này khoảng 90% đối với nhóm trẻ di cư.
Đây là báo cáo đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận vấn đề nghèo đa chiều thông qua các khía cạnh xã hội trong đời sống dân cư, trong đó có bộ phận di cư. Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng thu nhập và chi tiêu không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá về thực trạng nghèo mà còn dựa trên các tiêu chí khác như cải thiện hệ thống nhà ở, giáo dục, y tế…
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định: “Những kết quả của báo cáo này sẽ giúp các cơ quan nhà nước, chính quyền hai thành phố có những nhìn nhận sâu sắc hơn, đánh giá chính xác hơn mức độ nghèo đô thị”.
Ông cũng nhấn mạnh, báo cáo cũng sẽ giúp hỗ trợ các nhà chức trách Hà Nội và TPHCM xây dựng các cơ chế riêng để giám sát tình trạng nghèo cũng như đề ra giải pháp dài hạn với các vấn đề đã được xác định.
Bà Setsuko Yamazaki, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, kết quả khảo sát của UPS-09 đã chỉ ra những thách thức của Hà Nội và TPHCM trong phát triển kinh tế xã hội bền vững, trong đó có sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội giữa người dân thường trú và di cư.
UNDP sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ hai thành phố theo dõi, giám sát tình trạng nghèo cũng như thực hiện những chính sách liên quan - bà này cho biết.
TH.