Bên phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) có lớp học mà người lớn nhất năm nay 56 tuổi, người ít nhất đã 24. Đêm đêm họ lênh đênh trên phá mưu sinh, khi bình minh hé rạng lại tất tưởi đến lớp.
Lớp bình dân học vụ ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) do Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền phối hợp với dự án Phát triển cộng đồng RLS tổ chức. Lớp được mở từ 4 năm nay nhằm xóa mù chữ cho người dân vùng đầm phá, giúp họ ổn định cuộc sống bằng chính việc học.
Như thành lệ, bắt đầu tiết học, phía dưới lớp lại xì xào chuyện ngoài phá, nào là đêm qua nhà bà Hà thả lừ được mấy ký tôm, nhà ông Năm mới sắm ghe mới, thằng cả nhà ông Thắng đi học đại học chưa… Khi thầy giáo gõ nhẹ lên bảng, những câu chuyện thường ngày mới tạm dừng, tiếng ê a học bài cất lên. Thầy đọc trước, trò đánh vần theo…
Ở lớp học này, thầy chỉ đọc mỗi lần 2 từ, trò chép xong thầy mới đọc tiếp 2 từ. Có khi cả buổi sáng lớp chỉ chép được một bài tập đọc. Nhiều người do lớn tuổi, mắt kém, đọc chữ trong sách giáo khoa nhỏ quá nên đành chịu, thầy viết trên bảng được chữ nào biết chữ đấy. Một số người lặn lội lên thành phố cắt được cặp kính, về lớp mấy người thay nhau mượn đeo để chép bài. Bởi kính ai cũng cần nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện mua.
Thầy Hồ Quang Chính đã 21 năm dạy xóa mù chữ. Lớp của thầy ở thôn Ngư Mỹ Thạnh được đánh giá là thành công nhất trong huyện. |
Thầy Hồ Quang Chính, người trực tiếp đứng lớp cho biết, do học trò đều lớn tuổi nên việc cư xử phải rất tế nhị. “Khó lắm mới vận động được người dân đến học, gọi là trò, nhưng đều ngang, hơn tuổi mình, nói nặng lời là họ tự ái bỏ về”, thầy Chính kể.
Ngày trước chưa có phòng, phải học nhờ nhà dân, thấy phiền nên lớp chỉ lèo tèo mấy người. Giờ lớp học là ngôi nhà cộng đồng thôn khang trang nằm ngay bên phá với hơn chục bộ bàn kê ngay ngắn. Được thầy Chính cùng trưởng thôn đến từng nhà vận động, số người đi học đã tăng lên và đến nay bất kể mưa nắng, sĩ số “cứng” của lớp là 40.
40 học trò của thầy Chính đều có hoàn cảnh khó khăn. Anh Trần Đợt, 22 tuổi, thích đi học nên nghỉ hẳn nghề thả lưới. Học được hơn một tháng, ba bị ung thư phổi rồi qua đời, anh Đợt phải bỏ học để ra phá kiếm tiền nuôi mẹ già và ba em ăn học. “Khi nào kinh tế gia đình đỡ chật vật, em sẽ đến lớp học tiếp. Thời buổi này mà không biết chữ, khó sống lắm”, anh Đợt nói. Anh Đợt từng đi TP HCM làm thuê, đến khi có người quen xin vào công ty để ổn định thu nhập thì Đợt lại không biết chữ, đành quay về.
Sau mỗi buổi học trên lớp, về nhà anh Trần Hoàng và chị La Thị Lai lại mang sách, vở ra nhờ con gái Trần Thị Liễu (lớp 8, trường THCS Quảng Lợi) dạy thêm. Nhờ đó mà anh chị nhận diện mặt chữ, tính toán nhanh hơn những người học cùng lớp. Anh Hoàng kể, trước đây gia đình sống trên nhà dựng tạm bợ trên phá, không được học chữ. Hôm đi làm giấy đăng ký kết hôn, cán bộ xã phải lăn dấu vân tay của hai vợ chồng thay cho chữ ký.
Ông Hoàng Phong, 56 tuổi, là một trong những người cao tuổi nhất lớp học. Ngày mới đến lớp, ông phải nhờ thầy giáo cầm tay tập viết bằng bút chì, đến khi quen nét chữ mới chuyển sang bút bi. Ông Phong cười bảo: “Tay mình quen cầm mảnh lưới, mái chèo, giờ cầm cây viết thấy ngường ngượng nên phải tập viết cho quen”.
Hai vợ chồng Phong là dân thủy diện, không biết chữ. Đến khi có dự án di dân lên bờ, ông đều lo cho con cái đi học. Khi các con có gia đình và dọn ra riêng, ông bà thay phiên nhau đi học. Khóa học trước, bà Nguyễn Thị Gái, vợ ông đi học và nay đã đọc thông, viết thạo. Khóa học này ông động viên bà ở nhà chăm đàn lợn để ông đến lớp quyết tâm học chữ cho bằng mọi người trong thôn và cho bằng… bà.
Lớp 40 người, nhưng chỉ có cặp kính duy nhất nên các học trò lớn tuổi phải chuyền tay nhau để đọc. |
Vợ chồng anh Trần Đường và chị Trần Thị B dẫn nhau đi học với hy vọng thoát nghèo. Anh Đường bảo gần 40 năm sống nhờ con tôm, con cá trên phá, nhưng mấy năm trở lại đây, tôm cá ít dần do người dân khai thác ồ ạt nên anh chị quyết đi học, biết đọc chữ để mua sách nuôi gà về đọc, dự định phát triển kinh tế trang trại. Học được gần hai tháng, anh chị đã đọc được sách, vui như “mở cờ trong bụng!”.
Ông Trần Văn Minh, Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh, cho biết toàn thôn có 186 hộ thì tới 28 hộ nghèo, số người không biết chữ chiếm gần 40%. “Không biết chữ nên người dân chỉ biết gắn mình với con phá theo mùa ngọt, lợ bấp bênh. Hơn 4 năm nay, các lớp xóa mù chữ liên tục được mở ra, người dân trong thôn cũng biết ít chữ nghĩa để làm ăn và đặc biệt là có ý thức không xả rác bừa bãi, không đánh bắt thủy sản quá nhỏ theo hướng tuyệt chủng", ông Minh nói.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền, ông Phan Dũ, đánh giá lớp học xóa mù chữ cho người dân ven phá Tam Giang tại thôn Ngư Mỹ Thạnh là lớp học thành công nhất của trung tâm bởi sĩ số ổn định và tinh thần học tập nghiêm túc. Khác với các lớp học trước đó ở một số xã người dân đi học rời rạc, cầm chừng.
“Từ thành công của lớp, chúng tôi vừa cho khai giảng thêm 4 lớp xóa mù chữ cho người dân tại các xã Quảng Phước, Quảng Ngạn, Quảng Thái và Quảng Thái. Sau khi người dân biết chữ, trung tâm sẽ tổ chức các chuyên đề để nâng cao kiến thức, lo sinh kế cho người dân, đồng thời mở thêm các lớp tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản kèm với việc xóa mù chữ cho người dân vùng đầm phá”, ông Dũ nói.
Theo VnExpress.