Văn hóa đôi khi xuất phát từ một khoảnh khắc, khi cô bé 6 tuổi ngồi sau xe mẹ, chỉ thẳng vào một đôi thanh niên đi xe bên cạnh mà rằng: "Mẹ ơi, cô chú ấy vi phạm luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm mẹ ạ".
Văn hóa, đôi khi cũng là những ánh nhìn của mọi người, không đồng tình tí nào với một mái tóc dài được tỉa tót kỹ lưỡng, chăm sóc óng vàng - rất sành điệu, bay bay trong gió, cưỡi trên một chiếc SH cũng không kém phần sành điệu... nhưng vô cùng lạc lõng giữa đông người mà ai cũng có mũ bảo hiểm trên đầu...
Gần 2 năm cho quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã trở thành vật thân thiết khi ra đường, được đội một cách tự nguyện và... yên tâm nhất. Ngắm từng đoàn "nồi cơm điện" vào giờ cao điểm, cũng không còn thấy cảm giác ngột ngạt nữa, mà là quen thuộc...
Thế nhưng, vẫn có những người bất chấp cả quy định, bất chấp cả văn hóa giao thông, và có lẽ bất chấp cả tính mạng của mình, để "đầu đội trời, chân đạp đất" trên đường như vậy...
Đội mũ... mất oai!
Là một người khá nổi tiếng, A. có thể được coi là người của công chúng, được "biết mặt, chỉ tên" ở nhiều nơi công cộng. A. rất ý thức được điều này, nên luôn chăm chút hoàn hảo nhất khi ra đường: Váy đẹp, túi đẹp, xe đẹp, trang điểm cũng thật đẹp... Chẳng bao giờ A. quên gì trong những phụ kiện cô mang theo, kể cả một đôi khuyên tai cho phù hợp với màu váy...
Nhưng có một thứ A. rất dễ quên: Mũ bảo hiểm. Thật ra, không hẳn vì quên, mà như A. thú nhận, cô ngại đội mũ bảo hiểm vì sợ hỏng mái tóc vừa uốn, vừa ép khá tốn kém, vì sợ xấu mất dáng chiếc váy giá đến tiền triệu... Chỉ trong hoàn cảnh "bắt buộc" nhất, A. mới chịu đội mũ, còn thì toàn mang mũ theo và... treo ở xe máy. A. bảo: "Ai cũng biết mặt em, nên thường là công an cũng... ít bắt, có bắt cũng không phạt. Với lại, bọn em chỉ chạy từ nhà tới cơ quan, hoặc đi ăn trưa. Còn thì đi đâu cũng có xe của cơ quan, hoặc taxi, nên mũ bảo hiểm là không cần thiết".
Mọi chuyện sẽ diễn tiến như thế, A. vẫn sẽ một mình một kiểu nếu không có một ngày, cô gặp phải một chiến sĩ công an kiên quyết đưa A. về đồn lập biên bản. Phải nộp phạt, A. cũng đã thấm thía.
Có lẽ, câu chuyện của A, cũng sẽ chỉ được kể như một lần "không may" của những người vẫn đang "kì thị" với mũ bảo hiểm như A. và bạn bè. Họ, đều là những người có trình độ, thậm chí hoạt động trọng một lĩnh vực "định hướng thông tin" cho xã hội, nhưng có lẽ, vì những sự "tự tin" nào đó, họ đã tự làm mất đi nét văn hóa của mình khi tham gia giao thông, biến mình thành một con người lạc lõng giữa một xã hội đang dần hình thành những nét văn hóa trong giao thông của mình.
Có lẽ, nếu làm một cuộc quan sát sẽ thấy có một đối tượng phổ biến trong việc "bỏ quên" văn hóa mũ bảo hiểm: Giới trẻ - đặc biệt là những học sinh cấp ba. Chưa phải là đối tượng được phép điều khiển xe máy, nhưng nếu có dịp đi qua cổng trường Việt Đức vào giờ đến trường và giờ tan học, thì sẽ thấy... choáng váng với toàn những xe xịn, giá tới cả trăm triệu - bằng một gia tài như SH, LX 150, Spacy, @... được những cô cậu học sinh áo trắng, mặt non như cốm sữa...phóng vèo vèo trên đường tới trường. Những chiếc xe thường được đèo 3, thậm chí đèo 4, rồi phóng, rồi lạng lách, rồi đùa nhau, đua nhau "thể hiện". Và, tất nhiên, trên đầu các cô cậu này không bao giờ có mũ bảo hiểm. Đùa giỡn với chính số phận mình, "đùa giỡn" luôn với cả một loạt những quy định giao thông, có lẽ đây là những học trò "ít văn hóa" nhất khi ra đường.
Để "thiết lập" lại trật tự trong lĩnh vực này, ngành công an Hà Nội đã thành lập những đội chuyên xử lý đối tượng học sinh đi xe máy tới trường, vi phạm các quy định về văn hóa giao thông. Nhóm này mặc thường phục, áo phông, sơ mi cộc tay, chân đi giày thể thao,dép lê, lượn quanh các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... Nếu phát hiện học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm hay đèo 3, họ sẽ dùng bộ đàm, điện thoại thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông chốt trực gần các ngã ba, ngã tư xử lý. Và chỉ trong một giờ mỗi ngày, nhóm công an này cũng đã kết hợp với các chốt trực cảnh sát giao thông xử lý gần 10 em học sinh THPT chưa đủ tuổi đi xe máy của các trường: Việt Đức, Trần Nhân Tông, Đinh Tiên Hoàng, Đống Đa...
Tuy nhiên, do lực lượng thiếu, công việc lại nhiều nên việc làm có hiệu quả này chỉ... tranh thủ được làm vào đầu giờ buổi sáng.
"Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn về các trường, yêu cầu phối hợp xử lý, nhưng các trường đều từ chối cho rằng việc ở ngoài trường không thuộc phạm vi xử lý của trường" - một đại diện ngành công an cho biết.
Với những ý thức thiếu đồng bộ từ trên xuống dưới như vậy (gia đình nuông chiều, trường học chưa quan tâm)... chúng ta đang tạo đất cho một thế hệ "thiếu văn hóa giao thông" ra đời, hình thành và phổ biến trong xã hội. Có lẽ, hậu quả sẽ không chỉ là nhãn tiền (tai nạn, vi phạm), mà còn sâu xa hơn, là sự hình thành những chủ nhân tương lai thờ ơ và vô trách nhiệm với văn hóa giao thông!
"Văn hóa không tự nhiên mà có"!
Ai cũng hiểu rõ điều này, để hình thành một nét văn hóa trong cuộc sống, trong đó có văn hóa giao thông, đều phải cần một quá trình và cần sự rèn luyện. Và không phải cứ học cao là tất có văn hóa trong mọi trường hợp.
Nhưng việc "học" để có văn hóa ấy, lại cũng phụ thuộc vào chính mỗi người, chứ không chỉ có thể "đổ" cho chế tài chưa chặt, luật chưa nghiêm. Bởi, ai cũng biết, bởi đâu phải lúc nào công an cũng "lấp ló" để giữ gìn trật tự giao thông, bởi đâu phải lúc nào cũng chỉ... vì sợ bị phạt mà không vi phạm. "Tôi thường đi làm về khuya, lúc ấy cũng chừng 11-12 giờ đêm, đường rất mát, chỉ muốn bỏ mũ bảo hiểm ra, đi đầu trần cho thoáng sau một ngày mệt nhoài. Lúc ấy, đường cũng rất vắng công an, chắc sẽ không bị phạt. Rất nhiều lần, tôi đã giơ tay lên quai mũ, nhưng rồi lại thôi. Bởi đã làm được một lần, thì lần sau lại tặc lưỡi dễ lắm. Tôi không muốn tự biến mình thành một người thiếu văn hóa giao thông như thế" - chị Thu Anh, cán bộ của một cơ quan nhà nước cho biết.
Có lẽ, nếu mỗi người đều có một chút tự trọng với chính bản thân mình và có thêm một chút ý thức như vậy, thì dù không có chế tài, không cần những tháng ra quân của ngành công an để chấn chỉnh việc đội mũ bảo hiểm (vẫn đang thường xuyên phải diễn ra), thì nét văn hóa giao thông trong việc đội mũ bảo hiểm cũng vẫn có thể hình thành và duy trì được.
Nhưng, như đã nói, để có được ý thức, cũng cần một quá trình rèn luyện. Ở các trường mầm non nước ngoài, tiết học về giao thông được dạy rất sơm, với những giáo dục trực quan sinh động nhất, để mỗi em bé đều tự biết đèn đỏ phải dừng lại, ra đường phải đội mũ bảo hiểm. Việt Nam hiện cũng đã bắt đầu áp dụng môn học này, bởi vậy mới có chuyện những em nhỏ hiện nay là những người ra đường..phát hiện người vi phạm an toàn giao thông nhanh nhất. Tuy nhiên, đó lại là chuyện của thế hệ tương lai xa, còn với những thế hệ tương lai gần (học sinh trung học, sinh viên...) thì lại là lỗ hổng qúa lớn trong kiến thức của họ, văn hóa giao thông của họ.
Bên cạnh đó, sự gương mẫu của toàn xã hội cũng sẽ là "cái gương" lớn nhất để những người còn kém văn hóa phải soi. Còn nhớ một lần sang Nhật Bản, nhóm khách Việt Nam theo thói quen vẫn qua đường khi đèn còn đỏ, và trở thành lạc lõng trong cả một dòng người đang dừng lại và nhìn mình một cách vô cùng ngạc nhiên và lạ lẫm. Tự phải thấy xấu hổ và phải tự bảo nhau lần sau đừng thế, mất hình ảnh, mất thể diện lắm!
Với văn hóa giao thông Việt Nam hiện nay cũng nên thế, mỗi cá nhân nên gương mẫu để làm gương. Chứ đừng để, như một cậu bé đã "tranh cãi" với mẹ, sao chú công an không bị phạt ạ, con thấy chú ấy cũng phóng xe máy ngoài đường không đội mũ bảo hiểm? Hay như một cô bé kêu toáng lên giữa ngã tư: Ơ mẹ ơi, sao cô chú kia không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ nữa mà chẳng có ai phạt họ hả mẹ? Thế như thế không phải là vi phạm luật giao thông hả mẹ?
Trả lời sao được cho con trẻ những câu hỏi này, khi mà đôi khi, chính người lớn chúng ta đã bỏ qua nét văn hóa giao thông mà cả xã hội đang muốn chung tay xây dựng như vậy?
Ý kiến
Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt: "Có rất nhiều trường hợp khi đi xe máy vi phạm không đội mũ bảo hiểm mà CSGT phát hiện yêu cầu dừng xe để kiểm tra đã cố tình chống đối bằng cách lách ra giữa đường, phóng bạt mạng len lỏi giữa dòng phương tiện và thậm chí chống lại người thi hành công vụ.
Những tháng vừa qua, theo thống kê của Đội Tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho thấy, có gần 30 trường hợp chống lại người thi hành công vụ, trong số đó có nhiều trường hợp người dân không đội mũ bảo hiểm. Tính trung bình mỗi ngày lực lượng cảnh CSGT trên toàn thành phố tiến hành xử lý trên dưới 1.000 trường hợp vi phạm luật giao thông. Điều đáng nói trong tổng số vụ vi phạm về mũ bảo hiểm luôn chiếm quá bán. Trong tháng 8/2009, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã xử lý 13.053 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm. Chỉ tính trong 15 ngày đầu "Tháng An toàn giao thông" (tháng 9), đã có hơn 5.940 trường hợp vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm cũng đã bị xử lý".
Anh Nguyễn Hữu Nhã - phố Nguyên Hồng - Hà Nội: "Nên thật mạnh tay với những trường hợp học sinh phổ thông chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn đến trường, không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên trở ba, rất dễ gây tai nạn cho người khác và bản thân, trong khi chưa tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Có thể là phạt giữ xe cho tới khi họ có được bằng lái xe...
Bên cạnh đó còn hạn chế được tình trạng đua xe lạng lách và cả nạn đua đòi trong giới học sinh hiện nay. Nên nhân rộng cách làm này trong cả nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...".
Nguyễn Vân Anh - phố Hàng Buồm - Hà Nội: "Nhiều em tuổi teen giờ ra đường không đội mũ bảo hiểm với một lí do đơn giản: Sợ xấu. Một buổi tối lượn lờ quanh khu vực bờ Hồ thì tha hồ bắt gặp cảnh các teen "quên" mũ bảo hiểm. Với những trường hợp như trên phải có những biện pháp mạnh như thông báo về gia đình và nhà trường, kỉ luật và cảnh cáo trước toàn trường. Thực ra những biện pháp đó cũng chỉ có tác dụng một phần nhưng dù sao nó cũng sẽ làm giảm bớt đi hiện trạng trên với những học sinh, sinh viên có ý thức".
Theo Tin tức