Vẽ giấc mơ tới trường từ những túi ve chaiNhững bàn tay chai sần, đầy sẹo bới móc đống rác. Những đôi vai gầy guộc, đen đúa khoác túi ve chai. Suốt ngày "ngập mặt" trong rác nhưng ước mơ tới trường luôn rực sáng trong đôi mắt đám trẻ lam lũ.

Dầm mưa dãi nắng kiếm từng đồng lẻ

6h sáng, bọn trẻ trong khu trọ trên đường 18 (KP.5, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức)  lục tục chuẩn bị đồ nghề. Vừa nhai cơm nguội, Danh Thúy An (12 tuổi) vừa quay sang cậu em 5 tuổi Danh Thanh An: “Qua gọi mấy đứa kia đi, trễ quá người ta lượm hết mất”.

8 đứa trẻ nhanh chóng tụ lại trước cổng. Bé Thanh An người nhỏ xíu cũng khoác bị lên vai. 8 cái dáng gầy còm tiến ra đường lộ. Một ngày cực nhọc bắt đầu.
 
Vẽ giấc mơ tới trường từ những túi ve chai_0

Tích cóp từng đoạn dây điện người ta vứt đi

Dẫu nắng chói chang hay mưa tầm tã, bọn trẻ vẫn lầm lũi trên các nẻo đường. Những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu chai sần, đầy những vết thương ngang dọc bởi các vật sắc nhọn.
 
Vẽ giấc mơ tới trường từ những túi ve chai_1
Cả ngày rong ruổi nhưng túi vẫn rỗng, khuôn mặt đầy thất vọng.

“Con đường ve chai” của bọn trẻ mới nghe qua thôi ai nấy đều sửng sốt. Các em đi từ Suối Tiên (Q.9) tới tận Chợ Lớn (Q.5), lộ trình liên tục thay đổi theo từng ngày.
Em Hùng Thị Mỹ Hằng (14 tuổi) giải thích: “Bây giờ người ta đi nhặt nhiều lắm nên tụi em phải đi nhiều và đi thật xa”. Không chỉ nội thành TPHCM, bọn trẻ còn đi xuống tận ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai), rồi ngược lên KCN Sóng Thần (Bình Dương) bới rác.
 
Vẽ giấc mơ tới trường từ những túi ve chai_2
 
Liều băng qua quốc lộ để mưu sinh

Cực khổ là vậy nhưng cả ngày lũ trẻ chỉ kiếm được từ 10 – 20 ngàn đồng. Các em luôn bị những kẻ “ăn không ngồi rồi” rình đánh và cướp ve chai.
Bé Hằng kể, nhiều khi các em đang đón xe bus ở gần cầu Sài Gòn thì bị các đối tượng đi tới đánh đập và giật túi ve chai. Tiếc công sức cả ngày trời cặm cụi, các em xông vào giành lại túi đồ. Thế là, cả đám trẻ con bị những tên côn đồ nện cho một trận bầm tím mặt mày.

Thạch Hảo (13 tuổi) hay bị cướp vì em nhặt được nhiều ve chai nhất bọn. Có lần Hảo bị đánh vào ngực, đau quá không bước nổi, cả đám trẻ xúm lại xoa bóp rồi dìu nhau về. Dường như trong nỗi cùng cực của cuộc sống, tình yêu thương, đoàn kết của những đứa trẻ chưa biết mặt chữ càng tỏa sáng.

Vẫn ấp ủ ước mơ cắp sách tới trường

Sau một ngày vất vả, 8 khuôn mặt lem luốc gầy rộc hẳn đi. Bé Hằng ngước đôi mắt thật buồn: “Em muốn đi học lắm nhưng nhà không có tiền”. Học hết lớp 2, Hằng phải theo cha mẹ lên Sài Gòn kiếm sống. Em là người duy nhất trong gia đình "được đi học", cho dù mới chỉ tới lớp 2.

Cha mẹ Hằng đã cao tuổi nhưng vẫn phải đi bốc vác thuê. Chị gái Hằng buồn tủi: “Em không biết chữ, đi làm công nhân thôi. Có bữa cả nhà chỉ ăn cơm chan nước tương rồi đi làm. Miếng ăn còn khó kiếm thì tiền đâu cho em đi học”.

Vẽ giấc mơ tới trường từ những túi ve chai_3 Mỗi khi lượm được sách, đám trẻ mừng vui cùng nhau xem tranh.

Lượm được quyển truyện, Thạch Hào cười toe toét khoe với đám bạn. Chẳng biết chữ nào nên Hào chuyển quyển sách qua cho Nguyễn Thị Bé Huyền (13 tuổi) đánh vần cho cả bọn cùng nghe. Huyền đánh vần không được, đám trẻ liền giành nhau xem tranh. Tuy chẳng hiểu lời thoại nhưng chúng chỉ trỏ hình vẽ rồi cười giòn giã.

“Tụi em muốn đi học” – 8 cái miệng gần như cùng lúc bật ra câu nói. Những đôi mắt trẻ thơ sáng lên khi nhắc tới trường học. Những bàn tay chai sần, đầy sẹo này lẽ ra phải được cầm bút. Những đôi vai gầy guộc, đen đúa này lẽ ra phải được đeo cặp sách.

Mỗi sáng, khi biết bao học sinh nô nức đến lớp thì nơi đây, các cô bé, cậu bé rong ruổi trên khắp nẻo đường, vác những bao ve chai nặng hơn cả chính bản thân mình. Nhưng các em luôn khát khao một ngày nào đó sẽ được cắp sách tới trường.

Theo Dân Trí

Đồng hương có thể chung tay cùng quỹ "TẤM LÒNG NHÂN ÁI" của báo Dân Trí, giúp đỡ trẻ em người khốn khó tại quê nhà.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC