Vì sao học lớp 1... khổ?Nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Phạm Toàn, người đã có gần 30 năm giảng dạy, nghiên cứu và viết sách về giáo dục tiểu học trao đổi với PV xung quanh việc vì sao hiện nay học sinh lớp 1 lại... khổ đến vậy.

* Thưa ông, vì đâu mà hầu hết phụ huynh có con vào lớp 1 đều khẳng định nếu học sinh không học trước thì không thể theo kịp chương trình?

- Giáo dục tiểu học là phải dạy sao cho học sinh học được. Bộ GD-ĐT quy định trước khi vào lớp 1 phải làm quen với chữ cái. Vậy như thế nào là làm quen? Biết mặt chữ cũng là làm quen, biết ghép vần, biết đọc cũng là làm quen... Giáo viên có thể “núp” dưới chữ “làm quen” ấy để dạy cho học sinh biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1. Làm thế nào để học sinh khỏi đi học trước? Bộ GD-ĐT trước hết phải xóa quy định phải làm quen với chữ cái trước khi vào lớp 1. Ở mẫu giáo, trẻ chỉ cần được giáo dục để giúp hoàn thiện các giác quan và cơ bắp. Việc phát triển trí tuệ hãy bắt đầu từ lớp 1, và học là học chứ không phải là “làm quen”, học cái gì phải biết làm cái đó.

* Học sinh mới chân ướt chân ráo vào tiểu học đã phải viết chính tả, làm toán. Lượng kiến thức được học rất nhiều chỉ trong một thời gian ngắn khiến cho trẻ chưa kịp nắm vững đã phải làm quen với kiến thức mới. Ý kiến của ông về điều này thế nào?

- Quan trọng là khi biết cách dùng biểu trưng chứ không phải là học thuộc biểu trưng đó. Nếu cần học thuộc thì phải học không biết bao nhiêu mà kể. Quan điểm giáo dục của tôi là phải theo nguyên lý “làm thì học - làm mà học”, và điều này phải bắt đầu ngay từ lớp 1. Ví dụ, một phép so sánh giữa số 5 và số 3 cũng phải học bằng cách làm, có thể cho đứa trẻ gạch ra một bên là 5 cái gạch, một bên là 3 cái gạch, trẻ sẽ hiểu vì sao 5 lớn hơn 3.

* Giáo viên và phụ huynh vẫn cho rằng chương trình lớp 1 hiện nay được thiết kế nặng nề nên học sinh mới phải học quá tải như vậy. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Vấn đề ở đây là phải biết cách đưa tri thức cho trẻ làm sao để trẻ có thể tiếp cận được một cách nhẹ nhàng. Chương trình thì nước nào cũng giống nhau, kết thúc lớp 1 là trẻ phải biết đọc, biết viết. Thế nhưng tại sao ở nước ta trẻ con học lại phải vất vả đến thế? Đề tài nghiên cứu về dạy tiếng Việt cho học sinh ở miền núi của tôi chỉ sau 5 tháng là học sinh biết đọc, biết viết.

Bộ sách của Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại biên soạn chỉ yêu cầu học sinh tập viết sau 1 tháng bước vào lớp 1. Bài học đầu tiên trong tiếng Việt lớp 1 không phải chữ a hay chữ e mà chỉ là lời nói, là hội thoại; tiếp sau đó là tách lời thành tiếng; sau tiếng rồi mới đến thanh. Ví dụ, dạy trẻ cách phát âm, chúng tôi cho trẻ phát âm từng nguyên âm rồi đến phụ âm để trẻ thấy sự khác biệt, rằng: khi phát âm nguyên âm thì luôn phải há miệng ra còn khi phụ âm thì ngậm miệng lại... Nguyên lý “làm thì học” chính là ở chỗ đó.

* Bộ GD-ĐT đang nỗ lực giảm tải bằng cách ban hành bộ chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình để giúp  giáo viên cách dạy sao cho học sinh không bị quá tải. Ông có nghĩ đây là cách làm hợp lý?

- Bộ chuẩn kiến thức đó chỉ là cái đích, điều quan trọng là con đường để đi đến cái đích đó. Phải có cả hai chứ!

* Vậy “con đường đến đích” đó là gì, thưa ông?

- Chắc chắn không phải chuyện giảm bớt lượng kiến thức, tăng thời gian học ở trường. Giảm bao nhiêu là đủ và tăng bao nhiêu là vừa?  Nếu tăng thời gian học ở trường chỉ để nhồi nhét kiến thức như hiện nay thì chắc chắn sẽ càng quá tải.

Giảm tải theo cách mà Bộ GD-ĐT đang làm thể hiện rõ sự lúng túng, không tìm ra giải pháp triệt để. Một hồi dư luận kêu “cặp học sinh nặng quá” thế là mang cân đi cân cặp của trẻ. Quá tải đâu phải là “tay xách nách mang”, đâu phải là cắt gọt kiến thức... mà phải là dùng phương pháp và công cụ khác để vẫn bằng ấy thời gian, kiến thức được học sinh tiếp thu một cách dễ dàng.

* “Công cụ” mà ông muốn nói tới là gì?

- Chắc chắn không thể là bỏ tiền ra để mua các trang thiết bị, máy móc hiện đại. Việc mà Bộ GD-ĐT cần làm là tổ chức cách học cho học sinh. Có  ba cách học để hướng trẻ đến với ba kiểu tri thức mà các nhà giáo dục cần phải hiểu, đó là kiểu khoa học, kiểu nghệ thuật, và kiểu đạo đức.

Học khoa học thì nhất thiết phải tiến hành thao tác phân tích thì mới có được tư duy logic. Học nghệ thuật thì nhất thiết phải tiến hành thao tác tưởng tượng thì mới có được xúc cảm thẩm mỹ. Học đạo đức thì nhất thiết phải tiến hành tổ chức lối sống mới thì trẻ em mới dần dần có được nền nếp, thói quen, hành vi đạo đức. Ba cách học đó có thể loại trừ lối giảng giải nhồi nhét của giáo viên, nhưng sách giáo khoa hiện nay lại chỉ có đất cho lối giảng giải nhồi nhét.

* Vậy nghĩa là phải thay đổi cách biên soạn và sử dụng sách giáo khoa?

- Nên có nhiều bộ sách giáo khoa và để cho từng giám đốc sở GD-ĐT lựa chọn. Dù hiện nay quy định một chương trình, một bộ sách nhưng trước đòi hỏi của thực tiễn thì các địa phương vẫn cứ chủ động xin áp dụng bộ sách của Công nghệ giáo dục.

Có lẽ phải nhắc lại câu chuyện thế này: Khi bà Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, từ năm 1984 đã từng triển khai Công nghệ giáo dục ở 43 tỉnh, thành và kéo dài đến năm 2000. Đến năm 2002 thì Công nghệ giáo dục chính thức bị dừng lại, để chỉ còn thực hiện một chương trình của Bộ GD-ĐT. Nhưng từ năm 2005 đến nay đã có 6 địa phương chủ động xin áp dụng lại chương trình và sách giáo khoa của Công nghệ giáo dục, trong đó tỉnh Kiên Giang áp dụng tới 100% trường tiểu học từ năm học này.

Theo TTOL.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC