Trong một vài thập kỷ tới, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới…
Tham dự có hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kinh tế, doanh nghiệp, đại biểu các cơ quan quản lý trong và ngoài nước và hơn 20 tham luận khoa học của các chuyên gia kinh tế được báo cáo.
Tại diễn đàn, các đại biểu tham gia thảo luận xoay quanh các vấn đề về: Kinh tế biển Việt Nam - Tiềm năng và triển vọng; toàn cảnh các khu kinh tế ven biển Việt Nam và những vấn đề đặt ra và phiên thứ ba là kinh nghiệm phát triển khu kinh tế tự do của thế giới - Những kiến nghị cho Việt Nam.
Theo ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Thế kỷ 21 là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Vấn đề khai thác biển đã trở thành mối quan tâm mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và các quốc gia không có biển. Trong điều kiện các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, biển ngày càng được quan tâm hơn. Mặt khác, sự bùng nổ dân số trên thế giới đang ngày càng gia tăng (theo dự báo đến 2015 dân số thế giới khoảng 7,5 tỷ người) cũng là nguyên nhân làm cho không gian kinh tế truyền thống đã trở nên chật chội, nhiều nước bắt đầu quay mặt ra biển và nghĩ đến các phương án biến biển và hải đảo thành lãnh địa, thành không gian kinh tế mới”.
Trong một vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới; vùng biển Việt Nam sẽ trở thành chiếc cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nước ta nằm ở rìa phía Tây Biển Đông, không chỉ có phần lục địa tương đối nhỏ hẹp “hình chữ S” mà còn có cả vùng biển rộng lớn gấp hơn ba lần diện tích đất liền chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng vào loại khá. Sự hiện diện của hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa đã tạo thế và lực cho đất nước ta trong xây dựng các cụm dịch vụ hậu cần cho hoạt động biển xa, phát triển du lịch biển đảo và thế trận quốc phòng, an ninh. Bờ biển nước ta dài và dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển, bến, 48 vũng, vịnh và trên 112 cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế qua đại dương.
Ths. Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng, Vụ quản lý các KKT Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh về việc phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam. Theo đó, KKT ven biển là mô hình phát triển mới có tính đột phá cho phát triển kinh tế vùng, hỗ trợ những vùng, lãnh thổ có điều kiện thuận lợi khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế và chính trị để phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nội lực, tìm kiếm và áp dụng những thể chế kinh tế mới để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng.
Tính đến cuối năm 2010, đã có 15 KKT được thành lập. Trong năm 2010, có 32 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong KKT được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 15.600 tỷ đồng.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thêm, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: Kinh tế biển của Việt Nam phát triển với hai lợi thế quan trọng. Một là tiềm năng tự nhiên to lớn với bờ biển dài, diện tích lãnh hải thuộc chủ quyền rộng, khả năng tiếp cận dễ dàng đến các đại dương, có các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhiều bãi biển đẹp… Hai là vị trí địa lý - kinh tế chiến lược, đặc biệt là nằm trên hai tuyến hải hành và các luồng giao thương quốc tế chủ yếu của thế giới, nhất là trong thời đại bùng nổ phát triển Châu Á – Thái Bình Dương
Theo các đại biểu, thực tiễn triển khai Chiến lược biển cũng như việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế biển ở nước ta cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, như: chúng ta chưa tổ chức được một cách khoa học và kiểm soát được không gian vùng biển của mình, chưa tổ chức nghiên cứu và nắm được các quy luật và điều kiện tự nhiên và môi trường biển một cách có hệ thống và chưa có khả năng dự báo các quy luật trên để phục vụ cho các việc khai thác, phát triển biển. Chúng ta cũng chưa có được ngồn nhân lực mạnh và một hạ tầng kỹ thuật cần thiết, nhất là các thiết bị, công nghệ hiện đại khảo sát nghiên cứu để phục vụ cho sự phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, cuộc sống của phần lớn những cư dân ven biển, những người trực tiếp tham gia vào khai thác tài nguyên biển còn gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều rủi ro từ thiên tai, có nhiều bấp bênh…
Một vấn đề quan trọng khác là Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập với thế giới bên ngoài. Vì vậy, đối với biển chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra một đường lối hợp tác hiệu quả với các quốc gia nhằm phục vụ cho việc khai thác các tiềm năng biển, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là những vấn đề rất quan trọng để các ngành, các cấp và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn để thực hiện thành công Chiến lược biển, sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu vì biển, mạnh vì biển.
Diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ 2 là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kinh tế, doanh nghiệp, các đại biểu trao đổi, thảo luận sâu sắc về các vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam; nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn của các nước trên thế giới trong phát triển kinh tế biển; tìm kiếm các giải pháp cho các lĩnh vực kinh tế liên quan đến biển phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển để phát triển kinh tế biển ở nước ta.
Theo Dân trí.