Điều chắc chắn là Trung Quốc cần thế giới nếu không hơn thì cũng không kém các cường quốc khác. Vì thế, Việt Nam nên có một vai trong cái thế giới mà Trung Quốc cần ấy.
Chủ động dấn thân
Có thể nói hiện nay Việt Nam đạt được vị thế quốc tế cao nhất trong lịch sử của mình với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Việt Nam ngày nay là đối tác chiến lược của nhiều nước, đầu tư nước ngoài và kim ngạch ngoại thương tăng trưởng năng động. Chính sách đối ngoại hòa bình - hợp tác - hữu nghị của Việt Nam cùng với cục diện thế giới hiện nay mang lại cho Việt Nam vị thế này.
Tuy nhiên, cần nhận rõ một sự thật khác, đó là vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của nhiều nước đối tác, nhất là các nước đối tác quan trọng, nói chung là tương đối thấp so với khả năng Việt Nam có thể đạt được. Nguyên nhân chính không phải là nước ta nghèo mà chủ yếu vì:
Về một số phương diện nhất định nước ta vẫn chưa bước ra khỏi phong cách đối ngoại thời kháng chiến - phong cách tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng thế giới là chính, mà chưa chủ động và tích cực dấn thân tham gia vào những vấn đề chung của cộng đồng thế giới, mà cuộc sống lại luôn luôn đòi hỏi có cho có nhận chứ không thể một chiều chỉ nhận.
Tuy ta có thiện chí hợp tác - dù song phương hay đa phương, nhưng do khả năng của ta, do nhiều vấn đề của ta, nhìn chung, sự hợp tác chưa đạt mức tiềm năng cho phép. Thậm chí, có lúc ta có nhiều thua thiệt, chưa đúng với mức các đối tác mong đợi. Trong 25 năm qua, chúng ta đã bỏ lỡ một số thời cơ và cơ hội rất đáng tiếc.
Nền ngoại giao Việt Nam hiện nay do ảnh hưởng của ý thức hệ nên tiếp tục có những hẫng hụt nhất định trong nhận thức những diễn biến mới trên thế giới - đây còn là vấn đề của tri thức, trí tuệ và mưu lược - do đó chưa xác lập được cho mình bản lĩnh mới để khai thác hay chủ động ứng phó với sự vận động của xu thế thế giới.
Những nhược điểm trình bày trên đang hạn chế sức mạnh ngoại giao nước ta và ảnh hưởng đến sức mạnh của nước ta nói chung, nhất là trong việc tập hợp đồng minh để bảo vệ lợi ích quốc gia và để tiếp tục phát huy vị thế mới của đất nước.
Tránh rơi vào vòng tay của bất kì nước lớn nào
Do sự vận động của tình hình thế giới, đặc biệt là do các mối tương quan mới giữa các cường quốc - bao gồm cả hiện tượng Trung Quốc đang trên đường trở thành siêu cường, xuất hiện tại nhiều nước các châu lục khác nhau trên thế giới mối lo Việt Nam có thể rơi vào vòng tay của Trung Quốc.
Đặc biệt là các cường quốc phương Tây, kể cả Mỹ, đều không muốn có một Việt Nam yếu, chịu lệ thuộc vào Trung Quốc. Những nước này, kể cả Mỹ, hiểu rõ ý thức độc lập tự chủ của Việt Nam và vì thế không có ảo tưởng lôi kéo Việt Nam đi vào con đường ngoại giao của những đối trọng.
Có thể hiểu, xu thế chính của những nước này là muốn có một Việt Nam mạnh đúng với vị thế đang có trong khu vực, giữ vững được độc lập tự chủ của mình. Bởi lẽ, Việt Nam ngày nay không phải là "đối tượng" của những cường quốc này. Việt Nam ngày nay không có có xung đột lợi ích với họ. Quan trọng hơn, một Việt Nam mạnh, độc lập tự chủ và có vị thế như thế sẽ có lợi nhất cho họ trên bàn cờ thế giới hiện tại...
Cần nói rõ điểm này để không cường điệu hóa đến mức nhầm lẫn các sự việc được coi là "can thiệp vào nội bộ Việt Nam để diễn biến hòa bình dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền".
Hiển nhiên giữa chế độ chính trị nước ta và chế độ chính trị của các nước phương Tây có nhiều giá trị khác nhau, đặc biệt là chung quanh vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Các nước phương Tây vì lợi ích của chính mình có chủ trương khai thác vấn đề dân chủ và nhân quyền để phát huy ảnh hưởng của họ vào các nước khác, kể cả vào Trung Quốc. Có quốc gia nào, nhất là các nước lớn, lại không muốn phát huy ảnh hưởng của mình để khai thác, để tác động vào những điểm yếu của các nước có liên quan?
Xin đừng quên, cuộc sống và quy luật tiến hóa của xã hội loài người cũng như trong quan hệ giữa các quốc gia trên trái đất này xưa nay và mãi mãi sẽ có những "diễn biến", "diễn biến hòa bình" vào nhau như vậy.
Trong sự "diễn biến" vào nhau này, quy luật muôn đời vẫn là: người thắng luôn là kẻ có khả năng thích nghi và vượt trội cao hơn đối tượng của mình.
Có thực lực mới làm bạn bình đẳng được với người
Cần nhấn mạnh đường lối ngoại giao muốn làm bạn với người của nước ta là đúng đắn. Tuy nhiên, lẽ đời nghiệt ngã: chỉ có thiện chí "chay" - nghĩa là chẳng có thực lực hay ảnh hưởng gì làm nền tảng - thì trước sau, "chay" vẫn hoàn "chay"! Vì vậy, không thể bỏ qua một chuỗi câu hỏi tiếp theo và rất nhiều việc phải làm, để cho đường lối làm bạn này trở thành hiện thực:
- Ta muốn làm bạn với người, nhưng người có muốn làm bạn với ta không? - đấy là hai chuyện khác nhau.
- Làm thế nào để ta có thể là bạn được của người? người cũng muốn nhận ta làm bạn? - Còn thứ "làm bạn" do người ban phát cho thì chẳng hay ho gì
- Làm thế nào để người cần phải làm bạn với ta?
- Làm thế nào để người nếu không muốn làm bạn với ta thì cũng không chống được ta?
- Làm thế nào để người nếu không muốn làm bạn với ta thì cũng phải tôn trọng ta?
- Làm thế nào để người không thể phản ta hay bán rẻ ta?
- Làm thế nào để người nếu chưa phải là bạn của ta hoặc chưa muốn thì cũng không chống ta?
- Làm gì và làm thế nào để nước ta không bị lôi vào trò chơi "đối trọng", lúc là "cái mộc" cho người này, lúc là "lá chắn" cho kẻ khác..?
- Làm thế nào để ngày càng thêm bạn, bớt thù?
- Vân... vân...
Tóm lại, có thể nói, ngoại giao Việt Nam vô cùng giàu có những bài học như vậy. Lo câu chuyện làm bạn, trước hết là lo cho mình có lực, có trí tuệ, có tư cách, có tính cách, có ảnh hưởng lan tỏa, có khí phách, có mưu lược, và có bản lĩnh thực hiện đường lối đối ngoại làm bạn.
Cũng có thể nói dứt khoát, đường lối đối ngoại làm bạn của Việt Nam phải bắt nguồn từ nội trị lành mạnh và đầy sức sống của quốc gia. Chẳng có ý thức hệ nào thay đổi được quy luật này của cuộc sống.
Việt Nam đang có vị thế đối ngoại cao chưa từng có trong lịch sử của mình để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, mở rộng ảnh hưởng của mình đối với thế giới bên ngoài. Song vấn đề hàng đầu của ngoại giao Việt Nam ngày nay vẫn là nhận biết chuẩn xác thế giới và giác ngộ triệt để lợi ích quốc gia với tất cả tinh thần độc lập tự chủ.
Quan hệ Việt - Trung: vấn đề quan trọng nhất của đối ngoại Việt Nam
Trong thập kỉ mới, quan hệ với Trung Quốc là vấn đề quan trọng nhất và cũng khó xử lí nhất trong đối ngoại của Việt Nam. Vì thế, phần tiếp theo sẽ đi sâu phân tích về mối quan hệ này.
Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường rất khó mở rộng không gian sinh tồn đi lên hướng Bắc, sang phía Đông hay về phía Tây. Cứ nhìn bản đồ địa dư và bản đồ địa chính trị thì thấy rõ điều này. Trong lịch sử đã có vụ Ussuri với Liên Xô cũ năm 1969. Đầu năm 2009 này, Timothy Keating đã từ chối đề nghị của Trung Quốc về chia đôi Thái Bình Dương. Nhật Bản trước sau không chịu chấp nhận đòi hỏi của Trung Quốc về biển đảo. Biên giới Ấn - Trung hiện nay đang căng thẳng...
Hướng mở thuận lợi nhất cho Trung Quốc đang vươn mình thành siêu cường chỉ còn lại hướng Nam, làm bàn đạp cho yêu cầu của Trung Quốc nâng cao khả năng vươn ra Thái Bình Dương và vị thế siêu cường của mình trong tương lai.
Sự vận động của cục diện thế giới và sự phát triển tự thân của Trung Quốc tạo nên tình huống như vậy, chẳng có đạo đức, thiện chí hay cuồng vọng nào có thể thay đổi được.
Không phải ngẫu nhiên, các Đại hội của Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ năm 1949 đến nay không lúc nào không tìm cách xoa dịu nỗi lo của thế giới, luôn luôn giương cao ngọn cờ chống bá quyền, thực chất là để thanh minh cho chính mình, gần đây nhất Trung Quốc bỏ cả cách nói trỗi dậy hòa bình, và ngày nay càng nói nhiều đến win-win (cùng thắng).
Trong khi đó, sách báo Trung Quốc gần như không có thời kỳ nào, kể cả hiện tại, ngớt nói công khai suy nghĩ của Trung Quốc về không gian sinh tồn, điển hình có lẽ là bài nói của tướng Trì Hạo Điền - nguyên bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại Hội nghị các tướng lĩnh Trung Quốc bàn về chiến lược chiến tranh tương lai, tổ chức năm 2005 (được công bố trên Tạp chí "Các vấn đề chiến lược", Ấn Độ, 15/4/2009).
Người Việt Nam ta cũng chẳng có cách gì bê đất nước mình đi chỗ khác để tránh mọi điều phiền toái. Vậy chỉ còn cách đứng tại chỗ, suy nghĩ, làm những việc phải làm.
Nóng và lạnh, khoảng cách của tuyên ngôn và thực tế
Hội nghị cấp cao Việt - Trung tại Thành Đô năm 1990 đã mở đầu thời kỳ quan hệ bình thường Việt- Trung hiện nay. Đến nay là 2 thập kỷ, quan hệ hai nước xen kẽ những đoạn đường lúc hợp tác, lúc căng thẳng, nơi này nơi khác vẫn còn sự cố đáng tiếc.Đáng chú ý, sau khi hoàn tất cắm mốc biên giới trên bộ Việt - Trung đầu năm 2009, tình hình lại rộ lên vấn đề Biển Đông.
Mới đây, đúng một ngày sau khi Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng đi thăm Tứ Xuyên, Hội nghề cá nước ta phải ra tuyên bố ngày 16-10-2009 phản đối Trung Quốc ngược đãi và cướp bóc 200 ngư dân ta vào lánh nạn cơn bão Ketsana 26-09-2009 tại đảo Trụ Cẩu - Hoàng Sa thuộc ta. Ngày 21-10-2009 người phát ngôn Bộ ngoại giao ta phải trao tiếp công hàm phản đối cho đại sứ Trung Quốc.
Đặc biệt là những hoạt động ngược lại với 16 chữ như thế của Trung Quốc trong các năm 2008 và 2009 diễn ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn so với trước, mặc dù phía Việt Nam hết sức kiềm chế - như người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta vẫn nói.
Ngoài việc gây sức ép các hãng BP và EXON phải hủy các hợp đồng thăm dò dầu khí đang làm với ta, Trung Quốc tiếp tục nêu yêu sách "lưỡi bò" trên Biển Đông, tuyên bố vùng cấm đánh cá từ 16-05-2009 đến 1-08-2009 kinh độ 170 Đông xuống tận vỹ tuyến 12; có lúc đưa tầu quân sự đánh đuổi tầu cá của ta trong vùng biển của ta chỉ cách bờ 65 hải lý... khiến hàng nghìn ngư dân của ta thất nghiệp, khốn đốn...
Những hiện tượng "nóng" "lạnh" như thế xen kẽ nhau thường xuyên. Trong khi đó, chính giới hai nước không thiếu các chữ vàng lời đẹp nói về quan hệ hai nước. Khoảng cách giữa lời nói và thực tế như vậy nói lên điều gì?
Xin lưu ý, trong bối cục của tình hình thế giới những năm 1980, Trung Quốc đã dùng vũ lực thường xuyên uy hiếp Trường Sa, - đặc biệt là cuộc tấn công của hải quân Trung Quốc đánh chiếm thêm các bãi cát ngầm và một số đảo ở Trường Sa ngày 14-03-1988; không thể không đặt ra câu hỏi: Trung Quốc dự định và có thể sẽ làm gì nữa trong bối cảnh thế giới hiện nay?
Trong bài đăng trên Hoàn Cầu Thời báo, ngày 18/03/09, tác giả Đới Hy, đại tá không quân Trung Quốc và nhà bình luận có tiếng, kêu gọi thiết lập căn cứ quân sự tại Trường Sa: "Song song với việc phát triển nguồn tài nguyên Nam Hải (Biển Đông), cần thiết lập căn cứ quân sự trên quần đảo Nam Sa (Trường Sa), với các cơ sở dành cho máy bay, trực thăng và các loại hình tác chiến khác. Hải phận và không phận rộng lớn ở đây sẽ trở thành địa điểm huấn luyện quân sự... không chỉ bảo vệ phát triển kinh tế của toàn Nam Hải (Biển Đông) mà còn thúc đẩy hiện đại hóa quân đội."
Trong quan hệ kinh tế hai nước có rất nhiều vấn đề phức tạp. Đáng chú ý là nước ta hiện nay đã đạt được trình độ phát triển nhất định, mà hầu như tất cả các công trình do Trung Quốc thực hiện đều dưới dạng chìa khóa trao tay (EPC - với công nghệ chắc chắn là hạng hai hạng ba gì đó, cùng với thiết bị và vật tư gần như 100% là của Trung Quốc, đưa hàng vạn người Trung Quốc không có tay nghề vào làm việc không có giấy phép, ...)
Phần lớn đầu tư của Trung Quốc vào ta là khai thác khoáng sản và chuẩn bị địa bàn hoạt động mới ở nước ta cho công nghiệp của Trung Quốc - gần đây nhất là khu công nghiệp An Dương - Hải Phòng do Thâm Quyến xúc tiến.
Trong khi đó, ngoại thương ta nhập siêu từ Trung Quốc mỗi năm 10 - 13 tỷ USD, khoảng 80 - 90% kim ngạch xuất khẩu của ta sang Trung Quốc là nguyên liệu. Tình hình này cộng với hàng Trung Quốc nhập lậu không thể ngăn cản được thực sự bất lợi cho đất nước. Duy trì tình trạng này trong tương lai, đầu tư của Trung Quốc và kim ngạch ngoại thương hai nước càng lớn, nước ta phải đối mặt với mối nguy và sự lệ thuộc càng lớn. Tăng cường quan hệ kinh tế Việt - Trung có ý nghĩa rất quan trọng, song mở rộng hợp tác kinh tế với các tỉnh Trung Quốc mà không cải thiện được tình hình nêu trên sẽ càng bất lợi.
Còn không ít các vấn đề phức tạp khác nữa của quyền lực mềm...
Toàn bộ thực tế nói trên sẽ chi phối sâu sắc tình hình phát triển và an ninh của nước ta trong thập kỷ 20 của thế kỷ này.
Lịch sử tranh chấp giữa các siêu cường mà nước ta đã nếm trải thời chiến tranh lạnh sẽ không lặp lại. Nhưng mối quan hệ tay đôi và sự tranh chấp hay tranh giành ảnh hưởng như vậy giữa hai nước lớn này thời nào cũng dễ đẩy các nước nhỏ lâm vào cảnh "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết". Khác chăng trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập ngày nay, các nước nhỏ có bản lĩnh và thông minh có nhiều cơ hội và phương tiện mới hơn so với trước để xử lý những vấn đề "dễ gây chấn thương" (vulnerability) mình phải hứng chịu.
Hiển nhiên chỉ có trí tuệ và sự giác ngộ tuyệt đối lợi ích quốc gia trong cục diện mới của thế giới mới có thể giúp các nước nhỏ có lối thoát. Việt Nam trong quá khứ đã trải nghiệm những bài học đắt giá, liệu sẽ vận dụng được nó cho hiện tại và tương lai?
Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có chính sách đối đầu với Trung Quốc. Ngày nay, cả thế giới, kể cả Mỹ, không nước nào chọn chính sách đối đầu với Trung Quốc. Việt Nam càng không có lí do để làm việc này.
Kể từ khi ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta đã từng sống trong thời kì quan hệ Việt - Trung đúng với nghĩa: "vừa là đồng chí, vừa là anh em", "núi liền núi, sông liền sông, môi hở răng lạnh..."
Không hoài cổ, nhưng không thể không đặt ra câu hỏi: Cái gì tốt đẹp đã đạt được trong quá khứ, tại sao không đạt được trong tương lai?
Câu trả lời về phía Trung Quốc, để cho Trung Quốc trả lời.
Câu trả lời về phía chúng ta, tự chúng ta phải trả lời. Câu trả lời ấy dân tộc Việt Nam ta cần bắt đầu từ lòng tự trọng và ý chí thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu hiện nay, rồi mới đến các việc phải làm khác. Điều chắc chắn là Trung Quốc cần thế giới nếu không hơn thì cũng không kém các cường quốc khác. Tự thân Trung Quốc cũng nói lên điều này. Vì thế, Việt Nam nên có một vai trong cái thế giới mà Trung Quốc cần ấy.
Theo Tuần Việt Nam.