"Chúng ta quá lúng túng khi đối phó với động đất năm 2005, từ trung ương đến địa phương, sau khi nhận tin báo không biết làm gì, làm thế nào, chạy bao nhiêu mét..." - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiêm Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương nhận định.
Cục Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phân tích, động đất là tai hoạ khủng khiếp nhất, xảy ra tính bằng giây. Tính đến năm 2003, nước ta có hơn 1.600 trận động đất mạnh từ 3 độ richter trở lên. Năm 1983, tại Tuần Giáo (Lai Châu) động đất mạnh 6,7 độ richter, hư hại hàng trăm nhà gạch và nứt đổ hàng chục hệ thống tường nhà, sụt lún các dãy núi trong vùng tâm chấn.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành quy chế về phòng, chống động đất, sóng thần ở Việt Nam, song nhiều địa phương vẫn tỏ ra lúng túng trong việc chuẩn bị đối phó, đặc biệt ở khâu tiếp nhận và xử lý thông tin cảnh báo.
Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu TS Lê Huy Minh cho biết: Nếu vùng biển Manila (Philippines) xảy ra động đất 9 độ richter thì sẽ gây sóng thần ở nước ta cao 5 - 7m tại miền Trung chỉ sau 2 tiếng đồng hồ vì nguồn gây ra sóng thần ảnh hưởng mạnh nhất đến Việt Nam là từ máng biển Manila.
Đánh giá của Cục Khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu thì năm 2010 diễn biến thời tiết ở Việt Nam là rất phức tạp và khó lường.
Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, nguy cơ xảy ra sóng thần ở nước ta là hoàn toàn hiện thực, theo đó tuyệt đối không lơ là, chủ quan tránh hậu quả khôn lường như đã từng xảy ra tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành bàn giải pháp ứng phó nguy cơ động đất, sóng thần sáng 29/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiêm Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương nói: “Chúng ta đã quá lúng túng khi đối phó với động đất vào năm 2005, từ trung ương đến địa phương, sau khi nhận tin báo đã không biết làm gì, làm thế nào, chạy bao nhiêu mét... Vì vậy chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này để có phương án đối phó hợp lý nhất trước thảm hoạ động đất, sóng thần”.
Về vấn đề xử lí thông tin, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Khi có bản tin của Viện Vật lý địa cầu, ngay lập tức các địa phương nhanh chóng thông tin đến người dân, huy động mọi người chạy lên chỗ cao nhất để trú ngụ, không còn thời gian đâu mà họp hành, chờ ý kiến. Không chỉ nhân dân, mà chính quyền các xã, thôn phải nắm rõ điều đó”.
Ngoài ra Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kiểm tra quy chuẩn tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng, diễn tập tình huống đối phó thiên tai. Nếu có khó khăn các tỉnh cần kiến nghị để có cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin gửi các đơn vị liên quan một cách nhanh nhất khi có động đất, sóng thần xảy ra như điện thoại, fax, điện cơ yếu, thư điện tử, tin nhắn điện thoại di động...
Ông Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện rõ các kênh thông tin đến từng hộ dân vì khi thiên tai xảy ra thì thông tin là vấn đề sống còn của người dân. Trước mắt dùng hệ thống thông tin đại chúng, lâu dài có trực canh. Tuy nhiên một điểm đáng quan tâm tại cuộc họp trực tuyến là tại Việt Nam đến nay vẫn rất khó dự báo chính xác thời điểm, địa điểm động đất sẽ xảy ra. Việc phòng, chống chủ động với từng trận động đất theo đó chưa thực hiện được.
Theo DT.