Tờ "Thời báo Tài chính" của Anh ngày 3/12 cho rằng nếu tính bằng một số cách tính nhất định, Việt Nam đang cho thấy họ là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay.
Theo tờ này, Việt Nam nhìn chung đã đi qua cuộc khủng hoảng tốt hơn so với dự đoán của nhiều nhà phân tích.
Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên tại châu Á ngừng chương trình kích cầu thời kỳ hậu khủng hoảng. Tờ này dẫn nguồn tin rằng Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ kết thúc chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn của Việt Nam vào cuối năm nay theo kế hoạch.
"Thời báo Tài chính" cũng dẫn lời Ngân hàng Thế giới đánh giá chương trình kích cầu của Chính phủ đã đóng góp to lớn vào tăng trưởng của Việt Nam.
Với nguồn tài chính có hạn của mình, Chính phủ Việt Nam đã đặt cược vào chương trình kích cầu tập trung giúp đỡ ngành công nghiệp để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo nhận xét của nhà kinh tế cấp cao Martin Rama của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc Việt Nam giảm bớt hoạt động kích cầu là đúng lúc.
Tuy việc dừng lại chương trình hỗ trợ tỷ giá 4% có thể gây khó khăn cho một số doanh nghiệp nhất định, nhưng Chính phủ Việt Nam đã tính đến việc các doanh nghiệp được cho vay trước đây phải bán vàng và USD ra để trả lại nợ cho chính phủ.
Cùng ngày 3/12, Bộ phận Nghiên cứu chiến lược, hàng hóa và kinh tế toàn cầu của Tập đoàn Goldman Sachs công bố báo cáo đánh giá về tình hình phục hồi tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2009 và đưa ra nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 và 2011.
Về cơ bản, Goldman Sachs cho rằng kinh tế Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn nhờ tăng trưởng nhu cầu nội địa, nhưng hiện vẫn đang phải đối mặt với các nguy cơ đang nổi lên về những áp lực lạm phát và tăng trưởng quá nóng tiềm tàng.
Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2009 sẽ đạt 5,1% và lần lượt đạt 8,2% và 7,8% trong năm 2010 và 2011.
Theo nhận định của Goldman Sachs, sau khi chững lại một thời gian ngắn, kinh tế Việt Nam đã có một sự hồi phục mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa tăng kể từ quý II/2009.
Với sự trợ giúp của chương trình kích thích tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ, kinh tế Việt Nam đã tránh được những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Goldman Sachs cho rằng sự hồi phục tăng trưởng và quan điểm chính sách về tổng thể thời gian qua của Việt Nam là cảm hứng cho Việt Nam để có thể trở lại thời kỳ tăng trưởng cao nếu như Chính phủ Việt Nam kiểm soát được nguy cơ bất ổn vĩ mô từ lạm phát và sự đi xuống của vị thế cán cân thanh toán.
Theo VN.