Có lẽ đó là đôi vợ chồng từng nghiện ma tuý già nhất Việt Nam. Tuổi hai người cộng lại đã hơn 200 mùa xuân. Tuy nhiên, bây giờ, họ đã quyết tâm cai nghiện để làm gương cho cháu con và góp sức xóa nạn nghiện ngập của người dân trong bản.
Trăm năm ôm ấp… bàn đèn
Vợ chồng cụ Lừ A Lủ và Giàng Thị Phềnh (bản Suối Vẽ, xã Nam Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) như 2 cây sồi xù xì đang ngồi phơi nắng trước hiên nhà. Thấy bóng Trưởng bản Giàng A Lềnh, cả hai nở nụ cười móm mém.
Biết chuyện anh Lềnh dẫn nhà báo tới chơi, cụ Phềnh véo von: “Lềnh à, vợ chồng tao 3 năm rồi không nhìn thấy cục thuốc đen nào nữa đâu, gần trăm năm bị ma phiện ám, cứ tưởng nó sẽ bắt mình về trời, thế mà nghe theo lời cán bộ bỏ thuốc phiện, người lại khoẻ ra. Đúng là chẳng phải sợ ma phiện làm hại mình nữa!”. Nói một hơi, cụ Phềnh ngừng lại, bốc từng cục cơm nguội, đút cho cụ ông Lừ A Lủ.
Nhìn cảnh đôi vợ chồng già vẫn thắm thiết như hồi mới cưới, ai cũng nghĩ thế giới này đang thuộc về họ. Trưởng bản Giàng A Lềnh cho biết: “Cụ bà năm nay đã 98 tuổi rồi, còn cụ ông thì theo người già nói đã 115 tuổi. Cụ Lủ có trong danh sách 11 cụ trên 100 tuổi của huyện Phù Yên Tết nào cũng được nhận quà mừng”.
Nhớ về cuộc đời trăm năm đã qua của mình, cụ Lủ chậm chạp kể: “Tao cũng không biết mình nghiện thuốc đen từ khi nào nữa. Chỉ biết rằng từ lâu, lâu lắm rồi, lúc đó chỉ hơn 10 tuổi thôi. Mới đầu chỉ làm bồi tiêm cho cha hút, rồi tự nhiên thấy nghiện. Sau khi tao lấy vợ thì vợ tao cũng nghiện theo luôn!”.
Theo cụ Lủ thì từ dạo đó, vợ chồng cụ không thể nào sống mà thiếu bàn đèn. Cách đây 3 mùa nương, cuối năm 2006, vợ chồng cụ thấy cán bộ xã và huyện vượt núi đến bản, bảo phải cai con thuốc phiện, làm gương cho lũ trẻ học theo.
“Nhà nước bảo là mình phải nghe rồi. Thế là vợ chồng tao còn bao nhiều thuốc phiện cất trên gác bếp mang xuống hút suốt một đêm, cháy bạc cả điếu. Sáng hôm sau quyết định vứt thuốc xuống suối, đập vỡ bàn đèn, bảo con cháu nếu thấy tao vật vã cũng không được đi tìm thuốc về nữa!”.
Những ngày cai thuốc là những ngày sống đi chết lại của 2 cụ già. Nhớ lại cái đận oái oăm đó, cụ Phềng kể: “Con ma phiện nó hành hạ 2 vợ chồng tao khổ sở, nhưng chúng tao vẫn cắn răng chịu, quyết không nhận một viên thuốc nào của cán bộ mang tới. Cũng chỉ mất 10 ngày, 2 người già từ chỗ nằm liệt giường đã tỉnh dần, ngồi dậy bốc cơm ăn. Bây giờ bọn tao khoẻ rồi, vẫn làm việc nhà cho lũ cháu, chắt đi làm nương”.
Diệt tận gốc
Chủ tịch xã Nam Phong Mùi Văn Hợi nhớ lại cái ngày vượt rừng lên Suối Vẽ để vận động người dân cai nghiện: “Lúc đầu cũng ngao ngán lắm, mình lên bản ai cũng ghét, người lớn đóng cửa nhà im ỉm, rấp lá ở cổng ngăn không cho cán bộ vào vận động. Chỉ có lũ trẻ hiếu kỳ, cứ chạy theo chúng tôi từ nhà này sang nhà khác. Ngoài nương cây anh túc mọc tốt bời bời, quả to như cái chén, mọng nhựa”.
Sau cả tháng ăn gạo đùm, cơm nắm mà vẫn không làm cho cái đầu của người lớn nghe mình, cuối cùng đoàn công tác bàn nhau: Muốn triệt tận gốc cây thuốc phiện thì mình phải bắt đầu từ bọn trẻ.
Họ tập hợp lũ trẻ lại biểu diễn văn nghệ, rồi dẫn chúng đến những nương hoa thuốc phiện đang mùa căng nhựa, giảng giải: “Các cháu có biết cái gì làm cho các cháu không có cơm ăn, không có áo mặc, không được đến trường không? Chính là cái cây này, cây thuốc phiện đấy!”.
Mấy chục đứa trẻ chừng hiểu ngay, sẵn dao, sẵn cuốc ở trong tay, cứ thế là phạt, hết nương thuốc này đến vạt thuốc khác. Kết hợp với công an xã, huyện, chỉ 3 ngày là triệt tận gốc cây thuốc phiện ở Suối Vẽ. Đến mùa sau, bọn trẻ thấy ai mang phân ra bón cho cây anh túc là báo với trưởng bản.
Đổi thay trên đất cũ
Noi gương vợ chồng cụ Phềnh, cụ Lủ, bản Suối Vẽ đã “thanh toán” nốt 23 người nghiện cuối cùng. Ba năm rồi không có ai tái nghiện nữa. Trưởng bản Giàng A Lềnh tự tin khoe: “Bản tao bây giờ toàn nhà lớn hết, nhà nào cũng đủ ăn rồi, không ai bị đứt bữa nữa. Trẻ con thì đi học lên tận cấp III”.
Không biết lời của trưởng bản đúng đến đâu nhưng thỉnh thoảng giữa câu chuyện ông lại rút điện thoại di động ra, điều hành công việc ruộng, nương, trao đổi giá ngô, giá thóc vì sắp có thuyền buôn trên sông Đà cập vào Nam Phong để nhập hàng.
Trên con đường lớn của bản, chúng tôi thấy đám thanh niên đang trèo lên một chiếc xe ô tô. Nhìn cảnh hiếu kỳ của những người này, không khác gì chúng tôi cách đây 30 năm, cũng tò mò khi có ô tô về làng.
Ông Giàng A Lù, 48 tuổi, sau một hồi khám phá từ đầu đến cuối chiếc xe tải, thích chí: “Dân bản tao trước kia muốn xuống xã phải đi bộ mất 1 ngày, ra huyện thì phải đi thuyền vượt sông Đà 2 ngày nữa. Người Mông ở đây, đến nằm mơ cũng chẳng nghĩ được có ngày ô tô vượt sông lên đến tận bản thế này. Từ bây giờ muốn bán ngô, bán lợn, trâu, ngựa đã có cái xe to chở hộ mình rồi, không phải gánh gồng, dong dắt mất ngày mất buổi, đau cả cái vai như hồi xưa nữa”.
Theo NTNN.