Vỡ mộng vì chủ quan "con học trường tư sẽ giỏi tiếng Anh"
Năm con gái học lớp 4, chị Hoàng H. chuyển con từ một trường tiểu học công lập ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) sang trường tư thục. Lý do là lớp học của con có tới hơn 50 học sinh/lớp, sĩ số quá đông khiến chất lượng giáo dục không được tối ưu.
Hơn nữa, theo chị H, thời lượng học tiếng Anh ở trường công thường không nhiều bằng các trường tư. Do học sinh đông, các con ít có cơ hội thực hành các kỹ năng nghe và nói trên lớp. Đa số các bạn của con chị H. phải đi học thêm hoặc được bố mẹ kèm cặp tại nhà mới giỏi tiếng Anh.
Trẻ em châu Á được cha mẹ đầu tư mạnh về việc học ngoại ngữ trong những năm gần đây (Ảnh minh họa: Canva).
Khi chọn trường tư cho con chuyển sang, chị H. hoàn toàn dựa vào thông tin mà các nhà trường công bố trên các phương tiện truyền thông.
"Trường nào cũng khen chương trình học của mình hay, môi trường giáo dục tốt khiến tôi bị nhiễu loạn thông tin", chị H. nói.
Như nhiều phụ huynh khác, chị H. cũng quan niệm "con học trường tư sẽ giỏi tiếng Anh". Suốt 4 tháng tìm trường cho con, đi đâu chị cũng đặt tiêu chí về giáo dục tiếng Anh lên đầu. Mục tiêu của chị là con phải được học tiếng Anh hằng ngày, hơn nữa, ngoài giáo viên Việt Nam, con cần học với giáo viên bản ngữ.
Sau khi lọc ra từ hàng chục trường có những nét tương đồng nhau, phù hợp với tiêu chí của mình, chị H. quyết định nhập học cho con tại một trường tư dạy 14 tiết tiếng Anh/tuần, trong đó có 4-5 tiết học với giáo viên bản ngữ.
Một điểm mà chị H. rất ưng ý, đó là thời lượng học tiếng Anh trên lớp nhiều, con không cần phải đi học thêm. Mức học phí của con tại ngôi trường này khoảng 5 triệu đồng/tháng, vừa với "túi tiền" của gia đình chị.
Chương trình học của nhà trường được thiết kế bởi một vị nguyên là lãnh đạo ngành giáo dục, ngoài ra còn có một phó giáo sư làm cố vấn chuyên môn. Theo chị H., họ là những tên tuổi góp phần giúp chị tin tưởng vào lựa chọn của mình.
Chương trình giáo dục tiếng Anh hiện đại là tiêu chí được nhiều phụ huynh ưu tiên hàng đầu khi chọn trường cho con (Ảnh minh họa: Canva).
Tưởng con chuyển sang trường tư sẽ học giỏi tiếng Anh, tuy nhiên, chị H. vỡ mộng. Con chuyển trường đã 5 năm nay nhưng vẫn học dốt tiếng Anh như hồi còn học ở trường công.
"Tôi dần nhận ra rằng, kết quả học của con không phụ thuộc vào việc con học trường công hay trường tư", chị H. nói.
Phụ huynh này từng nghĩ, giữa hai đứa trẻ có cùng điều kiện học tập, khả năng nhận thức thì bạn học ở trường tư sẽ học tốt hơn vì được tiếp xúc nhiều với tiếng Anh hơn bạn học ở trường công. Đặc biệt, học sinh ở trường tư cũng phát âm và nghe tốt hơn vì được giao tiếp nhiều với giáo viên nước ngoài.
Một lợi thế khác là nếu con đáp ứng được chương trình học ở trường tư, hoàn thành hiệu quả bài tập về nhà thì không cần học thêm con cũng có vốn tiếng Anh hơn các bạn trường công.
Chị H. cho biết, ngày nào con cũng có bài tập về nhà môn tiếng Anh dài 1 trang. Giáo viên yêu cầu con luyện nghe và nói thông qua việc học lại bài nghe đã được cô hướng dẫn trên lớp.
"Nhưng trên thực tế, con tôi học trường tư mà chỉ có kỹ năng nghe và nói nhỉnh hơn bố mẹ. Nếu so sánh về trình độ tiếng Anh với các bạn ở trường công thì con thua xa.
Nguyên nhân chính là con không có ý thức tự học và tiếp thu kiến thức. Vợ chồng tôi cũng không kèm con học, không biết con học những gì vì tin tưởng giao phó phần lớn trách nhiệm giáo dục con cho nhà trường", chị H. cho biết.
Theo chị H., không chỉ mình con chị mà đến quá nửa học sinh trong lớp con phải đi học thêm tiếng Anh từ lớp 6. Vì sợ con bị áp lực học hành, đầu năm lớp 9, chị mới đưa con đi học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Nếu không, chị lo con sẽ không đủ kiến thức tiếng Anh để vượt qua kỳ thi này.
Con đi học thêm, chị H. vẫn băn khoăn vì số tiết tiếng Anh trên lớp của con vốn đã nhiều, chị bỏ một "đống" tiền cho con học trường tư cũng chỉ để con không phải học thêm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi con "chạy nước rút" ôn thi vào lớp 10, chị H. mới thấy quyết định cho con học thêm là đúng đắn.
"Con học thêm với một giáo viên tiếng Anh dạy giỏi có tiếng ở Hà Nội. Suốt 4-5 tháng đầu, con chỉ được cô giáo này chấm 2-3 điểm dù nội dung kiểm tra không có kiến thức nâng cao. Trong khi đó, các bạn học yếu nhất ở trường công cũng đạt được ít nhất 6 điểm.
Tôi không ngờ được việc này vì sau bao năm học ở trường tư với chương trình học hiện đại, học tiếng Anh như "cơm bữa" mà con tôi lại có trình độ ngoại ngữ kém đến vậy.
Sau 5 tháng học thêm, con mới tiến bộ lên được 5-6 điểm. Hiện tại, sau hơn nửa năm học thêm, con đã đạt được 7 điểm", chị H. nói.
Trong quá trình con đi học thêm, chị H. nghe cô giáo đánh giá thái độ học tập của các bạn trường công cao hơn con mình, vở của các bạn sạch, đẹp còn con chị trình bày rất cẩu thả.
"Tôi không dám kết luận nhưng tất cả con cái của những người tôi quen ở Hà Nội dù học ở trường tư nhưng vẫn phải học thêm. Ngược lại, một số bạn bè tôi ở TPHCM cho con học trường tư xong không bao giờ phải ép con học thêm, bởi vì các con đáp ứng rất tốt chương trình học, trừ trường hợp con xác định thi vào trường chuyên, lớp chọn mới phải học thêm", chị H. cho biết.
Học trường công và học thêm tiếng Anh giúp tối ưu chi phí và hiệu quả
Chị H. rút ra kinh nghiệm, trong trường hợp con không được học ở trường tư chất lượng cao hay trường quốc tế, để con học tiếng Anh hiệu quả và tiết kiệm nhất, chi phí vừa với túi tiền của một gia đình có thu nhập dưới 25 triệu đồng/tháng, nuôi 2 con thì trường công lập là lựa chọn hợp lý.
"Ví dụ, con tôi đang học ở trường tư với học phí 5 triệu đồng/tháng, nếu con học trường công, tôi chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng/tháng, tức là tiết kiệm được 4 triệu đồng. Tôi dùng số dư đó cho con đi học thêm tiếng Anh với một giáo viên dạy giỏi, có lẽ cũng còn thừa tiền mà lại rất hiệu quả", chị H. tính toán.
Theo phụ huynh này, nếu tính riêng 2 yếu tố tiết kiệm và hiệu quả học tiếng Anh thì với cách làm trên, cho con học ở trường công không thua kém gì trường tư.
"Dù bố mẹ vất vả hơn khi phải đưa đón con đi học thêm nhưng đổi lại là kết quả học tập của con tốt hơn", chị H. nói.
Theo Dân Trí