Vươn dậy sau nỗi đau ma tuýTrưởng Công an xã Giàng Gà Phùa báo tin vui: Từ đầu năm đến nay, xã Nậm Khắt chưa mất thêm người đàn ông nào vì tội buôn bán ma tuý.

Người dân đã dần nhận thức được tác hại cũng như hoạt động buôn bán ma tuý là hành vi vi phạm pháp luật.

Nằm giáp ranh với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chính là địa bàn mà đối tượng buôn bán trung chuyển ma tuý từ Sơn La vào Yên Bái và đi các tỉnh khác. Đó cũng là lý do khiến không ít người đàn ông nơi đây lâm vào con đường nghiện ngập rồi dẫn đến phạm tội vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý lúc nào không hay biết. Án đã được tuyên, những người đàn ông lần lượt đi thụ án tại các trại giam, chỉ còn lại bản làng heo hút, xác xơ cùng những người vợ héo hon bên đàn con thơ.

Bản "không chồng"    

Đoạn đường từ trung tâm huyện Mù Cang Chải đi vào xã Nậm Khắt chỉ chừng hơn 20km, thế nhưng phải mất ngót 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được trung tâm xã Nậm Khắt. Bởi, con đường liên tiếp dốc thẳng đứng này nối tiếp dốc thẳng đứng khác. Nhiều đoạn đường, bạn đồng hành của chúng tôi, Trung sĩ Triệu Văn Điệp - vốn đã khá thông thuộc địa hình - phải xuống xe và ra sức đẩy "con ngựa sắt" vượt dốc.

Trời đang nắng đến chảy mồ hôi bỗng âm u một cách bất thường. Từ trên đỉnh các đồi thông, sương mù bỗng ở đâu bay ra, là là mặt đất lạnh toát cả người. Trung sĩ Điệp chia sẻ: May mắn là ngày hôm nay không mưa. Những ngày mưa gió, nhiều đoạn đường dẫn vào xã Nậm Khắt và các bản lội bùn ngập cả đến đầu gối. Bản bị cô lập, người vào không vào được, người ra cũng chịu.

Vươn dậy sau nỗi đau ma tuý_0

Vừa đến trung tâm xã, chúng tôi dừng chân uống chén nước. Một người phụ nữ gầy, nước da tái xám bước vào, xách tải gạo trên tay. "Bán gạo làm gì?"- Chủ quán hỏi. "Thiếu tiền"- người phụ nữ trả lời gọn lỏn bằng tiếng Mông. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người phụ nữ này tên Mỷ, là một trong những đối tượng có biểu hiện về sử dụng chất ma tuý.

Việc những người nghiện ma túy mang gạo đi bán lấy tiền hút hít không còn là chuyện lạ ở Nậm Khắt. Bởi, đây chính là một trong những địa bàn trung chuyển của các đối tượng buôn bán vận chuyển ma tuý đi các tỉnh khác. Đó cũng là lý do khiến cho khá nhiều người cả đàn ông và phụ nữ đã bị "nàng tiên nâu" mê hoặc rồi phạm tội vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma tuý. 

Những người đàn ông lần lượt theo nhau thụ án tại các trại giam vì buôn bán ma tuý. Nhiều bản trong xã như bản Làng San, bản Pú Cang từng được biết đến với cái tên "bản không chồng". Đi dọc những con đường đất, loang lổ những "ổ trâu", "ổ gà" trong bản, chúng tôi cảm nhận được không khí như có điều gì đó hoang lạnh, đa số chỉ thấy những người phụ nữ và những đứa trẻ lấm lem bùn đất.

Trong năm 2009, tại xã Nậm Khắt có hơn 60 người đàn ông đang phải thụ án tại các trại giam vì tội buôn bán ma tuý, lẽ dĩ nhiên theo đó sẽ có trên dưới 60 người phụ nữ được đưa vào diện "không chồng". Theo chân đồng chí Trưởng Công an xã Giàng Gà Phùa, chúng tôi đến nhà chị Thào Thị Chư. Bên ánh lửa chập chờn trong căn nhà tối im lìm, chị Chư lặng lẽ bước ra đón chúng tôi.

Mới hơn 30 tuổi nhưng người phụ nữ ấy mang cái dáng gù gù, thân hình teo tóp khắc khổ. Chồng chị, anh Mùa A Vang, 35 tuổi vốn là một thanh niên người Mông hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Khi cơn bão ma tuý kéo về, anh nghiện lúc nào không biết. Đến lúc không có tiền để mua thuốc, bị các đối tượng buôn bán ma tuý lôi kéo, anh cùng một nhóm 4 người nhận vận chuyển thứ hàng cấm chết người ấy. Trong một lần đang "hoạt động" ở Sơn La, anh bị lực lượng Công an bắt quả tang cùng 4 người đang vận chuyển hơn 3kg ma tuý…

Khi được hỏi về bố, cô bé Mùa Thị Lênh, 14 tuổi chạy đến chiếc tủ con, lật đống quần áo lấy giấy chứng minh nhân dân của anh Mùa A Vang cho chúng tôi xem bức ảnh duy nhất còn lại của bố em. Năm 2007 anh Vang bị bắt cũng là lúc đứa con gái út Mùa Thị Thư của anh chào đời. Bản án 17 năm tù đã đẩy cuộc sống gia đình anh rơi vào tuyệt vọng.

Một mình chị Chư phải gánh nặng lên đôi vai gầy yếu của mình biết bao nỗi đau đớn cơ cực. Chị Chư ngân ngấn nước mắt khi nhắc đến chồng: Anh Vang đang thụ án tại Trại giam Nam Hà. Mỗi năm chỉ đi thăm anh được một lần. Cả đi cả về mất ngót 2 ngày. Mà tiền có đâu để đi thăm.      
Ươm mầm xanh giữa đại ngàn

Thời điểm mà cơn bão ma tuý nóng nhất tràn vào Nậm Khắt đó là khoảng vào năm 2007, lực lượng Công an xã phải thay nhau thường xuyên cắm chốt ngay ở đầu các bản cả ngày lẫn đêm. Khi thấy bất kỳ người lạ mặt xuất hiện, quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, nếu phát hiện có những biểu hiện nghi vấn thì báo ngay cho lực lượng Công an để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhờ như vậy mà số lượng người nghiện hút bị đưa đi cải tạo cũng đã giảm một cách đáng kể. Thế nhưng, hậu quả của cơn bão ma tuý để lại chính là một lớp đàn ông đang ở độ tuổi lao động, là trụ cột trong gia đình đã thụ án tại các trại giam, để lại những đứa trẻ bơ vơ, những người phụ nữ một thân một mình lo toan, gánh vác việc gia đình.

Giọng Trưởng Công an xã Giàng Gà Phùa chua xót: Có những gia đình khi người bố vừa mãn hạn tù trở về nhà vì tội buôn bán ma tuý thì người con lại vừa bị bắt. Cũng có những gia đình cả bố, mẹ và con cùng vào tù trong các vụ án buôn bán ma tuý khác nhau. Nhiều gia đình lại thiếu đàn ông bởi họ đi cai nghiện. Buôn bán ma tuý nhưng số các hộ có điều kiện trong xã như có tivi, xe máy không phải là nhiều.

Hoặc, có sắm sửa được tivi, xe máy… đến khi nghiện ma tuý, những thứ tài sản ấy lại không cánh mà bay. Nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an tỉnh Yên Bái nói chung, Công an huyện Mù Cang Chải nói riêng, tình trạng buôn bán và sử dụng chất ma tuý ở xã Nậm Khắt đã giảm. Nhiều gia đình cũng đang dần vực lại sau nỗi đau ma tuý.

Như gia đình chị Giàng Thị Vàng. Chồng chị, anh Lý Páo Chua, 46 tuổi, thụ án 15 năm tù vì tội buôn bán ma tuý. Nhiều năm sống thiếu thốn tình cảm của người cha dường như làm cho 3 đứa con của anh Chua lớn trước tuổi. Điều may mắn hơn cả là 2 đứa trẻ đến tuổi đều được ăn học tử tế.

Trong thời gian anh Chua đang thụ án là năm 2008, ngôi nhà tranh tre dột nát mà 4 mẹ con chị Vàng sinh sống đã được Nhà nước hỗ trợ 80 tấm lợp brô ximăng và 2 triệu đồng tiền công xây nhà, cộng thêm những đồng tiền mẹ con chị chắt bóp được. Ngôi nhà đã kiên cố, vững chắc để mẹ con chị Vàng yên tâm hơn. Mỗi lần lên thăm chồng, chị Vàng lại động viên anh yên tâm cải tạo để được giảm án, sớm về với vợ con.

Trước khi chia tay chúng tôi, Trưởng Công an xã Giàng Gà Phùa báo tin vui: Từ đầu năm đến nay, xã Nậm Khắt chưa mất thêm người đàn ông nào vì tội buôn bán ma tuý. Người dân đã dần nhận thức được tác hại cũng như hoạt động buôn bán ma tuý là hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cùng với các chính sách về xoá đói giảm nghèo của Chính phủ, đời sống của bà con tại xã Nậm Khắt nói chung đang từng bước thay da đổi thịt. Từng ngôi nhà kiên cố lợp mái brô ximăng dần khiến Nậm Khắt choàng tỉnh sau nỗi đau ma tuý, ươm mầm xanh giữa đại ngàn.

Theo CAND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC