Vượt dốc mưu sinhNhững người phu khuân vác ở núi Bà Đen, Tây Ninh bám núi mà sống. Đường dốc đá gập ghềnh, có lúc dốc thẳng đứng, rút hết mồ hôi trong người họ, đổ xuống mỗi bước chân nặng nề bám chặt vào đá núi...

Ba giờ chiều một ngày tháng giêng âm lịch. Tháng giêng, hai ở Tây Ninh, nắng gay nắng gắt. Nắng như dội lửa vào dòng người hành hương lên chùa Bà. Thấp thoáng trong số đó có những người phu khuân vác. Họ cắm cúi bước từng bước thật chậm. Lưng người nào cũng oằn xuống với những thùng hàng được chằng buộc cẩn thận.

Sơ sẩy là tai nạn

Họ không màng đến người bên cạnh, không màng đến việc có người theo chụp ảnh, hỏi han. Bởi vì chỉ cần vô ý một chút là vấp chân, té ngã.

Nhẹ thì bong gân sai khớp, nặng thì đổ máu. Bởi đường lên chùa núi dẫu đã được làm từng bậc tam cấp đá nhưng rất hẹp, có nơi dốc đứng, sơ sẩy một chút thôi là tai nạn như chơi.

Đó là chưa kể phải tìm cách lách mình giữa dòng người để lên đến nơi cho kịp yêu cầu của chủ hàng. Đôi khi họ phải rời đường chính, len lỏi vào những tảng đá, bụi cây để đi tắt cho nhanh.

Tôi bám theo sau một người phu khuân vác. Trên lưng ông là ba thùng nước suối. Mồ hôi đổ ròng từ đầu tới chân ông như dội nước. Mắt cắm thẳng xuống chân, ông bước từng bước, chậm mà chắc. Đến khi người phu gá thùng hàng xuống một quán ven đường, tôi mới có dịp xin “đặc tả” gương mặt ông một chút.

Đó là ông Đặng Văn Sớm, 58 tuổi. Người có thâm niên gần 20 năm trong nghề. “Ở đội khuân vác này còn một người cùng tuổi và cũng mần nghề này lâu như tui, tên là Tài” – ông Sớm cho biết.

Vượt dốc mưu sinh_0

Ông Đặng Văn Sớm có 3 người con. Trừ cô con gái út, hai người con trai cũng theo nghề cha, bám núi mà sống từ lúc vác nổi bao lúa. “Ở miền ngoài quê tui cũng không nghề nghiệp gì hết, đi làm mướn thôi. Nghèo quá mà. Tui cứ đi dần dà dạt vô tới trong này, thấy làm mướn ở đâu cũng vậy. Làm ở đây cực thiệt nhưng công việc và thu nhập ổn định hơn nên tui định cư ở đây luôn” – ông Sớm nói. T

hật lòng, nhìn dáng vóc nhỏ thó, khắc khổ của ông (cũng như những người khuân vác khác), tôi không nghĩ là ông có thể làm nghề này lâu được như vậy.

Bán mặt cho... đá

Thu nhập của phu khuân vác ở đây cũng tạm ổn. Với thù lao 35.000 – 50.000 đồng cho mỗi cây nước đá (tùy theo độ cao của điểm đến) hoặc khối lượng hàng hóa mang lên, mỗi ngày họ phải vác từ 5 – 6 chuyến hàng như vậy, cũng tạm đủ sống.

Chưa kể, những ngày cao điểm, họ phải “chạy” đến 8 - 9 chuyến. Nhưng bù lại, sức lực của họ bị rút cạn kiệt từng ngày mà không có chuyện bảo hiểm rủi ro!

Anh Nguyễn Văn Bình, một người đã có 8 năm trong nghề, thở hắt ra khi ngồi nghỉ mệt bên cây nước đá: “Sống được với nghề này gian nan lắm. Sáu giờ sáng có mặt tại kho nước đá dưới chân núi, tám chín giờ đêm mới về tới nhà, miếng cơm trong miệng ăn không biết mặn lạt, đặt lưng xuống giường mà không có cảm giác là mình ngủ trên giường...”.

Anh nhớ lại hồi mới đi làm, sau ngày đầu tiên, anh phải nằm nhà nghỉ đến 3 ngày vì hai bắp chân đau cứng. Đến lúc đi làm trở lại, vừa trờ tới chân núi anh đã thấy... xây xẩm mặt mày vì... ngán việc! Trung bình mỗi cây nước đá hoặc một vác hàng như vậy nặng từ 50 – 70 kg, chỉ nghe không thôi đã thấy mồ hôi rịn ướt toàn thân, nói gì vác lên, rồi... leo núi! Nhưng rồi vì bức bách mưu sinh, anh cũng phải cố gắng “lết” ra khỏi nhà.

Vượt dốc mưu sinh_1

“Cực vậy, nhưng đến lúc quen rồi, hôm nào mưa gió không đi vác hàng thì lại thấy... nhớ nhớ!” – anh Bình cho biết.

Hầu hết những người trong đội bốc vác ở đây là dân tứ xứ –  đa số là dân miền Trung – họ vào Tây Ninh dừng chân lại và lấy nghiệp bán mặt cho... đá để sinh nhai. Có người làm theo thời vụ, lúc hội hè, lễ tết đông người, vừa vác hàng cho các quán vừa gánh đồ lễ thuê cho những người hành hương, từ gạo, mì, nước tương đến nhang đèn... họ đều nhận hết.

Cũng có người bám núi quanh năm kiếm sống. “Mối” thường xuyên của họ là những quán bán dọc theo đường lên núi, bán nước uống, thức ăn nhanh phục vụ khách hành hương. Cứ mỗi người “lãnh” một quán, rồi tùy nhu cầu của quán mà làm việc.

Mấy năm trước, khi chùa núi Bà được xây dựng, tu bổ, cũng chính họ là những người cõng cát đá, xi măng... lội đến tận chùa Bà, chùa Hang... Mỗi viên gạch, tấm tường của những ngôi chùa uy nghi lừng lững trên vách núi, có công rất lớn của anh em phu khuân vác nơi đây.

Nghề của người trung niên

Rất hiếm gặp một gương mặt trai trẻ trong đội ngũ những người làm cái nghề cần đến sức vóc thanh niên. Những người trong “đội hình chính thức” làm nghề bốc vác tại núi Bà Đen chỉ trên 20 người, đều là lớp trung niên. Do nhiều năm trong nghề, có kinh nghiệm, họ biết cách giữ sức khỏe dẻo dai để “chiến đấu” với những bậc đá mà giữ chén cơm manh áo hằng ngày cho gia đình.

“Làm nghề này, có sức khỏe thôi chưa đủ mà cần phải có kinh nghiệm giữ sức. Tuổi trẻ thì nhanh nhẹn có sức khỏe nhưng liều lĩnh, xốc nổi... nên khó thể nào theo nghề này nổi. Người ta kêu giờ nào là phải chạy giờ đó, bất kể trưa sớm, nắng mưa. Mà phải giữ bình tĩnh không được giận hờn, không được để lòng tức bực vì thấy vậy chứ nó phá sức ghê lắm. Lạng quạng là không làm nổi đâu. Đó, lúc bỏ vác nước đá xuống rồi, người dù đã quen việc như tui nè, cũng còn thấy người lơ lơ lửng lửng, bữa nào yếu trong người là về nhà bưng chén cơm không nổi, nói chi ăn!” – ông Sớm tâm sự.

Nhưng thật ra, có một sự thật mà người phu già này không nói, đó là tuổi trẻ vốn năng động, nếu có cơ hội kiếm được việc dễ sống hơn thì họ làm việc khác, chứ không cứ phải bám núi mà sống.

Và quanh năm, chen giữa những người hành hương lên núi vẫn có những chiếc bóng nhỏ thó, liêu xiêu dưới sức nặng của những cây nước đá, những thùng hàng, âm thầm bấm chân vượt dốc...

Theo Người Lao Động.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC