Xây cổng chào có giúp dân ta đỡ khổ không?Đó là câu hỏi của bạn đọc Lê Thị Tâm Diệp (Ottawa, Canada). Việc xây cổng chào Hà Nội đã khiến nhiều bạn đọc Việt Nam ở nước ngoài quan tâm và lên tiếng.

Đừng nhân danh đại lễ Thăng Long để kêu gọi đóng góp

Bạn Tâm Diệp cho biết mình đã từng làm việc và sinh sống ở một số thủ đô các nước: Bangkok của Thái Lan, Colombo của Sri Lanka, Islamabad của Pakistan, Kathmandu của Nepal, Ottawa của Canada, Paris của Pháp (Arc de Triompe không phải là cổng chào theo nghĩa chào khách trước khi vào thủ đô), Rangoon (thủ đô cũ của Miến Điện), Vientiane của Lào...

“Tôi chẳng thấy các thủ đô này có cổng chào gì cả! Hoặc có thể có nhưng nhỏ nhoi đến mức tôi đi ngang hơn 1 lần mà không nhận ra! Nhân đọc tin về dự định xây các cổng chào cho TP Hà Nội với giá 50 tỉ đồng (từ sự đóng góp của các doanh nghiệp), tôi có bài tính nho nhỏ. Giả dụ TP Hà Nội cùng đơn vị thi công mang 50 tỉ đồng bỏ vào tài khoản định kỳ hàng năm với lãi suất 10% mỗi năm, rồi dùng tiền lãi mà làm các việc công ích khác....

Đừng nhân danh Đại lễ Thăng Long mà kêu gọi ai khác đóng góp thêm vì có thể họ đã có ý định đóng góp xây nhà tình thương theo kênh khác, bây giờ bỏ ý định đó mà đóng góp cho Hà Nội thì cũng thế! Tính ra năm đầu với lãi suất 5 tỉ, xây mỗi nhà tình thương trung bình mất 25 triệu (theo tin tức trên các trang web), thì năm đầu tiên xây được 200 nhà tình thương. Năm kế, vì trượt giá 10% nên số tiền lãi có thể xây được ít hơn, tạm tính là 90% số nhà ban đầu, tức 180 căn nhà. Cứ thế, tôi tính ra sau 10 năm, sẽ xây được 1.300 căn nhà tình thương, mà số tiền ban đầu vẫn là 50 tỉ. Lúc đó, có thể trả lại 50 tỉ này cho TP Hà Nội cùng doanh nghiệp đóng góp. 1.300 căn nhà tình thương là con số không lớn, nhưng tôi nghĩ ý nghĩa đối với Đại lễ Thăng Long cũng đáng kể.

Một vị vua nước ta trong lịch sử đã từng nói đại ý: “Con gái ta đủ trang phục mà mùa đông còn thấy lạnh, thì dân ta khổ ra sao?!” Đó là tính nhân văn của con người Việt Nam. Thiết nghĩ đóng góp thêm 1.300 căn nhà tình thương từ số tiền làm cổng chào, thì cũng góp phần giúp cho dân ta đỡ khổ!"

Ý tưởng tốt đẹp ban đầu về con đường gốm sứ có thể bị  làm vấy bẩn
            bởi những người thiếu ý thức và sự thiếu các công trình vệ sinh công
            cộng
Ý tưởng tốt đẹp ban đầu về con đường gốm sứ có thể bị làm vấy bẩn bởi những người thiếu ý thức và việc thiếu các công trình vệ sinh công cộng

Bạn Lê Hải Ngọc (Matxcơva) viết: "Bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Quân thật đúng và xác đáng! Tiền của ai chẳng là tiền, giá như những đồng tiền ấy được sử dụng hợp lí và có ích hơn cho xã hội, ví dụ như để dọn dẹp và giữ vệ sinh cho thành phố thường xuyên hàng ngày, sửa sang lại các nơi chốn công cộng, xây những nhà vệ sinh công cộng trên đường phố có người dọn dẹp và quản lí, để khỏi cảnh có những đoạn đường đi qua người dân phải bịt chặt mũi và chạy… thì có tốt hơn chăng?"

Cùng một ý này, bạn Quang Hòa (ở địa chỉ [email protected]) chỉ ra một hiện tượng đáng buồn ở thủ đô Hà Nội. Hãy đi dọc theo con đường gốm sứ mới hoàn thành sẽ thấy cứ chỗ nào có cột điện thì chỗ đó người ta đái bậy, bởi cột điện được dùng như phương tiện che bớt cái sự muốn bất đắc dĩ của mọi người. Họ đi tiểu luôn lên mặt mặt tường đã được lát gốm rất đẹp. Nhìn từ xa, chỗ có cột điện là mảng gốm sứ ở đó đổi sang mầu sẫm. Đến gần thì ngửi thấy mùi khai kinh khủng khiếp.

Tại bên xe buýt (gần bến Nứa cũ) thường xuyên có hàng trăm người chờ xe buýt nhưng tuyệt nhiên không có lấy một căn nhà vệ sinh công cộng. Vì thế, khi “buồn” người ta, kể cả phụ nữ, đều phóng sang bên kia đường để đến nơi có cột điện sát với bức tường gốm sứ giải quyết… nỗi buồn.

“Có lần, tôi mạnh bạo hỏi một thanh niên vừa “ấy” xong xem anh ta nghĩ gì. Anh ta nói: "Biết là không tốt nhưng không thể nhịn được thì làm thế nào". Và không chỉ riêng con đường gốm sứ này. Ở Hà Nội còn hàng trăm điểm công cộng khác cũng đang rất cần những nhà vệ sinh để giữ cho Thủ đô văn minh và sạch sẽ. Tiếc rằng không ai quan tâm đến việc này.

Vì thế, tôi mạnh dạn đề nghị thay vì xây 5 chiếc cổng chào vô cùng tốn kém và chỉ dùng cho mỗi mục đích phô trương, hãy quy hoạch và xây dựng một hệ thống các nhà vệ sinh công cộng thật hoàn chỉnh cho Hà Nội. Ít nhất, khách đến thăm Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long cũng có chỗ xả nỗi buồn khi cần. Có lẽ điều này thiết thực hơn vì nó giúp thoả mãn nhu cầu của mọi người và làm cho Thủ đô thêm văn minh và sạch đẹp hơn.”

1000 năm là ở lòng người

Xây cổng chào có giúp dân ta đỡ khổ không?_0
Dự kiến cổng chào Hà Nội ở khu bắc Thăng Long

Bạn đọc Nguyễn Nghĩa (Ba Lan) đề nghị : - Chỉ xây 1 cổng chào hướng Đông - Nam (nếu cần thiết phải xây). Ý nghĩa của nó : Lý Thái Tổ khi dời đô về Thăng Long là mong đất nước phát triển. Cổng chào nên có mô típ từ thời Lý như một “báo cáo” để nhà vua anh minh biết sự cố gắng của các thế hệ sau, và vinh danh Người.

- Chỉ dùng ngân sách thành phố, tránh dùng tiền của tư nhân, tránh quảng cáo (dù gián tiếp) trên các cổng chào. Số tiền chỉ giới hạn dưới 15 tỉ. Nước ta còn rất nghèo. Số tiền 35 tỉ còn lại, thành lập quĩ ủng hộ ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa bị Hải quân Trung quốc bắt giữ, tịch thu thuyền...

Bạn Phạm Đức Duy (Hải Dương) cho rằng ý nghĩa của "1000 năm" là ở lòng người. Đâu cần phải có những công trình đồ sộ, làm vội vã sau đó có thể đi vào lãng quên, "bỏ thì thương, vương thì tội ". Xin hãy dành tiền làm cổng chào để làm cho Hà Nội bớt ngập úng, bớt tắc nghẽn giao thông. Cái "cổng chào" này thiết thực và có ý nghĩa hơn nhiều lần cổng chào mà Hà Nội định làm

Bạn Minh Hoàng (địa chỉ [email protected]) nhận xét đây là biểu hiện của căn bệnh hình thức và thành tích vốn còn khá phổ biến trong xã hội ta. Rất nhiều những thủ dô nổi tiến trên thế giới đâu có cổng chào, thế thì tại sao Hà Nội nhất quyết phải có cổng chào? Nói như nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân, không khéo, đây là một việc làm tiếp tay cho sự “tham nhũng không gian công cộng” để quảng cáo gián tiếp cho những người đầu tư. 50 tỷ đồng, bỏ ra để xây dựng các cổng chào này, rồi sau vài ba năm, lại phá đi xây cái khác, sao mà một món tiền lại bị coi nhẹ như vậy?

Một bạn đọc ở Đồng Nai bày tỏ: “Tôi thấy kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mục đích để các thể hệ sau biết và hiểu, tự hào về truyền thống của cha ông, thêm yêu đất nước và có lối sống xứng đáng với cha ông, chứ không phải kỷ niệm là làm cái gì cũng thật to, hoành tráng, ấn thượng gây lãng phí tiền bạc.

Nước ta còn nghèo sao phải lãng phí tiền quá nhiều vào việc này? Nào là bỏ gạch lát vỉa hè còn dùng được thay bằng gạch mới - quá lãng phí; nào là xây dựng con đường gốm sứ, giờ lại xây cái cổng chào rõ to và đẹp. Xây cổng chào chỉ cần xây nhỏ, không cần hoành tráng quá, sẽ làm trò cười cho thiên hạ đó. Nghèo mà “sĩ” thì bao giờ mới khá được?

Bạn Hoàng Hồng (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) tán thành ý kiến của họa sỹ Nguyễn Quân: “Cổng chào người ta chỉ làm để dùng tạm trong các lễ hội hoặc sự kiện chính trị, không mấy ai xây cổng chào vĩnh cửu. 50 tỉ xây cổng chào, nên đem xây thư viện, trồng cây xanh, tu bổ công viên… cho toàn dân được hưởng. Xây cổng chào ở 4 địa điểm đã được duyệt là không nên! Và nếu nhất thiết xây thì tôi đồng ý với họa sỹ Nguyễn Quân, phải là vị trí giáp ranh với các tỉnh giáp Hà Nội.”

Tổng hợp.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC